Quán nhậu lấy tên nhạc phẩm: Chuyện bình thường

LTS: Pháp Luật TP.HCM ngày 3-10 có bài “Huế: Không gian văn hóa Trịnh thành phố nhậu”, phản ánh tình trạng quán nhậu đang đua nhau mọc lên trên tuyến đường Trịnh Công Sơn. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc, đồng thuận có và trái chiều cũng có. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của nhà thơ Đỗ Trung Quân.

Khi đọc bài báo “Không gian văn hóa Trịnh thành phố nhậu”, tôi thấy có một số vấn đề cần đặt ra. Theo bài báo, hiện trên con đường Trịnh Công Sơn (TP Huế) dài gần 2 km có khoảng 30 quán nhậu lớn bé mọc lên, nguyên nhân chủ yếu do tiến độ thi công các hạng mục văn hóa như công viên còn chậm. Mà công viên thi công chậm là vì nhà thầu chưa được 19 hộ dân gần cầu Gia Hội bàn giao mặt bằng do chưa đồng tình phương án bồi thường. Vậy là rõ, vấn đề ở đây thuộc về quy hoạch và quản lý đô thị. Khi chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề là bồi thường, giải tỏa thì “không gian văn hóa” chưa thể hoàn thành là điều tất nhiên, dễ hiểu.

Có một thực tế là người dân hằng ngày vẫn phải tìm cách sinh nhai. Nhà hàng, quán nhậu mọc lên ắt phải đóng thuế và xin giấy phép. Nếu họ làm đúng luật pháp thì không có gì phải bàn. Nếu không, vấn đề ở đây là việc quản lý kinh doanh, thế thôi. “Không gian văn hóa” lại là phạm trù khác. Vấn đề đặt ra là có được lấy tên tác phẩm của nhạc sĩ làm tên quán nhậu?

Quán nhậu lấy tên nhạc phẩm: Chuyện bình thường ảnh 1

Theo nhà thơ Đỗ Trung Quân, những tên quán như thế này là bình thường. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Đến nay, tôi chưa thấy văn bản nào cấm sử dụng tên tác phẩm âm nhạc của bất cứ nhạc sĩ nào làm bảng hiệu hàng quán. Ở Hà Nội lẫn TP.HCM, có rất nhiều quán ăn, cà phê lấy tên ca khúc của các nhạc sĩ làm tên hiệu. Không hề khó khăn để bắt gặp các quán cà phê có tên Ru tình, Diễm xưa, Thiên thai… hay lấy tên là tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển thế giới (như Khúc ban chiều - Serenata của nhạc sĩ người Ý Enrico Toselli; Dòng sông xanh - le beau Danube bleu của nhạc sĩ người Áo Johann Strauss…). Còn tên người? Vẫn có cà phê Văn Cao, cà phê Trung Quân (chỉ trùng tên người viết) đấy thôi…

Sẽ có ý kiến cho rằng cà phê là “thức uống văn hóa” nên đặt tên thế là được, còn lấy tác phẩm của những tên tuổi như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm tên quán nhậu thì “bất kính”. Trên những con đường mang tên danh nhân văn hóa - lịch sử thì điều này càng không cho phép. Thì ngay trên con đường Duy Tân (nhà vua đấy), nay là Phạm Ngọc Thạch, sầm uất có một nhà hàng rất lớn mang tên 38-Phạm Ngọc Thạch. Chẳng lẽ phải cấm nhà hàng đặt tên này ư? Theo tôi, đấy là chuyện bình thường, bởi nó chỉ mang ý nghĩa giúp mọi người dễ nhớ, dễ tìm trong cái mê cung tên đường phố ở Sài Gòn. Chưa thấy ai lên tiếng rằng nhà hàng này “bất kính” với vị bác sĩ bộ trưởng y tế thời kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thêm một dẫn chứng nữa, ta có thể gặp vô số quán nhậu Quê Hương trên nhiều quận, huyện trong TP để quảng cáo cho những đặc sản đồng quê như heo dân tộc, gà đồi… Không lẽ nhà thơ Giang Nam và tôi là những tác giả đang sở hữu thương hiệu bài thơ và bản nhạc Quê hương lại đòi chủ quán tháo bảng hay kiện họ ra tòa vì vi phạm bản quyền? Điều đó là không thể khi họ đã thực hiện đầy đủ thủ tục kinh doanh đúng pháp luật.

Trở lại vấn đề của “không gian văn hóa Trịnh” và tên quán nhậu bằng tên ca khúc của Trịnh Công Sơn, một lần nữa người viết xin nhấn mạnh nó là hai phạm trù khác nhau: Một bên là vấn đề quản lý đô thị, một bên là quyền dân sinh của người dân. Ông Ngô Lộc, Đội phó Đội Quản lý đô thị TP Huế, đã nói rất cụ thể: “Thời gian tới có thể TP sẽ cưỡng chế các hộ dân cố tình không giao mặt bằng. Chúng tôi kiên quyết không để tình trạng các quán nhậu đua nhau mọc lên trên đường Trịnh Công Sơn như hiện nay”. Vấn đề trật tự đô thị vậy là rõ rồi. Nhưng cho dù đã dời đến chỗ khác thì việc các quán nhậu vẫn giữ nguyên những cái tên Diễm xưa hay Biển nhớ cũng chẳng có gì sai.

Tóm lại, tất cả chỉ là chuyện quản lý quy hoạch đô thị còn chưa suôn sẻ chứ không có gì phải ầm ĩ, thiển ý của người viết bài này là thế!

ĐỖ TRUNG QUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm