Đường lên cầu Phú Mỹ bị “bỏ rơi”

Những ngày qua, ngay từ ngã ba liên tỉnh lộ 25B rẽ vào đường dẫn lên cầu Phú Mỹ, mặt đường bị bong tróc toàn bộ tạo ra những hố sâu hoắm, rộng toác.

Đường lồi, cầu lõm

Phần lớn bê tông thấm nhập trải trên lớp mặt bị đẩy lên khỏi các hố và đùn, dồn cục ra hai bên lề đường. Các loại xe, nhất là xe tải, container khi qua đây đều lách các hố sâu bằng cách lấn sang lề, ép, đẩy dòng xe máy ra sát ngoài mép đường. Dòng xe máy do mất hết phần đường nên chỉ còn cách nhảy chồm chồm lên các đống đá, cát ở rìa đường để đi song song với dòng xe tải. Chỉ cần yếu tay lái hoặc vấp đá cục là người đi xe máy có thể ngã lăn ra đường! Thường xuyên đi qua đoạn đường này, anh Nguyễn Văn Hùng, nhà ở quận 7, cho biết đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn tại đây do việc ô tô, xe tải và container lách “ổ voi”, ép xe máy.

Hư hỏng nghiêm trọng nhất là những đoạn đường dẫn vào và trên mặt các cầu Kỳ Hà 1, Kỳ Hà 4, Kỳ Hà 2 và các vị trí cho xe quay đầu. Tại các nơi này, mặt đường bị băm nát với lởm chởm đất đá, hàng loạt “ổ voi”, “ổ gà” vừa to vừa sâu. Cụ thể, tại điểm nối giữa đường dẫn vào đầu cầu Kỳ Hà 1 và Kỳ Hà 4 là các hố lún, lở sâu 20-30 cm, rộng 3-4 m và chiếm gần hết chiều ngang mặt đường. Do tình trạng trên, cuối năm 2010, ngay đầu cầu Kỳ Hà 2 đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm chết một phụ nữ. Nạn nhân được chồng chở trên xe máy, khi đến chân cầu Kỳ Hà 2 thì bị container từ sau tránh “ổ voi”, ép đường. Người chồng luống cuống phanh gấp, khi hạ chân xuống nền đường lổn nhổn cát sỏi thì bị trượt nên cả người và xe ngã ra đường. Chỉ có người chồng kịp nhảy thoát ra ngoài… “Sau tai nạn, người ta có dặm vá sơ sơ cái hố “tử thần” ấy nhưng chỉ được vài bữa, các dòng xe lại đào xoáy lên như cũ để tiếp tục “bẫy” người đi đường!” - ông Đặng Huỳnh, nhà ở bến phà Cát Lái, bức xúc.

Đường lên cầu Phú Mỹ bị “bỏ rơi” ảnh 1

Những điểm hư hỏng nặng trên đoạn đường dẫn lên cầu Phú Mỹ. Ảnh: LĐ

Hết thời hạn bảo hành?

Chủ đầu tư của công trình là Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ - PMC. Chỉ hai tháng sau khi đưa vào tạm khai thác, đoạn đường dẫn trên đã bị lún, nứt. Những ngày đầu, PMC đã chủ động, tích cực yêu cầu nhà thầu How Yu khắc phục, sửa chữa những chỗ hư hỏng nhưng nhà thầu cũng chỉ làm theo kiểu hư đâu sửa đó. Trong khi đó, tình trạng lún đường, nứt cầu ngày càng trầm trọng hơn.

Cuối năm 2010, PMC báo cáo các sở, ngành đoạn đường bị lún nhanh, hư nhiều vì mật độ xe vào lúc cao điểm, tổng lượng xe trong ngày và tải trọng của nhiều loại xe lớn hơn tính toán của nhà thiết kế. Các sở, ngành chia sẻ với PMC vấn đề này nhưng giữ quan điểm: khi đoạn đường này chưa bàn giao cho đơn vị có chức năng của TP, vẫn do PMC làm chủ đầu tư, quản lý và khai thác thì PMC phải có trách nhiệm duy tu, sửa chữa thường xuyên để bảo đảm an toàn giao thông cho người, xe qua lại. Nhưng phía PMC cho rằng TP đã nhìn nhận thực tế xe tăng, đường hư nhanh thì phải cho thời gian thiết kế lại, tổ chức thi công tăng cường sức chịu tải của mặt đường và tài chính…

Mới đây, TS Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc PMC, ký văn bản gửi UBND TP đề nghị: TP gấp rút giúp cho công ty tạm ứng 250 tỉ đồng để thanh toán lãi và vốn vay từ Ngân hàng Sacombank, đồng thời thi công khối lượng còn dang dở của tiểu dự án 5,5 km đường vành đai phía đông. Việc không có nguồn tạm ứng trên dẫn đến chậm thanh toán khoản vay sẽ khiến PMC lâm vào tình trạng nợ xấu, công ty không còn khả năng huy động vốn để thực hiện các dự án khác và dẫn đến phá sản. PMC cũng cho rằng đoạn đường dẫn đã được đưa vào sử dụng từ tháng 3-2010 và đến nay đã hết thời hạn bảo hành (12 tháng).

Theo một vị lãnh đạo Sở GTVT, cách hiểu như trên của PMC là không đúng với quy định hiện hành. Bởi thời điểm PMC nghiệm thu và đưa đoạn đường vào sử dụng là việc của PMC, khác hoàn toàn với thời điểm bàn giao đoạn đường từ PMC cho TP và chỉ từ sau khi bàn giao mới tính là thời điểm bắt đầu bảo hành. Việc TP chấp thuận cho thông xe, sử dụng tạm đoạn đường là nhằm giúp PMC sớm có tiền thu phí và giúp TP giải tỏa bớt ách tắc từ cảng Cát Lái vào - ra nội đô để đi - về miền Tây. “Đến nay, giữa TP và PMC chưa chính thức bàn giao đoạn đường này nên việc duy tu, sửa chữa vẫn là trách nhiệm của PMC” - vị này khẳng định.

Trung tá Đặng Minh Hiếu, Đội trưởng Đội CSGT Nam Sài Gòn, nói thêm: Thời gian qua, đội đã nhiều lần đề nghị PMC và nhà thầu thi công tích cực duy tu, sửa chữa đoạn đường bị hư hỏng. Nhưng câu trả lời từ phía nhà thầu là không thể làm vì vốn đã hết!

Cần nhắc lại, đầu năm 2011, TP đã xuất tiền tạm thanh toán 700 tỉ đồng để PMC trả nợ ngân hàng và các đơn vị thi công đoạn đường dẫn. Liệu lần này, TP có tiếp tục giúp PMC?

Nhiều ngày qua, cầu Kỳ Hà 4 và phần đường hai đầu cầu, theo hướng từ quận 7 qua quận 2 được đóng lại để sửa chữa. Các dòng xe phải rẽ sang vị trí quay đầu xe để đi ngược chiều trên phần đường phía bên tay trái. Do đó, mật độ xe các loại trên đoạn ngắn này rất lớn. Trong khi đó, các “ổ voi”, hố “tử thần” lại không được lấp, vá thường xuyên nên càng vỡ toác gây khó khăn, nguy hiểm cho các dòng xe, người đi lại.

Anh LƯƠNG HOÀNG XẾ, lái xe Hợp tác xã số 9

Khi lưu thông qua cầu Phú Mỹ, chúng tôi đều đóng phí giao thông không thiếu một đồng. Vậy mà khi đường hư hỏng nặng kéo dài lại không thấy đơn vị nào đứng ra sửa chữa. Thử hỏi như vậy có công bằng không?

Anh THÁI VĂN LUẬT, lái xe Hợp tác xã Hiệp Phát

Đường đã bị hư hỏng suốt thời gian dài, nếu PMC không khắc phục thì đề nghị các cơ quan chức năng “buộc” PMC tạm ngưng thu phí qua cầu Phú Mỹ!

Ông THÁI VĂN CHUNG, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP (trong một lần trả lời báo giới)

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm