Ngập nhiều, báo ít

Liên tiếp trong các ngày từ 10 đến 14-9, người dân các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, 11, 12… hết sức khốn khổ do tình trạng ngập diễn ra liên tục. Cứ sau mỗi cơn mưa lớn là xuất hiện hàng chục điểm ngập sâu. Nước ngập từ trong nhà tới ngoài đường khiến cuộc sống của cả chục ngàn con người bị đảo lộn, giao thông ách tắc nghiêm trọng.

Người dân đánh vật, báo cáo hờ hững

Đợt ngập nặng nề này khởi nguồn từ chiều 10-9, sau cơn mưa nặng hạt bắt đầu lúc 16 giờ. Chỉ 30 phút sau, hàng loạt tuyến đường đã trở thành biển nước. Tại khu vực Bàu Cát (quận Tân Bình), hầu như toàn bộ đường chính, đường hẻm đều bị nhấn chìm. Các tuyến đường Bàu Cát 1, Bàu Cát 2, Bàu Cát, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Hồng Đào, Trương Công Định, Hồng Lạc, Lũy Bán Bích… có hàng chục điểm nước dâng quá đầu gối người lớn. Dân phải dùng đủ mọi vật liệu để “đắp đê”, ngăn không cho nước tràn vào nhà.

Ngập nhiều, báo ít ảnh 1

Trong các trận mưa lớn vừa qua, khu vực cầu Tân Hóa, quận 6 thường xuyên ngập hơn nửa bánh xe máy, kéo dài gần 1 km. Ảnh: X.NGỌC

Đường Âu Cơ từ giao lộ Âu Cơ - Lũy Bán Bích (quận Tân Bình) vắt qua giao lộ Âu Cơ - Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú) nước ngập quá ống pô xe máy. Giao thông tê liệt hoàn toàn, hàng trăm người chỉ còn cách hì hục đẩy xe máy qua chỗ nước sâu. Nhiều người khác đành chọn cách ngồi đợi, chờ nước rút (hơn 1 tiếng sau) mới dám đi qua.

Tình hình nghiêm trọng là vậy nhưng theo thống kê của Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) thì cơn mưa ngày 10-9 chỉ gây ra 14 điểm ngập. Đặc biệt, trong danh sách các điểm ngập được trung tâm thống kê thì nhiều tuyến đường mênh mông nước như Phạm Phú Thứ, Bàu Cát 1, Bàu Cát 2, Bàu Cát 6, Lũy Bán Bích… không hề được đề cập. Còn những điểm ngập trên đường Âu Cơ thì chỉ sâu… 20 cm; đường Đồng Đen chỉ ngập từ Phạm Phú Thứ đến Bế Văn Đàn với mức 30 cm!

Tương tự, ngay trong cơn mưa ngày 10-9 thì tuyến đường Hòa Bình đoạn trước khu vực Đầm Sen đã ngập rất nặng, không còn phân biệt đâu là lòng đường, vỉa hè. Đến chiều tối 10-9, nước vẫn còn ngập hết bánh xe máy nhưng báo cáo của trung tâm ghi nhận chỉ ngập 30 cm.

“Ngập ít là do tiêu chí”

Về tình trạng ngập ở khu vực Bàu Cát và một số nơi ở quận 6, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm Chống ngập, giải thích: Nguyên nhân do việc thi công cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Cụ thể, tuyến kênh có nhiệm vụ thoát nước cho lưu vực rộng hơn 1.400 ha đã bị chặn dòng phục vụ thi công nhưng không có phương án tạm dẫn dòng hiệu quả. Các mũi thoát nước cho Bàu Cát được mở ra dẫn về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng không thể giải quyết được tình hình.

“Tình trạng ngập ở Bàu Cát và một số khu vực khác hiện đang phụ thuộc vào tiến độ của dự án Tân Hóa - Lò Gốm. Tiến độ dự án cải tạo, chỉnh trang kênh được chủ đầu tư xác định là sẽ hoàn tất trong năm 2014” - ông Long cho hay.

Tuy nhiên, ông Long vẫn khẳng định: Theo ghi nhận của Trung tâm Chống ngập, tình trạng ngập ở các khu vực này ở mức độ… vừa phải. Để được coi là một điểm ngập, mức độ ngập ra sao thì phải căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng. Theo đó, một điểm được coi là ngập phải hội đủ điều kiện về độ sâu, thời gian và diện tích ngập. Nếu sau khi mưa 30 phút mà một khu vực nào đó bị ngập đến 10 cm trên diện tích 2.000 m2 thì được coi là điểm ngập ít. Nếu đường ngập sâu hơn 0,3 m với diện tích trên 4.000 m2 thì được coi là ngập nặng.

“Như vậy, trên một tuyến đường rộng 10 m chỉ được coi là ngập khi nước dâng ít nhất 10 cm với chiều dài tối thiểu 200 m” - ông Long nói. Cũng theo ông Long, không phải cứ chọn nơi sâu nhất để đo mà phải lấy điểm nằm ở vị trí 1/4 của đường. Chính vì vậy mới có chuyện nhiều nơi có thể ngập sâu hơn số liệu thống kê.

Trả lời của ông Long khiến nhiều người… ngỡ ngàng. Ông Bùi Duy Hưng (phường 11, quận Tân Bình) bức xúc: “Nước mênh mông cả tuyến đường không gọi là ngập thì gọi là vũng nước à? Chúng tôi không rành và cũng không quan tâm đến tiêu chí gì hết, chỉ thấy rõ ràng là dù trời mưa chưa lâu nhưng nhiều tuyến đường ở khu vực tôi sinh sống đã ngập chìm trong nước. Nước lênh láng, kéo dài cả tiếng gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, buôn bán của người dân thì phải được ghi nhận, phản ánh đầy đủ mới có thể tìm hướng giải quyết chứ”.

Ngập cũng bị phân cấp!

Theo Sở GTVT, hiện toàn TP có 18 điểm ngập thường xuyên. Trong đó, quận Thủ Đức đứng đầu bảng với sáu điểm, kế đến quận Bình Tân, 5, 6, 7, 8, 11 và 12. Những điểm ngập đều tập trung ở các trục đường chính có lượng xe cộ lưu thông cao, như tỉnh lộ 43, Kha Vạn Cân, Gò Dưa, Đặng Văn Rành, Dương Văn Cam, Hồ Văn Tư (quận Thủ Đức), Hồ Học Lãm, Kinh Dương Vương, Trần Đại Nghĩa (quận Bình Tân)… có nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Tuy vậy, Sở GTVT cũng cho rằng đây là số điểm ngập tại các tuyến đường lớn, do TP.HCM quản lý. Còn ở các tuyến đường do quận, huyện quản lý thực tế có xảy ra tình trạng ngập nhưng chưa được các địa phương khảo sát, thống kê đầy đủ.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm