Hà Nội: Chữa ùn tắc bằng chế tài mạnh

“Đầu tư thêm hạ tầng, chế tài thật nặng các vi phạm để nâng cao ý thức người đi đường…” tiếp tục là những giải pháp trọng tâm nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông được đưa ra tại hội nghị giao ban quý I giữa Thành ủy, UBND TP với các quận, huyện của Hà Nội, sáng 27-3.

Nhiều kế hoạch vẫn nằm trên giấy

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ cuối năm 2011 đến nay giao thông trong nội đô phần nào thông thoáng hơn nhờ hàng loạt giải pháp được thực thi như đổi giờ học, giờ làm; tăng cường phân tuyến, phân làn; cấm đỗ xe trên 262 tuyến phố… Tuy nhiên, nạn ùn tắc vẫn rất trầm trọng do phương tiện giao thông gia tăng nhanh, vượt sức chịu đựng của hạ tầng.

“Chỉ tính riêng lượng xe máy, ô tô của người dân đã lên đến 5 triệu chiếc, chưa kể đến hàng vạn xe vãng lai, xe của cơ quan trung ương trên địa bàn. Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình mỗi năm của Hà Nội là 12%-15%, trong khi quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 7%-8% (quy hoạch là 20%-25%). Nhiều tuyến phố thường xuyên quá tải từ 1,5 đến hai lần lưu lượng giao thông thiết kế…” - ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, báo động về thực trạng của giao thông thủ đô.

Hà Nội: Chữa ùn tắc bằng chế tài mạnh ảnh 1

Cùng với việc tăng cường xử phạt nghiêm các vi phạm, Hà Nội đang tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông để kéo giảm ùn tắc. Ảnh: T.PHÚ

Ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, dẫn chứng thêm: Hà Nội từng đưa ra tám nhóm giải pháp đảm bảo an toàn giao thông từ 10 năm trước (năm 2003) nhưng không được quan tâm đúng mức. Cụ thể như kế hoạch xây 34 điểm đỗ xe đến nay vẫn nằm trên giấy. Cấm xây dựng nhà cao tầng, chung cư sau khi di chuyển nhà máy thì nay đa số các khu vực này đều là trung tâm thương mại, dịch vụ cho thuê… “Tình trạng ùn tắc đã đến mức bức bách, lúc này không thể lùi được nữa mà phải quyết tâm thực hiện các giải pháp đã đề ra” - ông Hoạt nhấn mạnh.

Phương thuốc xử phạt nặng

Theo ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, giải pháp chính cho giao thông của thủ đô hiện nay là phải giảm mật độ phương tiện giao thông, đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng. “Trong điều kiện chưa thể đầu tư hạ tầng ngay thì cần phải tăng cường xử phạt nặng để nâng cao ý thức người đi đường. Đường chỉ có như vậy, mọi người có ý thức hơn thì ùn tắc sẽ giảm rất nhiều” - ông Thảo nói.

Ông Thảo cũng cho biết Hà Nội đang chuẩn bị thực hiện di dời một số trường học ra khỏi nội thành và hạn chế nhập cư vào đô thị trung tâm. “Thành ủy Hà Nội sẽ ra nghị quyết xác định vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong vấn đề giảm ùn tắc và an toàn giao thông. Đây sẽ là một tiêu chí đánh giá cấp ủy hằng năm, người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm nếu tình trạng giao thông trên địa bàn không có chuyển biến” - ông Thảo nhấn mạnh.

Trong phát biểu chỉ đạo, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cũng đặc biệt chú trọng đến giải pháp xử phạt nghiêm, mức chế tài đủ sức răn đe. Theo ông Nghị, ý thức người đi đường hiện nay rất kém khiến cho sự quá tải giao thông càng thêm trầm trọng vì thường xuyên xảy ra tình trạng “hai con dê qua cầu”. Ông Nghị dẫn chứng: Chương trình Chào buổi sáng nào cũng nói về giao thông, hướng dẫn người dân đi đúng đường, đúng luật. Nhưng vừa chào xong một cái, ra đường nhiều người lại vi phạm đủ kiểu như vượt đèn đỏ, đi trái làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu... Tính tự giác của người đi đường chưa cao, cần phải được điều chỉnh bằng chế tài thật nghiêm.

“Nếu tịch thu, sung công những phương tiện tham gia đua xe trái phép, sẽ không ai dám đua xe nữa. Hà Nội muốn làm ngay, làm nghiêm nhưng luật không cho phép. Vì vậy, tới đây TP sẽ kiên trì đề xuất và thực hiện xử phạt nghiêm, mức phạt nặng nhằm chấn chỉnh an toàn giao thông” - ông Nghị khẳng định.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm