Gìn giữ “văn hóa hẻm” giữa thời đô thị hóa

Từ xưa đến nay, các con hẻm ở Sài Gòn-TP.HCM thường không lớn, nhà trong hẻm không rộng, cư dân lại rất đông nhưng mối quan hệ giữa những con người sống trong hẻm luôn khăng khít, chan hòa. Quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi nhiều cách thức ứng xử truyền thống, liệu những nét đẹp của “văn hóa hẻm” có vì thế mà phai nhạt dần?

Hẻm tạo nên tính đa dạng của văn hóa đô thị

Hẻm phố Sài Gòn và ngõ nhỏ Hà Nội là sản phẩm mang tính lịch sử và văn hóa truyền thống. Nó được hình thành trong giai đoạn đầu của quá trình tạo “đô”, dựng “thị”. Hình thái hẻm chính là bản sao cách tân của việc mang làng vào trong phố. Chính do vậy, hẻm, ngõ thường là nơi những người cùng quê tụ lại khi sống ở đất khách quê người, cũng là nơi “cư ngụ” của những làng nghề truyền thống. 36 phố phường Hà Nội chính là 36 làng nghề ở quê ra. Việc cư dân sống sát vào nhau, các nhà đối mặt nhau qua một con hẻm nhỏ (thường dưới 3 m) xuất phát từ nhu cầu co cụm lại để dễ chia sẻ, làm ăn, bảo vệ lẫn nhau khi xảy ra biến cố.

Một trong các đặc tính quan trọng nhất của hẻm phố Sài Gòn là đa văn hóa. Như đã đề cập, nhiều con hẻm là nơi cư ngụ của những người cùng quê, cùng tôn giáo hay làm cùng một nghề. Bên cạnh đó, vẫn có những con hẻm mà cư dân ở đó có sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc nhập cư. Có lẽ hiếm ở đâu mà chỉ một xóm lao động nhỏ với chừng vài con hẻm ngắn lại có đủ cả nhà thờ Thiên Chúa giáo, chùa Phật giáo, thánh thất Hồi giáo, Cao Đài… và cư dân ở đó sống bình yên, hòa hợp bên nhau như ở Sài Gòn. Trong ngày Giáng sinh hay Phật đản, tất thảy mọi người đều chung vui với nhau, bất kể họ theo Công giáo hay Phật giáo. Đám tang của người theo đạo Phật, người theo đạo Thiên Chúa vẫn đến chia buồn và làm lễ theo đạo Phật. Đó là một vẻ đẹp mà với người phương Tây quả là đáng ngạc nhiên và khó hiểu. Tuy nhiên, chính sự “khó hiểu” này đã tạo nên tính đa dạng của văn hóa đô thị Sài Gòn-TP.HCM.

Gìn giữ “văn hóa hẻm” giữa thời đô thị hóa ảnh 1

Hai cư dân lớn tuổi hàn huyên trong một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. Ảnh: HTD

Gìn giữ “văn hóa hẻm” giữa thời đô thị hóa ảnh 2

Một con hẻm nhỏ tại khu phố người Hoa ở quận 6. Ảnh: HTD

Đừng cực đoan, nóng vội khi chỉnh trang

Thử tưởng tượng nếu bít hai đầu của một con hẻm Sài Gòn, chúng ta sẽ nhìn thấy một “cái ống văn hóa-xã hội”. Trong “cái ống” đó có một không gian sống đa chiều lồng vào nhau, từ không gian kiến trúc, văn hóa, kinh tế… đến không gian hành chính và cả không gian tâm linh. Trong không gian ấy, trẻ em có thể lấy một đoạn hẻm làm chỗ chơi, người già kê thêm vài cái ghế để uống cà phê buổi sáng mà không bị ai than phiền. Không gian đa chức năng này cần được xem xét cẩn thận khi thực hiện cải tạo, chỉnh trang hẻm. Nếu quá nóng vội hay cực đoan, chúng ta có thể làm hỏng một không gian văn hóa truyền thống.

Hiện nay, có tới hơn 80% người dân TP sống trong hẻm, do vậy việc tồn tại của hẻm là tất yếu và lâu dài. Nhiều con hẻm của TP đang được mở rộng để tạo thuận lợi cho giao thông, thông thoáng không gian, đồng thời cải tạo không gian ở, nâng chiều cao công trình, dành đất cho không gian cộng đồng. Dù với mục tiêu nào thì quá trình chỉnh trang này đòi hỏi phải có cách làm phù hợp để TP văn minh hơn nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống, không làm mất đi “tình làng nghĩa xóm” mà các cộng đồng dân cư đã dày công xây dựng nhiều trăm năm nay.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là việc xuất hiện các hẻm tại các khu dân cư mới xây dựng sau năm 2000 ở các quận vùng ven hay các huyện ngoại thành là điều không nên. Bởi hầu hết các hẻm mới này đều do nhà thầu xây dựng tự phát, có đặc tính xã hội rất khác với hẻm hình thành hàng trăm năm trước. Nó không những không có tính cộng cư mà còn làm ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể của toàn TP.

Không chỉ ở TP.HCM và Hà Nội, loại hình cư trú hẻm, ngõ còn rất phổ biến ở các nước châu Á trong giai đoạn đô thị hình thành trên nền tảng của nông nghiệp truyền thống. Điều đó giải thích vì sao những con hẻm bé xíu vẫn “ung dung” tồn tại giữa các TP cực kỳ hiện đại như Bắc Kinh, Tokyo, Paris, Seoul. Đây cũng chính là nơi hấp dẫn du khách đến khám phá về tính đa dạng của nền văn hóa đô thị.

PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

VIỆT HOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm