Mạnh tay với xe quá tải

“Những ngày qua, thanh tra Sở GTVT phối hợp với lực lượng CSGT liên tục ra quân chặn bắt, xử phạt xe quá tải, quá khổ trên các tuyến đường vành đai như Nguyễn Văn Linh, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ,… Các biện pháp xử lý nghiêm, quyết liệt đã khiến cánh tài xế cũng như các doanh nghiệp vận tải biết sợ. Do đó tình trạng xe quá tải trên các tuyến đường này đã giảm rõ rệt” - ngày 25-4, một cán bộ thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết.

Chở gấp đôi, gấp ba tải trọng

Trước đó, ngày 22-4, chúng tôi theo chân lực lượng kiểm tra liên ngành (đội 1 Thanh tra Sở GTVT phối hợp cùng tổ chuyên đề đội tham mưu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM) tuần tra trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái, quận 2. Khoảng 15 giờ, lực lượng kiểm tra phát hiện ô tô tải 54Z-0798 chở máy móc cồng kềnh đang phóng rất nhanh trên đường Vành đai đông hướng từ cầu Phú Mỹ về quận 2. Tổ CSGT tổ chức truy đuổi và đến vòng xoay Đồng Văn Cống - Vành đai đông mới dừng được chiếc xe.

Theo giấy tờ do tài xế Lê Anh Phương xuất trình, tải trọng cho phép của chiếc xe là 7,9 tấn. Tuy nhiên, trên xe lúc này chở đầy bộ phận của một chiếc máy ép cọc nhồi, một phần thân máy vượt khỏi thùng xe gần 3 m. Ngoài chở hàng quá khổ, khi cân lực lượng kiểm tra còn phát hiện tổng trọng lượng của chiếc xe lên tới 43,2 tấn (!).

Mạnh tay với xe quá tải ảnh 1

Lực lượng CSGT ra tín hiệu chặn dừng kiểm tra những chiếc xe quá tải. Ảnh: T.Khuê

Điều đáng nói là khi chiếc xe vừa dừng được vài phút, xuất hiện bốn người đàn ông đi xe máy đến định “tay bắt mặt mừng” mong tổ kiểm tra thông cảm. Thậm chí khi CSGT lập biên bản, những người này vẫn dấm dúi đòi chung chi và bị các chiến sĩ nghiêm khắc nhắc nhở. Theo Thượng úy Lương Bá Trí - tổ trưởng tổ chuyên đề CSGT, với các lỗi trên, tài xế Phương bị phạt tổng cộng 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 60 ngày.

Trường hợp bị xử lý nặng nhất trong ngày 22-4 là xe tải 93N-1945 do tài xế Ngô Thế Tĩnh điều khiển (tải trọng 11 tấn nhưng chở đến 700 bao xi măng, tương đương 35 tấn). Khoảng 16 giờ 30, chiếc xe này chạy vọt qua chốt kiểm soát với tốc độ khá nhanh. Thượng úy Lương Bá Trí lập tức điều khiển mô tô chuyên dụng đuổi theo và đến ngã ba Đồng Văn Cống - Phan Văn Đáng thì chặn được xe. Tuy nhiên, cả lái xe và phụ xe đều không chịu xuống xe, phụ xe còn liên tục gọi điện thoại nhờ can thiệp. Gần 10 phút sau, lái xe Tĩnh mới chịu xuống làm việc. Khi bị CSGT hỏi giấy phép lái xe và giấy đăng ký xe, anh này chỉ biết gãi đầu gãi tai cười trừ, không xuất trình được. Cùng lúc, có một người đàn ông dáng thấp đậm, da ngăm đen phóng xe máy đến, nói với tổ tuần tra là quen chỗ này, chỗ kia và mong được bỏ qua. Tuy nhiên, lực lượng kiểm tra vẫn kiên quyết lập biên bản tạm giữ phương tiện. Một cán bộ CSGT được cử lái chiếc xe về bãi tạm giữ.

Khó buộc hạ tải

Khi xử phạt quá tải đối với xe chở hàng rời, lực lượng kiểm tra đều buộc hạ tải ngay tại chỗ (theo quy định tại Nghị định 71/2012). Tuy nhiên, đối với những xe chở container, hàng nguyên khối…, yêu cầu này rất khó thực hiện bởi các container đều được niêm chì, không có thiết bị cẩu hàng xuống, không có bến bãi giữ hàng.

Cụ thể là trường hợp xe đầu kéo 51LD-4572 kéo rơmoóc 52R-0931, do tài xế Trần Văn Trinh điều khiển bị lập biên bản trong chiều 22-4. Chiếc xe có tải trọng tối đa 21 tấn nhưng lại chở container đôi có trọng lượng lên đến 32,7 tấn (dựa trên phiếu giao nhận container của cảng Cát Lái). Do không thể hạ tải nên sau khi lập biên bản, chiếc xe vẫn được phép lưu thông.

Tới 17 giờ cùng ngày, xe đầu kéo do Hồ Văn Hùng điều khiển bị đội kiểm tra chặn lại tại giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Thị Định. Lúc này trên xe có tới hai container với tổng trọng lượng 37 tấn, trong khi chiếc xe chỉ được phép chở tối đa 23 tấn. Tuy nhiên, cũng vì các container đều được niêm chì, lực lượng kiểm tra đành phải cho chiếc xe đi sau khi lập biên bản xử phạt.

Phải quản từ gốc

Theo một cán bộ thanh tra giao thông, do những vướng mắc nêu trên nên việc xử lý xe quá tải dù được thực hiện nghiêm nhưng vẫn chưa triệt để. Sau khi bị xử lý, nhiều xe vẫn tiếp tục “tra tấn” cầu đường. Ngoài ra, “các đội kiểm tra chỉ được trang bị cân di động, muốn biết xe quá tải hay không thì bắt buộc phải dừng xe để cân. Nhưng việc dừng xe chỉ thực hiện được ở một số tuyến đường, nếu áp dụng tại các tuyến đường trọng điểm như xa lộ Hà Nội thì rất dễ xảy ra ùn ứ” - vị này nói.

“Hằng năm, Thanh tra Sở GTVT và Phòng CSGT đều lập các chuyên đề kiểm tra, xử lý xe quá tải, quá khổ trên toàn TP. Nhưng theo tôi, để kiểm soát hiệu quả xe quá tải, quá khổ lưu thông trên đường, quan trọng nhất là phải có sự hợp tác ngay từ phía các cảng (chỉ sắp xếp hàng theo đúng tải trọng của xe). Khi đó mới hạn chế được việc dừng xe kiểm tra ngoài đường” - ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, nói.

Xe 80-100 tấn phăm phăm chạy, cầu nào chịu nổi!

Sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác, cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức đã bị trồi lún mặt nhựa. Theo ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, lượng xe quá tải quá nhiều là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Theo một số ý kiến từ Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cầu vượt Thủ Đức được xây dựng theo tiêu chuẩn HL93, không cắm biển “hạn chế trọng lượng xe” nên các loại xe cứ vô tư qua cầu. Tuy nhiên, ông Điệp khẳng định đây là cách hiểu sai. Theo quy định hiện hành, dù cầu đường không có biển hạn chế trọng lượng xe nhưng các loại xe khi lưu thông không được có tổng trọng lượng quá 45 tấn và tải trọng trên từng trục xe không được vượt quá 11 tấn. Đối với riêng mặt nhựa của cầu vượt Thủ Đức được thiết kế và trải theo tiêu chuẩn cho xe có tải trọng trục 12 tấn. “Các loại xe container, xe chở phôi thép, thép cuộn, thép tấm… nặng 80-100 tấn và tải trọng trên một trục lên đến trên 20 tấn mà cứ phăm phăm băng qua mỗi ngày thì có mặt nhựa cầu nào mà chịu nổi!” - ông Điệp nói.

LƯU ĐỨC

TUYẾT KHUÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm