Lương tối thiểu: Vấn đề chính trị

Thực tế trong thị trường lao động mà giới chủ doanh nghiệp tuy không có quyền quyết định tuyệt đối (monopoly power) về mức lương nhưng có nhiều trường hợp giới công nhân lại rơi vào tình trạng “bất đối xứng thông tin”, nghĩa là bản thân họ cũng không biết giá trị lao động của mình đối với doanh nghiệp là bao nhiêu. Chưa kể người lao động thường có nhiều hạn chế khác về năng lực đàm phán lương, điều kiện tài chính... nên họ sẽ bị thua thiệt nếu để thị trường lao động tự do hoàn toàn.

Giải pháp tối ưu nhất, thực ra đã tồn tại hơn trăm năm nay, là trang bị cho công nhân kiến thức và kỹ năng giúp họ biết đấu tranh vì quyền lợi của họ qua tổ chức công đoàn. Ví dụ, ở Úc, một nhiệm vụ quan trọng của các công đoàn là đàm phán lương và mức tăng lương hằng năm cho thành viên của mình (gọi là entepirse bargaining). Tùy vào đặc thù của mỗi doanh nghiệp, địa phương và tình trạng kinh tế nói chung các công đoàn sẽ đàm phán mức lương tối thiểu (tính theo giờ) cho công nhân. Nếu công đoàn và chủ doanh nghiệp không đàm phán được sẽ đem ra một tòa án đặc biệt phân xử và tòa sẽ ấn định mức lương tối thiểu.

Hiện nay nhiều người viện vào “mức sống tối thiểu” để đưa ra một con số lương tối thiểu nào đó tương ứng. Tuy nhiên, việc chạy theo mức sống tối thiểu là điều vô cùng khó vì không ai xác định chính xác được con số này và áp dụng một con số chung cho tất cả doanh nghiệp/ngành khác nhau sẽ tạo ra bất công cho cả chủ doanh nghiệp lẫn người lao động. Nguyên tắc lương tối thiểu không phải để đảm bảo mức sống tối thiểu mà là để bảo vệ người lao động không bị bóc lột sức lao động.

Từ đây có thể thấy vấn đề lương tối thiểu nhìn chung là vấn đề chính trị chứ không phải kinh tế mặc dù nó có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế (nhưng không phải luôn luôn). Thể chế chính trị khác nhau sẽ sinh ra các giải pháp về lương tối thiểu khác nhau. Điển hình như ở các nước châu Âu, Úc thì quy định về lương tối thiểu rất chặt và luôn liên quan đến công đoàn.

Ngược lại, mức lương tối thiểu ở các nước như Mỹ (liên bang), Luật Liên bang Mỹ có quy định về lương tối thiểu nhưng mức lương này rất thấp, không có mấy tác dụng. Lý do là hệ thống chính trị Mỹ (ở liên bang) không mạnh trong việc bảo vệ người lao động, một phần vì hệ thống công đoàn của Mỹ yếu. Trong khi đó ở từng tiểu bang có những nơi có luật lương tối thiểu khá chặt chẽ vì hệ thống chính trị của bang đó có xu hướng bảo vệ quyền lợi người lao động nhiều hơn.

Việt Nam hiện nay theo thể chế xã hội chủ nghĩa, tức là về danh nghĩa bảo vệ tầng lớp công nhân nên học tập mô hình đàm phán lương ở Úc hoặc châu Âu. Vấn đề là các công đoàn phải đủ mạnh và có bản lĩnh trong đàm phán lương, bảo vệ người lao động.

Về vấn đề công đoàn, ông Phillip Hazelton, Cố vấn trưởng Dự án Quan hệ Lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, từng khuyên: “Điều quan trọng là phải tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia thảo luận của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động có tầm ảnh hưởng trong quá trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu”. Đề xuất về phương án điều chỉnh lương tối thiểu của tổ chức công đoàn phải dựa trên những số liệu thống kê đáng tin cậy và những phân tích dữ liệu chính xác, tính đến cả các tiêu thức xã hội và kinh tế.

Khi các tổ chức công đoàn của các ngành hoạt động hiệu quả, Nhà nước có thể lấy mức lương thấp nhất (được công đoàn thỏa thuận) trong một ngành nào đó làm lương tối thiểu cho ngành đó, tạo cơ sở đối chiếu để bảo vệ quyền lợi của công nhân ở những doanh nghiệp không có công đoàn hoặc công đoàn còn hạn chế về khả năng đàm phán lương.

TS LÊ HỒNG GIANG  

ĐỖ THIỆN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm