Mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14: Nhất quyết không để xảy ra tiêu cực

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như vậy tại hội nghị triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho hai dự án mở rộng quốc lộ 1A (đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ) và quốc lộ 14 diễn ra tại Đà Nẵng sáng 15-7. Tại hội nghị, lãnh đạo 23 tỉnh, thành cùng nhiều nhà thầu, đơn vị thi công đã cùng ngồi lại để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho vấn đề này.

Năm năm không xong 13 km

Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho biết đây là hai dự án trọng điểm quốc gia nên Thủ tướng đã giao Bộ GTVT áp dụng cơ chế chỉ định thầu nhà đầu tư theo đơn giá quy định của Nhà nước và có tiết kiệm 5% giá dự toán. Tuy nhiên, công tác GPMB đang gặp nhiều vướng mắc làm chậm tiến độ dự án. “Nguyên do vì sự phối hợp giữa nhà đầu tư với địa phương chưa chặt chẽ. Nhà đầu tư còn xem công tác GPMB là do địa phương chịu trách nhiệm. Ngoài ra, giá bồi thường nhiều tỉnh ban hành còn chậm và chưa sát với giá thị trường. Vốn cho công tác GPMB còn chậm” - Thứ trưởng Viên nói.

Mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14: Nhất quyết không để xảy ra tiêu cực ảnh 1

Mở rộng QL 1A sẽ góp phần giảm thiểu các tai nạn thương tâm. Ảnh: LÊ PHI

Sau khi nghe Bộ GTVT báo cáo tỉnh Quảng Trị hơn năm năm qua làm không xong 13 km của dự án, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình tỉnh này. “Đây là hai dự án trọng điểm quốc gia, ấn định thời gian phải hoàn thành trong năm 2016. Giờ đã gấp lắm rồi, chỉ còn ba năm nữa thôi. Tại sao có nơi làm nhanh, có nơi GPMB mãi không xong? Hà Tĩnh nghèo thế mà làm rất nhanh, cuối năm nay xong rồi, còn Quảng Trị chỉ có chừng ấy kilômet mà làm tới năm năm nay không xong. Do cái gì? Bây giờ phải chấm dứt tình trạng nói mà không làm này”.

Ông Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thừa nhận: “Để xảy ra nguyên nhân chậm trễ trên là lỗi của tỉnh, chúng tôi xin nhận trách nhiệm và khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân là do chủ đầu tư, nhà thầu thi công không đủ năng lực và thiếu vốn. Thiếu vốn nên việc bồi thường chậm và một phần do người dân chây ì bàn giao mặt bằng. Thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt hơn để đẩy nhanh dự án”.

Không chấp nhận “lấy mỡ nó rán nó”

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, muốn hoàn thành trong năm 2016 thì ngay trong năm nay phải giải quyết xong GPMB. “Tôi yêu cầu lãnh đạo 23 tỉnh, thành phải đưa ra quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện hai dự án. Bí thư, chủ tịch các tỉnh phải ra tay chứ không thể cứ giao khoán việc cho một ông phó giám đốc sở làm được. Làm như thế thì đến khi nào cho xong. Bây giờ phải làm ngay để mở rộng QL 1A vì sự phát triển của đất nước và vì sự an toàn tính mạng của hàng vạn người dân mỗi năm chết vì TNGT. Đảng, Nhà nước và nhân dân đang rất mong mỏi hai dự án này” - ông Phúc nói và nhấn mạnh. “Những ai làm chậm, làm trước hỏng sau, làm kém chất lượng là có tội với nhân dân, với đất nước. Đối với hai dự án này nhất quyết không được để xảy ra tiêu cực và phải chấm dứt tình trạng kém chất lượng”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành giám sát chặt chẽ cán bộ ban bồi thường GPMB, tránh tình trạng kê khống, lập dự toán khống để rút tiền dự án. Ông cũng cảnh báo các địa phương phải thận trọng với các nhà thầu, chủ đầu tư dự án BOT không đủ năng lực, chỉ nhận dự án rồi đi vay tiền ngân hàng hoặc chờ duyệt chi của Chính phủ. “Việc lấy mỡ nó để rán nó là không chấp nhận được. Tôi đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng nếu nhà đầu tư nào trong tháng 8 này mà không triển khai thì phải thu hồi dự án. Các địa phương phải thành lập ban chỉ đạo thực hiện dự án để quy trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu. Phải chống gian lận trong thi công, chống tham ô trong GPMB, thông đồng rút tiền Nhà nước” - ông quyết liệt nói.

Dự án mở rộng QL 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ có chiều dài 1.887 km, chia thành 37 dự án trong đó có 17 dự án BOT (dài 562 km, vốn đầu tư 42.502 tỉ đồng). Riêng tổng chi phí cho GPMB đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ là 8.600 tỉ đồng với 25.000 hộ bị thu hồi 1.500 ha đất, trong đó có 7.500 hộ phải bố trí tái định cư.

Dự án mở rộng QL 14 có chiều dài 663 km, giai đoạn một đã hoàn thành được 110 km. Giai đoạn hai được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với 12 dự án có mức đầu tư 4.916 tỉ đồng (tiền GPMB là 533 tỉ đồng và tái định cư cho 620 hộ).   

Ưu tiên tối đa cho hai dự án

Năm nay ngân sách của Nhà nước rất khó khăn, hụt thu 10%. Tuy nhiên, đối với hai dự án trọng điểm này, Chính phủ đã chỉ đạo dù khó khăn cũng không được phép thay đổi tổng mức đầu tư. Hiện Chính phủ đã cho phép chi hơn 5.000 tỉ đồng để phục vụ GPMB và 20.000 tỉ đồng để thực hiện các hạng mục khác nhưng phải chi theo tiến độ. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính PHẠM SỸ DANH

Các thứ trưởng phải chịu trách nhiệm

Đối với các dự án BOT, nhà đầu tư phải bỏ tiền cho địa phương GPMB. Hiện Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho các thứ trưởng phụ trách hai dự án này. Dự án nào chậm tiến độ thì trách nhiệm thuộc về thứ trưởng phụ trách dự án đó.

Bộ trưởng Bộ GTVT ĐINH LA THĂNG

Muốn làm nhanh, đừng để dân chịu thiệt

Để làm tốt công tác GPMB, các địa phương phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Ngoài ra, cần chú ý tới việc đồng bộ đơn giá bồi thường, khi người dân có ý kiến đúng thì phải lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp, tránh tình trạng chỉ một đoạn đường mà người dân có chính sách khác nhau. Chưa hết, tiền chi trả cho dân nhất quyết không được chậm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND
tỉnh Hà Tĩnh
TRẦN MINH KỲ

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm