Làm thẻ KT3 không dễ!

Làm thẻ KT3 không dễ! ảnh 1

Đội quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an quận Tân Bình, TP.HCM làm thủ tục nhập hộ khẩu cho người dân (ảnh chụp chiều 20-5) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Anh V.K.H., từ miền Bắc vào TP.HCM lập nghiệp đã năm năm, gần đây anh kết hôn và sinh con, thuê nhà trọ tại Q.12. Anh H. muốn làm KT3 tại TP để xin cấp thẻ bảo hiểm y tế cho cháu bé. Tuy nhiên, nhiều tháng qua anh vẫn không thể có đủ các điều kiện để được cấp vì chủ nhà anh thuê trọ từ chối bảo lãnh.

Tưởng dễ, nhưng gian nan

Không nên phân biệt công dân trong một quốc gia

Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng giải pháp tốt nhất là bỏ các thủ tục về bảo lãnh, hợp đồng công chứng. Chỉ cần người dân tới công an địa phương khai báo tạm trú, lý lịch cá nhân là đủ để cấp thẻ KT3. Vì theo hiến pháp, công dân có quyền tự do cư trú, có cấp thẻ hay không họ vẫn có quyền cư trú ở nơi họ muốn. Càng giảm thiểu thủ tục để người dân thấy dễ thực hiện, họ sẽ chấp hành đầy đủ thì càng có lợi cho công tác quản lý.

Bên cạnh đó, nên bỏ các điều kiện “ăn theo” KT3, hộ khẩu. Không nên quy định theo địa phương, khu vực hoặc địa chỉ cụ thể với các loại dịch vụ công để tránh sự phân biệt công dân theo khu vực. Nếu có bảo hiểm y tế thì tới bất cứ cơ sở y tế công nào cũng được chấp thuận là tốt nhất cho người dân.

Chúng tôi tìm tới Công an P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú - một địa phương có khá nhiều lao động nhập cư sinh sống. Để đăng ký cấp thẻ KT3, một nữ công an hướng dẫn chúng tôi rất cụ thể, rõ ràng: 1-Phải khai báo tạm trú tại công an phường hoặc các điểm khai báo tạm trú ở các tổ dân phố có treo bảng rõ ràng, tạm trú ở địa chỉ đăng ký sau 30 ngày mới được xem xét cấp thẻ.

2-Điều kiện để được cấp thẻ: hoặc chủ hộ phải có đủ giấy tờ hợp lệ về căn nhà cho thuê, làm giấy bảo lãnh cho người thuê được cấp thẻ tạm trú, giấy tờ bảo lãnh phải có chứng thực của địa phương; hoặc người thuê trọ phải có hợp đồng thuê nhà (phòng) trọ có chứng thực. Với việc nhập hộ khẩu, thủ tục cũng tương tự, nhưng công dân phải có thời gian cư trú tại TP trên một năm.

Chị Yến, một người thuê trọ trên đường Nguyễn Hữu Tiến, P.Tây Thạnh, tâm sự: Lúc đầu chị đi làm KT3 chỉ nghĩ để làm cho đúng quy định và phòng hờ khi cần. Khi được hướng dẫn về nhà nói với chủ nhà, bà này cười nói: “Tôi cho chị thuê căn phòng được mấy trăm bạc, bảo lãnh cái gì”.

Khi hỏi chị Yến sao không làm hợp đồng thuê phòng rồi đi công chứng cho gọn, chị lại cười: “Nhà bà ấy xây không phép, không giấy tờ, mình ở chỉ hợp đồng miệng, thích thì bà ấy cho ở, không thì chuyển, làm gì có hợp đồng mà công chứng”. Sau khi nghe chủ nhà nói vậy, chị Yến không còn ý định làm thẻ KT3 nữa.

Khi hỏi những người sống gần nhà chị Yến về KT3, nhiều người còn không biết KT3 là gì, để làm gì. Họ thật thà tâm sự khi có việc gì cơ quan nhà nước yêu cầu thì lại về quê làm, còn chuyện con cái học hành, chữa bệnh lúc đó tự mình phải “chạy” thôi.

N.T.K.B., một cô giáo dạy thể dục tại một số trường trung học cơ sở ở Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, kể: suốt năm năm đại học, cô ở trọ và chưa bao giờ có thẻ KT3. Đi làm, một số trường yêu cầu cô phải có thẻ tạm trú mới ký hợp đồng lao động, cô cũng không sao làm được vì những khó khăn tương tự trường hợp anh H., chị Yến.

Khó cải cách?

Đem những câu chuyện trên tới gặp trung tá Lê Văn Nhiễu, đội trưởng đội quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an Q.Tân Bình), ông Nhiễu chỉ lắc đầu nói “khó lắm”. Theo quy định của Luật cư trú, thông tư của Bộ Công an và hướng dẫn của Công an TP, các đơn vị chỉ có thể thừa hành, cải cách là cố gắng rút ngắn thời gian phục vụ dân chứ không thể giảm các giấy tờ, thủ tục đã quy định.

Theo quy định, công dân tới địa phương nào cư trú phải trình báo. Nếu có nhu cầu sinh sống lâu dài tại nơi tạm trú, người dân cần làm tờ khai lý lịch và thực hiện đầy đủ các thủ tục về chủ hộ bảo lãnh hoặc hợp đồng thuê nhà (phòng) có công chứng trong vòng 30 ngày nộp cho công an phường. Sau khi nhận đủ hồ sơ của công dân, trong vòng ba ngày làm việc công an phường phải cấp thẻ cho công dân. Nếu người dân không thực hiện đủ các yêu cầu để cấp thẻ KT3, công an phường sẽ lưu hồ sơ, quản lý và sẵn sàng cấp chứng nhận tạm trú cho công dân.

Các trường hợp như anh H., chị Yến hay cô B., đơn vị thực hiện việc cấp thẻ KT3 là công an phường đã hướng dẫn, thực hiện đúng chức năng của mình. Khó khăn ở đây người dân phải khắc phục, không thể làm khác, vì nếu làm khác là các đơn vị thừa hành ở phường đã làm sai quy định.

Đề cập tới giải pháp, ông Nhiễu phân vân: cái khó phát sinh từ thực tế, cả người nhập cư lẫn những người cho thuê nhà trọ đều có kiến thức pháp luật hạn chế khiến vấn đề trở nên căng thẳng. Người cho thuê thì thường sợ việc bảo lãnh cho người thuê nhà rồi khi đuổi người thuê sẽ không đi, viện cớ Nhà nước cấp giấy cho ở đó thì cứ ở. Thực tế việc có thẻ KT3, thậm chí hộ khẩu và việc có được cư trú trong căn nhà đó hay không là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nếu chủ sở hữu căn nhà không đồng ý, không ai có thể cư trú trong đó được.

Một cán bộ công an nhiều năm làm việc trong lĩnh vực quản lý hộ khẩu, chứng minh nhân dân của Công an TP tâm sự: nhìn ra thế giới, nhiều nước dùng thẻ điện tử thay thế hộ khẩu điều đó rất thuận lợi. Nhưng với Việt Nam đó còn là mơ ước. Vì thực tế ở vùng sâu, vùng xa công tác quản lý nhân khẩu còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất kỹ thuật của Việt Nam hiện nay chưa thể đáp ứng được việc quản lý bằng công nghệ cao, nếu bỏ hộ khẩu, KT3 và các quy định khác thì không thể quản lý được. Nếu bỏ các quy định về chủ hộ bảo lãnh, hợp đồng thuê nhà có công chứng thì không biết ai là người cư trú thật, ai là người làm giả mà quản lý.

Theo GIA MINH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm