Phát hiện vật thể nghi là mảnh vỡ máy bay

“Dù máy bay có bị rơi xuống biển thì khả năng hành khách còn sống sót vẫn lớn, vì thế cần tiếp tục tìm kiếm cứu nạn không ngơi nghỉ” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo tại cuộc họp chiều 9-3 với các đơn vị tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay mất tích của Malaysia.

Căng lực lượng tìm kiếm trên biển

Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng tìm kiếm phải đảm bảo an toàn, chuẩn bị người, phương tiện để không bị động trong trường hơp tìm kiếm thấy máy bay bị nạn, đồng thời phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các nước bạn. Phó Thủ tướng cũng đồng ý lập trạm chỉ huy tiền phương tại đảo Phú Quốc để tìm kiếm máy bay mất tích.

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết hiện máy bay, tàu, biên phòng biển, ngư dân của Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm. Ông đề xuất lập trạm chỉ huy tiền phương tại đảo Phú Quốc. “Trong trường hợp máy bay rơi tại vùng biển Việt Nam, lúc đó Việt Nam sẽ lập ủy ban điều tra vụ tai nạn để điều tra. Bộ GTVT làm chủ tịch; Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh Kiên Giang làm thành viên” - ông Tiêu nói.


Dải nước có màu lạ nghi là vệt dầu loang đã được xác định là bọt biển. Ảnh: TRẦN VŨ (chụp từ trực thăng) 

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, từ 9 giờ 40 ngày 8-3, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam phát thông báo cho các phương tiện đang hoạt động gần khu vực; phối hợp với các trung tâm Hàng hải Trung Quốc, Malaysia, Singapore; điều tàu SAR 413 và SAR 272 từ Vũng Tàu đi tìm kiếm cứu nạn; giao cho SAR 413 làm chỉ huy hiện trường, phân công khu vực tìm kiếm cho tất cả tàu tham gia. Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Biên phòng thông báo cho các tàu cá hoạt động gần khu vực tăng cường quan sát tìm kiếm và sẵn sàng cứu nạn. Ngoài ra, các tàu khác như: Tàu kiểm ngư 774, tàu CBS 2001, CBS 2002 cũng tiếp cận và bắt đầu tìm kiếm tại các vị trí chỉ định.

Trước đó, tàu HQ 888 (tàu nghiên cứu biển có trang bị máy quét đa tia và đo đa tia không gian ba chiều) đang thực hiện nhiệm vụ tại Bắc Phú Quý 30 hải lý đã nhận được nhiệm vụ di chuyển đến khu vực tìm kiếm. Hiện HQ 888 quay về Cam Ranh bổ sung nhiên liệu và đón đội thợ lặn đi thực hiện nhiệm vụ.

Quân chủng PK-KQ điều một máy bay tuần thám biển CASA 212 từ Sân bay Gia Lâm vào Tân Sơn Nhất chờ lệnh. Trưa 9-3, hai máy bay Mi 171 cũng xuất phát từ Cà Mau để mở rộng việc tìm kiếm. Đến chiều 9-3, tàu CBS 2003 cũng tiếp cận vật thể lạ do máy bay C130 của Singapore phát hiện thông báo.


Trực thăng cất cánh từ Sân bay Cà Mau ra khu vực nghi có vệt dầu loang. Ảnh: TRẦN VŨ 

Thủy phi cơ tìm thấy vật thể lạ

Ngày 9-3, ba máy bay AN 26 xuất phát từ Sân bay Tân Sơn Nhất để tìm kiếm. Chiếc AN 26 đầu tiên đã phát hiện một vệt loang kéo dài 80 km nghi là dầu loang từ máy bay mất tích. Trưa cùng ngày, hai trực thăng của Trung đoàn Không quân 971 do Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng, chỉ huy đã quần thảo nát khu vực có đường kính 300 km, cách Mũi Cà Mau 308 km về hướng Tây Nam để xác minh. Nhóm công tác này khẳng định vết loang trên mặt biển không phải là dầu loang mà là bọt biển, được tạo ra bởi sức ép các dòng chảy và sóng biển.

Trưa 9-3, quân chủng Hải quân điều thủy phi cơ DHC6 từ Cam Ranh vào Phú Quốc. Ngay sau đó, thủy phi cơ này đã lên đường làm nhiệm vụ. 18 giờ 30 chiều qua, các phi công đã phát hiện một vật thể nghi là mảnh vỡ máy bay cách đảo Thổ Chu khoảng 80 km về phía Nam Tây Nam. Do trời tối nên máy bay không thể hạ xuống thấp mà chỉ có thể chụp ảnh từ cao gửi về, ảnh khá mờ. Đó là một miếng composite nghi là miếng ốp cửa máy bay MH370 và tấm bằng ngang của đuôi máy bay.

Căn cứ tọa độ và mô tả của lực lượng tìm kiếm, sở chỉ huy đã phát thông báo tới Malaysia và Singapore. Sở chỉ huy cũng đã yêu cầu Vietnam MRCC huy động một tàu SAR ra vị trí phát hiện vật thể này để xác minh rõ hơn. Đồng thời, sáng sớm nay (10-3), thủy phi cơ sẽ trở lại nơi phát hiện vật thể để xác minh.

TRỌNG PHÚ - TRẦN VŨ - GIA HUY

 

Bí ẩn bao trùm

Nhận định nguyên nhân máy bay bị mất tích, ông Đinh Viết Tuấn - Phó Trưởng phòng An toàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cho biết: Chiếc máy bay mất tích loại trừ nguyên nhân do thời tiết. Ông Tuấn cũng cho hay ngay trong trường hợp máy bay chết hai động cơ vẫn còn khoảng 20 phút để tổ bay ra tín hiệu cấp cứu. "Giả thiết cháy trong buồng lái rất khó xảy ra vì máy bay được sản xuất theo công nghệ cực kỳ hiện đại, an toàn cao. Máy bay chỉ mất liên lạc hoàn toàn khi phi công lỡ tay tắt chế độ stand by hoặc cố tình tắt, radar mặt đất không xác định được" - ông Tuấn nói.

Theo ông Lai Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không - Bộ GTVT, nếu máy bay bị nạn rơi trên vùng FIR (vùng kiểm soát bay) của Việt Nam thì Việt Nam sẽ có trách nhiệm chủ trì việc điều tra và triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ hiện trường, trục vớt máy bay và các vấn đề liên quan.

Theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), tham gia điều tra sẽ gồm đại diện của các quốc gia có liên quan: Quốc gia đăng ký máy bay (Malaysia), quốc gia thiết kế, chế tạo (Hoa Kỳ), quốc gia thiết kế và chế tạo động cơ (Anh). Ngoài ra, các quốc gia có nhiều nạn nhân cũng sẽ được phép tham gia vào quá trình điều tra có hạn chế để làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm