Nguy cơ nhiễm cúm A/H7N9 từ Trung Quốc

“Cúm A/H7N9 có nguy cơ vào Việt Nam rất cao. Do vậy công tác phòng ngừa rất quan trọng. Tuyệt đối không để gia cầm lậu từ các nước láng giềng đưa vào Việt Nam. Các tỉnh có đường hàng không phải thực hiện đo thân nhiệt du khách từ các nước có dịch cúm gia cầm khi vào Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh thông tin trên tại cuộc họp trực tuyến Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm ở người và phòng, chống dịch sởi tổ chức vào sáng 23-2.

Cúm A/H7N9 chỉ gây bệnh trên người

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết Việt Nam đang trong tình huống 1 (chưa có trường hợp cúm A/H7N9 trên người) trong kế hoạch hành động phòng, chống cúm A/H7N9 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, dịch cúm A/H7N9 đang gia tăng đột biến tại Trung Quốc. Trong khi hoạt động giao lưu thương mại, du lịch… giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, cùng với việc gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam khó kiểm soát nên nguy cơ dịch A/H7N9 thâm nhập vào Việt Nam rất cao. “Tổ chức Nông lương của LHQ (FAO) cũng nhận định Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9 từ Trung Quốc” - ông Phu nói.

Ông Scott Newman, điều phối viên kỹ thuật cao cấp của Cơ quan đại diện FAO tại Việt Nam, nhận định: “Cúm A/H7N9 hết sức đặc biệt vì virus không gây bệnh trên gia cầm, chỉ gây bệnh trên người. Hầu hết ca nhiễm A/H7N9 trên người đã từng tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm nhiễm bệnh hoặc đã đến chợ gia cầm sống, nơi mà cả gia cầm và môi trường đều nhiễm. Một khi phát hiện có ca nhiễm A/H7N9 trên người thì có thể hàng triệu gia cầm đã bị nhiễm”.

Những điểm kinh doanh gia cầm trái phép có nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9 rất cao. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đề phòng gà “thừa” của Trung Quốc

Ông Scott còn cho biết đến nay Việt Nam chưa phát hiện cúm A/H7N9 trên gia cầm. Tuy nhiên, việc đóng cửa một số chợ gia cầm ở Trung Quốc dẫn đến thực trạng gia cầm đến tuổi xuất bán bị thừa và người nuôi đưa đi tiêu thụ nơi khác với giá rẻ. “Nếu không kiểm soát chặt biên giới thì gà “thừa” của Trung Quốc sẽ len lỏi vào Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm A/H7N9 càng cao” - ông Scott nhận định.

Theo ông Scott, Việt Nam hiện chỉ ngăn ngừa cúm A/H7N9 từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu các nước lân cận như Lào, Myanmar… cũng xuất hiện cúm A/H7N9 thì Việt Nam phải đối phó dịch lây nhiễm từ những nước này khiến tình hình thêm phức tạp. Do đó Việt Nam cần tăng cường hoạt động giám sát và chẩn đoán cúm A/H7N9. “Kết quả xét nghiệm 12.000 mẫu được lấy từ 70 chợ bán gia cầm sống ở phía Bắc không nhiễm virus cúm A/H7N9. Tuy nhiên, cần tăng tần suất lấy mẫu hai lần/tuần trên gà và môi trường tập trung ở các chợ đầu mối, các điểm thu mua hoặc các chợ bán lẻ gia cầm sống ở những nơi có nhiều khả năng có gia cầm từ Trung Quốc đưa sang” - ông Scott nói.

Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lưu ý trong trường hợp Việt Nam có ca bệnh cúm A/H7N9 trên người thì nhanh chóng thu thập những thông tin quan trọng. Cụ thể tiền sử đi lại (du lịch), tiền sử phơi nhiễm, biểu hiện bệnh của các thành viên khác trong gia đình, báo cáo bất thường từ bệnh viện về các trường hợp bệnh tương tự…

Những yếu tố quan trọng trong ứng phó cúm A/H7N9 tại Việt Nam bao gồm sự phối hợp liên ngành giữa y tế và thú y, truyền thông vận hành (thông tin, truyền thông trong toàn bộ hệ thống chính trị) và ứng phó nhanh (nhanh, kịp thời, nhất quán).

TRẦN NGỌC

 

Đề xuất lập đội lưu động tiêm ngừa vaccine sởi

Liên quan đến bệnh sởi, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết dịch xảy ra theo chu kỳ 3-5 năm. Các trường hợp mắc sởi là do chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ hai mũi vaccine sởi theo quy định. Hiệu lực bảo vệ của vaccine khi tiêm mũi thứ nhất đối với trẻ chín tháng tuổi đạt 85%, tiêm mũi hai đạt 95%. Do đó có một số trẻ mặc dù đã tiêm vaccine nhưng chưa được bảo vệ.

Theo ông Phu, từ tháng 2 đến tháng 4-2014, 63 tỉnh, TP sẽ triển khai tiêm vaccine sởi. Mục tiêu đạt trên 95% cho trẻ từ chín tháng đến hai tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ hai mũi vaccine sởi theo lịch tiêm chủng và các đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng tỉ lệ tiêm vaccine sởi tối thiểu phải 80%. Tuy nhiên, do trẻ tiêm vaccine sởi thấp hơn tỉ lệ nói trên nên đã xảy ra dịch sởi. “Nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng miền núi không tiếp cận được chương trình tiêm ngừa bệnh sởi. Do vậy các địa phương nên thành lập đội tiêm phòng lưu động, thực hiện phương châm “gõ từng nhà, rà từng danh sách” đến vùng sâu, vùng miền núi để tiêm ngừa vaccine sởi cho trẻ em” - bà Tiến nói.

________________________________________

Báo cáo của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT cho biết diễn biến dịch cúm gia cầm trên thế giới tiếp tục phức tạp với nhiều chủng cúm A khác nhau được ghi nhận như: H5N1, H7N9, H5N2, H5N8, H10N8… Trong đó diễn biến phức tạp nhất là dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc với đợt bùng phát dịch thứ hai từ đầu năm 2014 đến 20-2, có 208 trường hợp mắc mới, 20 ca tử vong.

Tuyên truyền cho dễ nhớ, dễ hiểu

Dịch rất dễ xảy ra ở những chỗ mà người dân do bận bịu làm ăn, không có điều kiện thời gian biết thông tin nhiều, vì vậy cần phải tuyên truyền sao cho dễ nhớ, dễ hiểu. Chúng ta không nên tổ chức quá nhiều đoàn kiểm tra xuống địa phương mà quan trọng là ý thức, trách nhiệm lãnh đạo địa phương phải chủ động. Những gì đã rõ chuyên môn rồi thì chỉ đạo gọn và thực hiện ngay.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm