Ngâm dự án vẫn được tiếp tục giao đất ‘vàng’

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa có quyết định cho Công ty Cổ phần Dewan Projects (gọi tắt là Dewan Projects) được tiếp tục thực hiện dự án Trường CĐ Sư phạm Nha Trang - định hướng thành lập Trường ĐH Khánh Hòa (gọi tắt là dự án ĐH Khánh Hòa) tại xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang. Theo đó, bù lại việc đầu tư xây trường, Dewan Projects sẽ được giao khu đất có ba mặt tiền sát bãi biển Nha Trang để xây cao ốc, khách sạn năm sao...

Dự án này đang vấp phải phản ứng của người dân địa phương, giới kiến trúc. Bởi theo giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần 1 do UBND Khánh Hòa cấp vào đầu tháng 12-2014 thì Công ty Dewan Projects được đại diện bởi nhà đầu tư thứ nhất (chiếm 90% vốn điều lệ) là Công ty Dewan International Limited Sar có trụ sở chính tại Hong Kong, Trung Quốc  (gọi tắt là Công ty Dewan Hong Kong).

Ưu ái cho đơn vị “không đủ năng lực”

Ngày 13-11-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, ký hợp đồng BT giao cho Dewan Projects thực hiện dự án ĐH Khánh Hòa theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư hơn 716 tỉ đồng. Theo thỏa thuận, Dewan Projects sẽ xây mới Trường CĐ Sư phạm Nha Trang rộng hơn 10 ha tại xã Vĩnh Lương (TP Nha Trang), cách cơ sở hiện tại gần 20 km.

Theo hợp đồng, đến giữa tháng 2-2015, Dewan Projects phải hoàn thành việc góp 5,5 triệu USD vốn điều lệ. Tuy nhiên, công ty này liên tục hẹn kéo dài, nhiều lần xin gia hạn và đến nay vẫn chưa hoàn thành góp vốn theo quy định. Do vậy, cuối tháng 6-2015, Sở KH&ĐT tỉnh đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Dewan Projects. Sau đó, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh thu hồi toàn bộ dự án và không cấp phép đầu tư mới dự án trên địa bàn Khánh Hòa liên quan đến Công ty TNHH Dewan International Việt Nam và Công ty Cổ phần Dewan Projects. Nguyên do, các doanh nghiệp này không đủ năng lực tài chính, vi phạm quy định trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp.

Thế nhưng ngày 28-7, UBND tỉnh lại đồng ý cho Dewan Projects gia hạn thời gian góp vốn điều lệ đến hết ngày 23-8. UBND tỉnh cũng xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy và vài ngày sau đó, Thường trực Tỉnh ủy lại chấp thuận việc để cho Dewan Projects góp vốn.

Một góc khu đất “vàng” sát bãi biển được giao cho Công ty CP Dewan Projects. Ảnh: TẤN LỘC

Phối cảnh khu cao ốc, khách sạn cao tầng trên đất “vàng” của Trường CĐ Sư phạm Nha Trang hiện nay. Ảnh: TẤN LỘC

Dù vậy, đến cuối tháng 8 (quá thời hạn được lùi), Dewan Projects vẫn không góp được vốn điều lệ nên sau đó Sở KH&ĐT tiếp tục đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Dewan Projects. Tuy nhiên, trong buổi làm việc ngày 7-9, chủ tịch UBND tỉnh kết luận vẫn tiếp tục cho Dewan Projects thực hiện dự án.

“Nếu để như hiện nay thì nó vẫn là cái trường, không hiệu quả. Do vậy tỉnh đã quy hoạch lại, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh cho hợp lý hơn. Ở dự án này, nếu đưa ra đấu giá thì không ai ứng tiền thực hiện dự án nên đã giao cho Dewan Projects làm chủ đầu tư” - ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, giải thích.

Tiền chuyển đã lâu nhưng... chưa tới

Khu đất của Trường CĐ Sư phạm Nha Trang hiện hữu được ví là đất “vàng” do có đến ba mặt tiền các đường Trần Phú, Nguyễn Chánh và Trần Hưng Đạo. Dewan Projects được sử dụng phần đất này để thực hiện dự án Trung tâm Feragon với việc xây dựng khách sạn, kinh doanh nhà ở… Theo “kế hoạch đề xuất” của Dewan Projects, công ty này sẽ xây dựng khu cao ốc The Monarch Galleria với hơn 180 căn hộ cao cấp, khách sạn năm sao 45 tầng.

Mặc dù Dewan Projects chưa thực hiện nghĩa vụ góp vốn song đã quảng cáo dự án hoành tránh này. Theo đó, công ty đã ra sơ đồ dự án cùng nhiều phối cảnh các khách sạn, khu căn hộ thuộc dự án sẽ xây dựng trên toàn bộ diện tích khu đất “vàng” trên.Về nghĩa vụ của mình, ngoài việc chưa góp vốn điều lệ như đã nêu, Dewan Projects cũng chỉ dựng mô hình Trường ĐH Khánh Hòa ở phía bắc Nha Trang và chỉ động thổ rồi để đó. Đến nay khu đất của dự án đại học này vẫn còn là một bãi đất hoang.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó Giám đốc Sở Tài chính, tại cuộc làm việc mới đây, đại diện Dewan Projects chỉ mới đưa ra phiếu chuyển 3 triệu USD từ nước ngoài vào tài khoản một ngân hàng. Nhưng số tiền này vẫn đang… trên đường chứ chưa vào tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. “Tôi không hiểu vì sao vốn không chuyển về Việt Nam được. Họ cam kết với chính quyền tỉnh là trong thời hạn đó sẽ chuyển vốn về Việt Nam để thực hiện các dự án nhưng tiền vẫn chưa về” - ông Võ Tấn Thái nói.

“Không có gì phải lo cả”

Trong giấy chứng nhận đầu tư của Dewan Projects có ba nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư thứ nhất là Công ty Dewan International Limited Sar (do cơ quan đăng ký doanh nghiệp Hong Kong cấp). Ngoài ra còn có hai nhà đầu tư khác là cá nhân có quốc tịch Ấn Độ và Úc. Tuy vậy, Dewan Hong Kong là cổ đông chiếm 90% tổng vốn điều lệ (5,5 triệu USD) của Dewan Projects.

Nhiều ý kiến lo ngại vì dự án ĐH Khánh Hòa trên có đến 90% vốn từ Trung Quốc. Từ đó, họ đề nghị tỉnh Khánh Hòa xem xét thu hồi dự án. Tuy vậy, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TN&MT, cho rằng nguồn vốn ở đâu không quan trọng. “Quan điểm của tôi là khi đầu tư vào Việt Nam phải hợp pháp, còn vốn có phải từ Hong Kong không thì không quan trọng. Dự án giao đất có thời hạn và không phải cứ giao là mình mất đất đó nên không phải lo lắng gì vấn đề này. Điều quan trọng là Dewan có năng lực thực hiện dự án hay không” - ông Thái nói.

Đầu tháng 7-2015, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi dự án “phát triển bãi biển Phoenix” ở phía đông đường Trần Phú, Nha Trang. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1,25 tỉ USD, được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Dewan International Việt Nam (công ty con của Tập đoàn Dewan và Công ty Dewan Hong Kong góp 95% vốn vào Tập đoàn Dewan).

Tỉnh thu hồi vì Dewan Việt Nam không thực hiện việc góp vốn điều lệ theo cam kết. Ngoài ra, dự án “phát triển bãi biển” này cũng vấp phải phản đối quyết liệt của người dân, dư luận địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm