Quận 12: Dân khổ vì quy hoạch đất dự trữ

Đầu năm 2003, hơn 100 hộ dân phường Thạnh Xuân (quận 12) nhận được thông tin: Khu đất thuộc tổ 28 và một phần tổ 25, 26, 27 (nay thuộc khu phố 7) nằm trong quy hoạch đất dự trữ của TP. Theo đó, toàn bộ diện tích đất này phải giữ nguyên hiện trạng, không được thay đổi mục đích sử dụng.

Nỗi niềm đất dự trữ

Quy định trên đã đẩy nhiều hộ dân vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Gia đình ông Võ Văn Xích (tổ 28, khu phố 7) có 20 ha đất thì hơn 19 ha nằm trong quy hoạch đất dự trữ, gần 1 ha còn lại nằm trong quy hoạch công viên cây xanh (dự án này đã bị treo hơn 10 năm nay). Trước đây ông Xích còn trồng mai, lài để kiếm sống, bây giờ do đất không còn canh tác được nên gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Ông muốn bán một phần đất để lấy tiền kinh doanh và chữa bệnh cho vợ cũng không được vì chẳng ai thèm mua đất quy hoạch.

Quận 12: Dân khổ vì quy hoạch đất dự trữ ảnh 1

Chỉ cách nhau mặt đường nhưng một bên là đất dự trữ (trồng rau muống), còn bên kia là đất thổ cư. Ảnh: L.GIANG

Oái oăm hơn, dù đất đai gia đình rộng mênh mông nhưng chín người con của ông Xích lại không thể xây nhà để ở riêng. Thế là họ đành phải bỏ đi các nơi để làm thuê hoặc lén cất nhà tạm bợ. “Ở đây, tôi là người có nhiều đất nhất nhưng cũng nghèo nhất. Tiền không có, con cái cũng khổ theo” - ông Xích than thở.

Tương tự, hiện anh Nguyễn Văn Bóng (tổ 27) phải trồng tạm rau dền, rau muống trên khoảng 3 ha đất để kiếm sống. Anh Bóng cho biết còn may mắn hơn nhiều người vì khu đất của anh nằm trên gò cao nên trồng trọt được chứ những khu đất bên bờ hữu sông Sài Gòn đều đang bị hoang hóa.

Trớ trêu nhất là trường hợp của anh Nguyễn Minh Châu (tổ 27): Anh có 1 ha đất nằm ngay mặt tiền đường TX 25 nhưng xây cất không được, trồng trọt không xong do vướng quy hoạch dự trữ. Thế nhưng đối diện với khu đất nhà anh, chỉ cách một mặt đường lại là khu vực đất thổ cư, nhà cửa được phép xây dựng, mua bán dễ dàng. Cứ mỗi lần thấy người dân bên kia xây nhà là anh lại ngậm ngùi...

Từ đất dự trữ đến nhà không phép

Do nhân khẩu ngày càng tăng nên nhu cầu nhà ở của người dân trong các khu quy hoạch phường Thạnh Xuân ngày càng bí bách. Điều này dẫn đến tình trạng xây dựng không phép diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua.

“Trước đây do việc quản lý còn lỏng lẻo nên nhiều nhà không phép được xây dựng trên đất dự trữ. Nhưng từ hơn một năm nay, UBND phường kiểm tra, xử lý rất nghiêm, nhiều căn nhà không phép đã bị buộc tháo dỡ” - Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân Nguyễn Kim Khôi cho biết. Theo một cán bộ của phường, chỉ trong tháng 12-2009 đã có ba trường hợp vi phạm bị buộc tháo dỡ.

Anh Nguyễn Văn Nam (tổ 26) ấm ức: “Đất bị ô nhiễm quá không canh tác được, xây nhà thì bị cưỡng chế, vậy đất của tôi để làm gì?”. Còn chị Nguyễn Thị Hồng (tổ 25) cho biết gia đình rao bán một miếng đất từ hơn một năm nay nhưng khi nghe nói đến đất dự trữ thì ai cũng chạy dài. “Người ta chỉ mua đất để cất nhà, nếu không xin phép xây dựng được thì ai thèm mua” - chị Hồng ngao ngán.

Phải xin ý kiến TP nếu muốn điều chỉnh quy hoạch

Đất dự trữ là đất dự kiến dùng để phát triển lâu dài, ví dụ đáp ứng nhu cầu chỗ ở khi dân số tăng cao hoặc phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện không có quy định cụ thể về thời gian quy hoạch đất dự trữ nhưng hiện trạng quy hoạch có thể thay đổi hằng năm tùy tình hình mỗi khu vực. Đất dự trữ với mục đích nào thì người dân chỉ được sử dụng đúng mục đích đó. Nếu muốn chuyển đổi, điều chỉnh quy hoạch, địa phương phải xin ý kiến TP.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung,
Sở Quy hoạch Kiến trúc

Nhiều khu dự trữ không hợp lý

“Nhiều khu đất bị đưa vào dự trữ không hợp lý như đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư, đất mặt tiền đường. Vừa qua, phường có đề xuất quận lập đề án xin TP cho chuyển đổi một số diện tích đất trong quy hoạch dự trữ sang đất hỗn hợp để được xây dựng các công trình công cộng và khu dân cư.”

ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân

LINH GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm