Hướng bộ Quy tắc ứng xử Quấy rối tình dục thành văn bản pháp luật

Phát biểu trên được nêu tại chương trình tập huấn “Bộ Quy tắc ứng xử Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) và Tổ chức lao động Quốc tế-ILO tổ chức, ngày 28-5.

Tiếp tục nghiên cứu thành văn bản pháp luật

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB&XH, giải thích: Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc (QRTD) đã được quy định trong Bộ Luật lao động năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, định nghĩa về hành vi này.

Bộ Quy tắc này lần đầu tiên làm cơ sở nhận diện thế nào là môi trường làm việc không ổn định, hành vi QRTD gây khó chịu như thế nào, ảnh hưởng đến năng suất lao động ra sao. Đây cũng được coi là bộ tài liệu tham khảo được Ban quan hệ lao động ba bên (nhà nước, đại điện giới chủ và đại diện người lao động) lựa chọn giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động.

Hình minh họa

“Chúng tôi sẽ từng bước nghiên cứu sâu hơn, chi tiết hơn hành vi nào là hình sự, hành vi nào không phải hình sự, hướng xử lý như thế nào…để từng bước nâng lên thành văn bản pháp luật”, ông Bốn nói.

Hầu hết các đại diện từ tổ chức, doanh nghiệp đều khẳng định có hành vi QRTD tại công sở, xảy ra với cả nam và nữ. Nạn nhân thường ở dưới quyền, không biết cầu cứu ai, sợ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, sợ bị đuổi việc…nên đành “ngậm bồ hòn” cho qua chuyện.

Khái niệm QRTD

QRTD là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.

Hướng bộ Quy tắc ứng xử Quấy rối tình dục thành văn bản pháp luật ảnh 2

Các hình thức QRTD

QRTD tại nơi làm việc có thể là hành vi liên quan đến thể chất, lời nói hoặc phi lời nói như: QRTD bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình dộng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm…

QRTD bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa như những truyền cười gợi ý về tình dục hay không có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục…

QRTD không bằng hành vi, phi lời nói gồm các hành động không mong muốn như cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn….

Nguồn: Bộ Quy tắc ứng xử Quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Nghi ngờ tính khả thi

Bộ Quy tắc mới dù giúp nhận diện hành vi QRTD nhưng chỉ để phòng ngừa và hạn chế là chính. Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phòng lao động Tiền lương, tiền công - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, boăn khoăn: “Đây chỉ là Bộ Quy tắc nên không ràng buộc mà chỉ khuyến khích doanh nghiệp, người lao động áp dụng. Chưa có chế tài xử phạt, chưa quy định cơ quan giải quyết, cơ quan giám sát”.

Đại diện Tổ chức lao động Quốc tế-ILO đánh giá ở Việt Nam hầu như không có nghiên cứu chuyên đề về QRTD. Từ năm 2010, 2011 và 2012, những thông tin về các vụ việc quấy rối bắt đầu được đăng tải nhiều, một số vụ việc đã xảy ra với hậu quả khá nghiêm trọng.

Bà Trần Quỳnh Hoa, cán bộ truyền thông ILO tại Việt Nam, cho biết kết quả nghiên cứu về bình đẳng giới trong thực tiễn tuyển dụng và thăng tiến tại Việt Nam do ILO và nhà tuyển dụng cấp cao Navigos Search hồi đầu năm nay cho thấy 17% số người được hỏi (ứng viên nhân sự cấp trung) thổ lộ chính họ hoặc một số người họ biết đã từng nhận được những đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc. Thêm vào đó, một nửa số công ty được hỏi không có chính sách phòng chống quấy rối tình dục.

Ở Nepal 54% nữ lao động cho biết họ từng phải đối mặt với QRTD, 57% lao động nam và 23% lao động nữ từng thấy hành vi này ở nơi làm việc. Còn ở Nhật Bản, 2/3 trong số 2.300 lao động nữ được hỏi từng bị quấy rối tình dục, 11% từng bị quấy rối tình dục trao đổi và 45% ở trong môi trường làm việc thù địch.

Công ty sản xuất motor Mitsubishi từng phải "bồi thường" 34 triệu USD

Năm 1998, Công ty Mitsubishi chấp nhận trả 34 triệu USD cho lao động nữ tại nhà máy nằm ở Normal, Illinois, Mỹ. Công ty bị cáo buộc để mặc môi trường làm việc không thân thiện với phụ nữ mà không có giải pháp gì kể từ ít nhất là năm 1990. Ngoài khoản tiền 34 triệu USD, Mitsubishi phải trả thêm vài triệu đô nữa cho vài vụ kiện cá nhân.

Lao động nữ ở nhà máy thường xuyên bị lạm dụng về lời nói, phải nghe những trò đùa tục tĩu, chịu đựng những hành vi và cả những hình vẽ lên tường mang tính tình dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm