Quản lý xe ôm e không dễ

Nhiều người ở tỉnh đến TP mưu sinh chỉ ở trọ và tuy có đăng ký tạm trú nhưng chưa chắc đã có KT3 nên không đủ điều kiện cấp thẻ hành nghề xe ôm. Đó là băn khoăn của nhiều ý kiến tại cuộc họp liên tịch giữa Ban An toàn giao thông TP, Sở GTVT, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt (Công an TP.HCM) và công an, UBND các quận, huyện ngày 11-11 về việc chuẩn bị thực hiện Quyết định số 71 của UBND TP.HCM (ngày 17-9-2010) về quản lý người hành nghề chuyên chở hàng hóa, chở người bằng xe hai, ba bánh, xe thô sơ (tạm gọi xe ôm, xe ba gác).

Cấp thẻ: Khó

Theo Quyết định 71, từ ngày 1-1-2011, người chạy xe ôm, xe ba gác phải đeo biển hiệu (thẻ) trước ngực. Để được cấp thẻ, họ phải đến UBND phường, xã đăng ký điền các giấy tờ (không phải đóng phí) và sẽ được cấp thẻ sau ba ngày. Nghe qua tưởng dễ nhưng khi vào thực tế, vẫn còn nhiều chuyện phát sinh mà khi áp dụng sẽ ảnh hưởng đến những người chạy xe ôm, xe ba gác.

Trung tá Nguyễn Ngọc Nghĩa, Đội phó Đội CSGT-cơ động-phản ứng nhanh (Công an quận Tân Bình), cho biết rất nhiều người chạy xe ôm, xe ba gác không có KT3. Luật Cư trú mới và quy định của Công an TP ghi rõ những người có đăng ký tạm trú từ một tháng trở lên và được chủ nhà bảo lãnh thì mới được cấp KT3. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người ở tỉnh đến TP chạy xe ba gác, xe ôm chỉ được chủ nhà đăng ký tạm trú. “Thậm chí có người đăng ký tạm trú ổn định một chỗ cả mấy năm trời nhưng vì chủ nhà không chịu bảo lãnh nên đâu được cấp KT3” - Trung tá Nghĩa cho biết. Thực tế này đang diễn ra ở các quận vùng ven như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức…

Quản lý xe ôm e không dễ ảnh 1

Làm sao phân biệt được ai chạy xe ôm, ai không? (Ảnh chụp ngày 11-11-2010 trên đường Nam kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM) Ảnh: HTD

Về vấn đề này, ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (đại diện Sở GTVT), nói: “Do chúng ta mới làm thì chắc chắn có vướng mắc phát sinh. Những vướng mắc này các quận, huyện cứ báo cáo lên để Sở GTVT đề xuất lên TP chỉnh sửa rồi áp dụng vào thực tế cho phù hợp”.

Một điều kiện khác để được cấp thẻ đối với những người chạy xe ba gác là phải có giấy chứng nhận đảm bảo về môi trường. Với giấy này, ông Tính cho biết chủ xe cứ đem xe đến kiểm định ở những trung tâm đăng kiểm để được cấp giấy rồi đi đăng ký. Báo Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề: Thực tế các xe ba gác hiện không có đủ giấy tờ để làm thủ tục đăng ký kiểm định vì lâu nay chẳng có xe nào được kiểm định. Ông Tính nói: “Trường hợp này thì chịu vì các quy định hiện hành đã cấm xe ba gác nhưng ngoài đường xe vẫn chạy mà chẳng thấy lực lượng CSGT đường bộ-đường sắt xử phạt hay tịch thu xe”.

Không thể đón, trả khách như xe buýt

Chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận 3 Nguyễn Thanh Tâm phân tích: Quyết định 71 giao các quận, huyện quy định các điểm đỗ, điểm đón trả khách và hàng hóa trên địa bàn. “Điều này là khó. Người chạy xe ôm cố định thì có điểm đậu chờ khách trên vỉa hè nhưng khi chở khách đi thì họ phải thả khách xuống theo yêu cầu của khách chứ ?” - chuyên viên này nói. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, nói: “Xe ôm, xe ba gác luôn chở khách và hàng hóa lưu động nên chúng ta không thể buộc họ xuống khách hoặc hàng hóa đúng điểm do ta quy định. Vì vậy, cần xem xét lại vấn đề này để trình TP gỡ vướng vì không phù hợp thực tế”.

Phạt cũng hơi bị khó

Vậy ai sẽ đứng ra xử phạt những người chạy xe ba gác, xe ôm khi chưa có thẻ nhưng vẫn hành nghề? Ông Lê Trung Tính cho biết theo quy định thì đó là các lực lượng CSGT đường bộ-đường sắt, thanh tra Sở GTVT, công an các địa phương.

Tuy nhiên, chiều 11-11, trao đổi với chúng tôi ở chốt đèn tín hiệu giao thông ở ngã tư Bảy Hiền, Thượng sĩ Nguyễn Thành Phước, Đội CSGT Tân Sơn Nhất (Phòng CSGT đường bộ-đường sắt), băn khoăn: “Mỗi khi ký biên bản xử phạt những người chạy xe ôm thấy tội họ lắm. Chúng tôi cũng biết vì chẳng còn nghề gì để làm nên họ mới chạy xe ôm, xe ba gác để mưu sinh. Nhiều người không có điểm đậu cố định đành phải lái xe vòng vòng để bắt khách thì càng khổ hơn vì tốn tiền xăng. Không phạt thì không được vì họ chạy xe vi phạm luật giao thông nhưng phạt thì... Còn chuyện phân biệt người chạy xe ôm với người đi đường thì không thể phân biệt được”.

Trung tá Nguyễn Ngọc Loan, Đội trưởng Đội CSGT Bến Thành (Phòng CSGT đường bộ-đường sắt), cho biết: “Muốn CSGT đường bộ-đường sắt xử phạt những người chạy xe ôm, xe ba gác không có biển hiệu buộc phải có hướng dẫn cụ thể thì chúng tôi mới làm được chứ không thể nói chung chung. Ngày nay thiếu gì người không chạy xe ôm trong nghiệp đoàn nhưng vẫn mặc đồng phục và chở khách đi. Ngược lại, cũng có người hành nghề xe ôm nhưng nhìn giống hệt công chức. Vì vậy bảo phân định thật, giả ngoài đường là rất khó”.

VĂN THUẬT

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đến 60.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ chở hành khách, hàng hóa không có biển hiệu hoặc trang phục theo quy định.

(Khoản 1 Điều 31 Nghị định 34/2010/NĐ-CP)

Nói thật nhá, phạt chúng tôi khó lắm vì khi tôi chở khách, CSGT làm sao biết tôi lái xe ôm mà kiểm tra? Như tôi, ngoài chở khách quen còn chạy chỗ này chỗ kia để chở hàng. Những lúc đó, chẳng lẽ CSGT bắt tôi dừng lại để hỏi có phải tôi chở hàng thuê hay không và không lẽ tôi… gật đầu nói phải?

Ông BẮC, chạy xe ôm tại một con hẻm trên đường Lê Bình,
quận Tân Bình

Người chạy xe ôm, xe ba gác không cần phải mặc đồng phục. Nghiệp đoàn nào tổ chức được đồng phục thì càng khuyến khích.

Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG,
Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm