TAI NẠN ĐƯỜNG NGANG GIAO VỚI ĐƯỜNG SẮT

Lỗi chính thuộc về ngành đường sắt

Gần đây, các vụ tai nạn giữa đường ngang với đường sắt diễn ra liên tiếp, trách nhiệm ngành đường sắt như thế nào? Pháp Luật TP.HCMcó cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Long (ảnh), Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt khu vực 3 thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN).

Khó quản được đường ngang

. Phóng viên:Hệ thống đường ngang qua đường sắt hiện được thống kê, kiểm đếm, quản lý như thế nào, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Văn Long: Có hai loại đường ngang là loại được ngành đường sắt quản lý và loại chưa được quản lý. Theo đó, đường ngang được ĐSVN quản lý gồm: loại có người gác và rào chắn; loại có cảnh báo tự động và loại chỉ có biển báo. Riêng đường ngang dân sinh, lối tắt do dân tự mở thì ĐSVN không thể kiểm đếm, thống kê, quản lý được (dù có biết) và đa phần là do địa phương quản lý.

. Nhiều vụ tai nạn xảy ra không chỉ ở lối tắt nhỏ do dân tự mở mà ở cả các đường ngang nối xã với xã, huyện với huyện và rộng hơn 3 m. Vậy sao đường sắt chỉ biết (sau khi có tai nạn xảy ra) mà không quản, thưa ông?

+ Theo quy chuẩn, chỉ đường ngang rộng trên 3 m thì ngành đường sắt mới đưa vào tầm quản lý. Nhưng trên thực tế có nhiều lối mòn dân tự mở rồi được địa phương tự nâng cấp lên thành đường xã, đường huyện và họ không báo thì làm sao ngành đường sắt đưa vào diện quản lý được. Khi địa phương chưa báo, đường sắt chưa quản thì làm sao có kinh phí để đặt biển báo hoặc đặt cảnh báo tự động hoặc dựng rào chắn có người gác…

. Nhiều vụ tai nạn liên tiếp gần đây lại xảy ra ở chính những điểm giao cắt đã được ngành đường sắt quản lý và có đủ biển báo, tín hiệu…?

+ Trong những năm qua, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, dân cư, thành phố, thị xã, thị trấn mới bám sát theo các trục đường sắt nên mật độ lưu thông qua đường ngang ngày càng gia tăng. Trong khi toàn bộ các đường ngang này đều giao cắt đồng mức với đường sắt nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Cạnh đó, tình trạng kỹ thuật tại các điểm giao cắt ngày một xấu (mặt đường gồ ghề, lồi lõm, dốc vồng lên cao hoặc lõm trũng xuống đường sắt…) nên các loại xe ô tô, xe máy qua lại khó khăn, thậm chí là chết máy ngay giữa đường sắt… khi tàu đang tới, không thắng dừng kịp… đã góp phần gây tai nạn.

. Theo Luật đường sắt, đường sắt có 15 m tính từ mép ray ra để làm hành lang an toàn nhưng vì sao nhiều vụ tai nạn vẫn xảy ra trong hành lang này?

+ Luật quy định như vậy nhưng trong thực tế nhiều tuyến đường bộ lại chạy song song, liền kề với đường sắt và nằm hoàn toàn trong hành lang 15 m… Chưa kể nhiều tuyến đường bộ đang chạy song song, liền kề với đường sắt thì quẹo gắt, đâm ngang (mà không có đường gom, rào chắn hoặc người gác, biển báo, tín hiệu…) để ra vào các khu dân cư, khu công nghiệp... Khi tàu và xe gặp nhau ở nơi giao cắt thì cả hai khó xử lý kịp thời.

Từ Diêu Trì trở vào Sài Gòn, trong số các đường ngang hợp pháp, có hơn 85% không đủ điều kiện an toàn như tầm nhìn hạn chế, độ dốc và góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt vượt quá quy định theo tiêu chuẩn quản lý đường ngang…

Một đường ngang có chắn và người gác nhưng vẫn mở khi có tàu đi qua. Ảnh: LĐ

Đường dân sinh chạy song song với đường sắt và đường ngang tự mở sơ sài (bằng lấp đá bồi) để người dân qua lại ngay cả khi tàu đến phía trước. Ảnh: LĐ

Rào chắn, tín hiệu lạc hậu

. Ý kiến từ nhiều địa phương phản ánh hệ thống tín hiệu, biển báo ở các điểm giao cắt còn nhiều bất cập về kỹ thuật gây mất an toàn và tai nạn đường sắt, quan điểm của ông về vấn đề này?

+ Đó là phản ánh đúng. ở nhiều điểm giao cắt có biển báo, tín hiệu đầy đủ nhưng lái xe ngồi trong xe bít bùng, không nghe được còi hú tàu đang tới mà cứ lao qua đường sắt rồi lại còn bảo “xe tôi đã bật đèn, còi mà sao xe lửa không nhường cho qua”. Cứ quan niệm xe lửa phải nhường đường cho ô tô và mọi lỗi là do xe lửa gây ra thì có biển báo, tín hiệu hiện đại đến cỡ nào cũng đành thua các bác tài ô tô thôi! Hay như ngành đường sắt vừa đưa vào sử dụng loại gác chắn tự động, đóng 1/2 mặt đường bộ, theo chiều xe chạy ở những nơi không có người gác nhưng chắn đã hạ, còi đã réo mà lái xe ô tô thấy tàu chưa tới nên lách qua nửa mặt đường bên tay trái để qua thì làm sao tránh khỏi tai nạn…

. Tai nạn xảy ra ở ngay cả những giao cắt có đủ chắn và người gác, thưa ông?

+ Trang thiết bị tại các đường ngang có gác chắn hiện rất lạc hậu; phòng vệ đường ngang chủ yếu dùng nhân công. Do kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư các đường ngang có lắp thiết bị tự động đóng chắn và cảnh báo tự động rất hạn chế. Còn việc nâng cấp, sửa chữa các đường ngang rất chậm vì thiếu kinh phí. Ví dụ, năm 2015 với 150 tỉ đồng thì chỉ đủ duy tu, sửa chữa 100 đường ngang có người gác và rào chắn. Hiện vẫn còn khoảng 300 đường ngang hợp pháp ẩn chứa nguy cơ tai nạn cao và cần khoảng 400 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa trong vòng hai năm 2015 và 2016.

. Xin cám ơn ông.

Mặc dù Tổng Công ty ĐSVN kiên quyết ngăn chặn các điểm mở mới đường ngang dân sinh nhưng khó có thể xóa bỏ được ngay các đường ngang dân sinh đã tồn tại. Trên thực tế có những đường ngang chúng tôi phải chôn cột để ngăn phương tiện đi qua nhưng người dân vẫn nhổ cột lên, thậm chí vừa chôn cột xong thì người dân phản đối.

Ông ĐOÀN DUY HOẠCH,
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN

__________________________________________

Ông KHUẤT VIỆT HÙNG, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:

Xảy ra tai nạn là lỗi ngành đường sắt chứ không phải của dân

Lỗi chính thuộc về ngành đường sắt ảnh 4
Tai nạn giao thông đường ngang - đường sắt xảy ra dồn dập gần đây là đặc biệt nghiêm trọng. Trước mắt, Cục ĐSVN, Tổng Công ty ĐSVN, Cục CSGT đường bộ - đường sắt và các địa phương cần nhanh chóng phối hợp rà soát, xử lý ngay những đường ngang bất hợp pháp, không để tai nạn đường sắt tiếp tục gia tăng.

Cục ĐSVN là cơ quan quản lý nhà nước, Tổng Công ty ĐSVN là doanh nghiệp, hai đơn vị phải chịu trách nhiệm chính, chủ động phối hợp với các địa phương có ngay các phương án bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) như cảnh giới, cảnh báo ở các đường ngang; ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi vi phạm đến an toàn đường sắt!

Để phát sinh đường ngang dân sinh ngoài trách nhiệm của địa phương, ngành đường sắt cũng phải nhìn nhận rõ vai trò của mình trong việc tuần tra thường xuyên, phát hiện và phối hợp với địa phương xử lý chưa kịp thời các đường ngang mới… Không thể nói mãi các đường ngang là trái phép khi mà mỗi ngày có hàng ngàn lượt người, xe qua lại. Lúc đó, đường ngang thành đường đi quen thuộc của người dân thì ngành đường sắt phải có ngay biện pháp rào chắn, lắp cảnh báo, tín hiệu… nhằm hợp thức hóa nó. Chứ cứ cho nó là trái phép để rồi “bỏ trắng”, không có biện pháp bảo đảm ATGT thì tai nạn vẫn cứ mãi xảy ra, xảy ra liên tiếp…

đổ lỗi cho người dân thiếu ý thức nên xảy ra tai nạn giao thông đường sắt là không công bằng. Ngành đường sắt không thể nói rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ, còn tai nạn xảy ra là ngoài ý muốn. Tại sao cũng cái đoạn đường ngang ấy mà năm trước tai nạn giao thông giảm, năm nay lại tăng. Không thể mãi đổ lỗi cho người dân. Ngân sách hằng năm chi khoảng 2.000 tỉ đồng cho công tác quản lý, bảo trì, bảo đảm ATGT đường sắt. Như vậy, tiền đâu có thiếu và tai nạn xảy ra là do ngành đường sắt chứ đâu phải do lỗi của dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm