Giải tỏa 350 hộ dân để xây metro số 2

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đang hoàn chỉnh bản kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng chuẩn bị xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến metro số 2).

Năm 2017 bắt đầu chạy thử

Giải tỏa 350 hộ dân để xây metro số 2 ảnh 1

Sơ đồ tuyến metro số 2. Ảnh chủ đầu tư cung cấp

Tuyến metro số 2 dài gần 20 km, điểm đầu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và điểm cuối ở Bến xe An Sương (quận 12). Trước mắt, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng đoạn từ Bến Thành đến Tham Lương đi qua các quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú và 12. Hai đoạn còn lại gồm Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - Bến xe An Sương sẽ được đầu tư sau.

Đoạn Bến Thành - Tham Lương bắt đầu từ nhà ga Bến Thành (quận 1) rồi đi ngầm 9,3 km trước khi chạy lên mặt đất tại quận Tân Phú, xuyên qua một cửa ngầm dài 0,2 km rồi chạy trên cao 0,8 km để vào nhà ga số 11. Từ đây, tuyến metro 2 chạy qua đoạn đường nối dài gần 1 km để vào khu depot ở phường Tân Thới Nhất, quận 12.

Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP (chủ đầu tư các tuyến metro), cho hay: Cuối năm 2010, ADB đã duyệt cho vay thực hiện giai đoạn một của đoạn Bến Thành - Tham Lương (xây dựng depot ở phường Tân Thới Nhất, quận 12). Hiện các đơn vị liên quan bắt đầu chuyển sang giai đoạn hai, thiết kế kỹ thuật và thi công 10 nhà ga ngầm và một nhà ga trên cao chạy dọc 11,3 km toàn tuyến.

“Dù tuyến metro số 2 khởi động sau tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nhưng theo kế hoạch, đoạn Bến Thành - Tham Lương sẽ hoàn thành cùng lúc với tuyến số 1. Năm 2017, có thể bắt đầu chạy thử” - ông Huỳnh khẳng định.

Giải phóng mặt bằng trong năm nay

Theo kế hoạch, các nhà ga ngầm và hai đường hầm song song của đoạn Bến Thành - Tham Lương sẽ được thi công bên dưới lòng đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Hồng Thái và Hàm Nghi nhằm giảm thiểu việc giải tỏa nhà dân. Hầu hết phần thân chính của các nhà ga đều nằm trong lộ giới đã được TP.HCM công bố từ năm 2002 (tuyến metro 2 đi qua các đường có lộ giới 35 m). Ngoài ra, đoạn đường chuyển tiếp 0,2 km và đoạn đường 0,8 km trên cao nằm ngay tiểu đảo ở tim đường Trường Chinh nên cũng không cần thu hồi đất. Nhưng đoạn đường nối vào depot dài khoảng 1 km sẽ phải thu hồi đất hai bên đường (mỗi bên 11 m tính từ tim đường). Khu vực bề mặt 10 nhà ga ngầm cũng được giải phóng hoàn toàn, tùy theo vị trí của từng nhà ga với chiều dài khoảng 205 m, rộng từ 36 đến 48 m.

“Để xây dựng các nhà ga ngầm và đường nối vào khu depot, cần thu hồi khoảng 34.000 m2 đất của gần 350 hộ dân, 33 công ty và tổ chức cùng gần 1.500 m2 đất công ở các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Hiện chúng tôi đã cắm ranh mốc, bàn giao cho các địa phương, đồng thời cũng đã lấy ý kiến những người dân bị ảnh hưởng. Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng do ngân sách TP đảm trách. Mức giá bồi thường khá sát với giá thị trường” - ông Huỳnh cho hay.

Cũng theo ông Huỳnh, hiện TP đã ghi vốn cho việc bồi thường, giải tỏa. Các địa phương đang rà soát, cập nhật số liệu chi tiết về những trường hợp bị giải tỏa. Dự kiến trong năm 2012 sẽ bắt đầu thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tiêu điểm

1,37

tỉ USD là tổng kinh phí thực hiện dự án. Trong đó ADB cho vay 540 triệu USD, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho vay 313 triệu USD và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho vay 195 triệu USD. Số còn lại trên 326 triệu USD từ nguồn đối ứng của Việt Nam.

Kinh phí ước tính bồi thường, tái định cư phục vụ cho dự án là hơn 2.300 tỉ đồng. Dự kiến giá bồi thường cao nhất ở dự án này có thể lên đến 170 triệu đồng/m2 (ở quận 1), cao hơn nhiều lần giá Nhà nước quy định (gần 42 triệu đồng). Các hộ gia đình còn được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống như giới thiệu việc làm, vay vốn…

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm