Hầm Thủ Thiêm: Kết nối xong mới khắc phục thấm

Tại buổi giao ban định kỳ với báo chí do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức ngày 28-5, Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây và Môi trường nước TP, đơn vị tư vấn giám sát dự án (Công ty Tư vấn Oriental Consultants - OC), nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) đã cung cấp thông tin và giải trình về những vết thấm nước của các đốt hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Công ty OC cho hay ngoài đốt hầm số 1 và 2 bị ẩm, thấm nước như báo chí đã thông tin, đốt hầm số 3 vừa được dìm vào ngày 6-5 cũng bị thấm và rò rỉ nước.

Thấm, rò rỉ nhiều nhưng trong giới hạn

Trong cuộc họp ngày 28-5, Công ty OC cho biết: Kết quả đợt quan trắc ngày 18-5 cho thấy đốt hầm số 1 chỉ còn 33 vị trí bị ẩm (bề mặt bê tông đổi màu, khi chạm tay vào không thấy nước) và thấm (bề mặt bê tông đổi màu, chạm tay vào thấy có nước), giảm 30% so với đợt quan trắc ngày 27-4 (46 vị trí). Ngược lại, đốt hầm số 2 tăng từ 83 lên 107 vị trí bị ẩm, thấm. Chưa hết, ngoài các vị trí bị ẩm, thấm, đợt kiểm tra mới nhất cũng phát hiện 11 vị trí tại bản đỉnh hầm bị rò rỉ nước với mức độ nhẹ (dưới 3 cc/giờ).

Kết quả kiểm tra, quan trắc sau khi đốt hầm số 3 được dìm xuống sông Sài Gòn cũng cho thấy bên trong hầm có tới 51 điểm thấm, 50 điểm ẩm. Ngoài ra còn có tám vị trí tại bản đỉnh hầm bị rỉ nước với tốc độ dưới 3 cc/giờ. Tuy vậy, nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát vẫn khẳng định tình trạng hiện nay nằm trong giới hạn cho phép. “Tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế cho phép độ thấm bên trong hầm không được quá 5 ml/giờ/m2, trong khi hiện nay chỉ thấm 2 ml/giờ/m2. Tương tự, tốc độ rò rỉ hiện nay dưới 3 cc/giờ, trong khi mức cho phép là 5 cc/giờ. Những tiêu chuẩn này dựa trên cơ sở của của một số hầm ở Úc, hầm băng ngang cảng phía tây Hong Kong, hầm MRT Bangkok…” - đại diện Công ty OC giải thích.

Hầm Thủ Thiêm: Kết nối xong mới khắc phục thấm ảnh 1

Hầm Thủ Thiêm: Kết nối xong mới khắc phục thấm ảnh 2

Bên trong đường hầm Thủ Thiêm có những vết nứt đang được trám keo tạm thời (ảnh dưới). Ảnh: MP

Thông hầm trước, khắc phục sau

Đại diện chủ đầu tư, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án, cho biết thêm: Có năm vị trí trong hầm có thể bị thấm, rò rỉ, gồm mối nối giữa các đốt hầm, bản đáy, bản đỉnh, tường và vách ngăn bên hông. Trong đó, vị trí quan trọng nhất là mối nối giữa các đốt hầm vẫn không bị thấm, rò rỉ. Cả đơn vị tư vấn lẫn chủ đầu tư đều khẳng định những vết thấm, rò rỉ như hiện nay không nghiêm trọng, đảm bảo sẽ được khắc phục trước khi Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu công trình.

Về nguyên nhân thấm, ngoài lý do mà Công ty OC nêu ra là do khe hở giữa bê tông và bulông neo, đồng thời ống thổi cát có thể gây ra, ông Phúc còn cho rằng: Hiện hệ thống thông gió của hầm chưa hoàn tất, các bể nước bên trong cũng chưa tháo dỡ hết nên có thể hơi nước bốc lên khiến nhiều vị trí bị ẩm, thấm (!?). Để khắc phục, chỉ cần tận dụng cơ chế tự hàn gắn của bê tông mới (bê tông còn mới nên hơi ẩm sẽ tạo ra canxi tự trám vào các khe nứt) là được. Công ty OC đánh giá đây là giải pháp khắc phục phổ biến và có hiệu quả đối với những vết nứt dưới 0,2 mm. Ngoài ra, hệ thống thông gió sau khi hoàn thành sẽ góp phần giúp bên trong hầm khô ráo hơn.

Tuy vậy, cũng theo ông Phúc, hai phương pháp trên không phải là giải pháp chủ lực khắc phục sự cố. Giải pháp cuối cùng sẽ dùng dung dịch keo Epoxy bơm với áp lực cao vào các khe nứt để chúng trương lên làm kín các vết nứt, sau đó phủ một lớp vật liệu chống thấm bên ngoài. Chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị tư vấn trình phương án khắc phục trong tháng 7. Dự kiến việc khắc phục các điểm thấm, ẩm và rò rỉ bắt đầu từ tháng 9, sau khi đường hầm đã được kết nối xong.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm