Đổi mới: Thành tựu và những sức ép

“So với thời kỳ trước đổi mới, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện” - PGS-TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Kinh tế và Quản lý TP.HCM, nhấn mạnh như thế về những thành tựu 30 năm đổi mới.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

. Phóng viên: Đâu là dấu ấn 30 năm đổi mới của đất nước, thưa ông?

+ PGS-TS Phương Ngọc Thạch (ảnh): Tôi cho rằng dấu ấn rõ nét nhất là Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình (năm 2015 GDP bình quân đạt 2.300 USD), kinh tế có phát triển. Kế đến là cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ, xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội.

Đặc biệt, đời sống của người dân từ đói nghèo đã thoát đói, giảm nghèo; diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, tạo ra động lực phát triển cho tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

. Ông đánh giá thế nào về giá trị của 30 năm đổi mới?

+ Tôi cho rằng giá trị lớn nhất của 30 năm đổi mới là Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định được vai trò lãnh đạo đất nước, khẳng định học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng từ lý luận đến thực tiễn.

Giá trị của 30 năm đổi mới còn khẳng định sự tồn tại của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời khẳng định vai trò định hướng phát triển nền kinh tế của doanh nghiệp nhà nước (DNNN)…

Mặt khác, chúng ta cũng nhìn thấy được nhiều sức ép lớn cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Dấu ấn 30 năm đổi mới của đất nước. Ảnh: TUỆ NAM

Bốn sức ép lớn

. Sức ép đó là gì, thưa ông?

+ Tôi cho rằng sức ép lớn nhất chính là nợ công ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Nợ công Việt Nam hiện nay đã đến ngưỡng mất an toàn, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chúng ta hãy nhìn sang Nhật, theo công bố của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, Nhật là nước đứng đầu trong danh sách quốc gia có tổng nợ nhiều nhất thế giới nhưng vẫn an toàn. Khi phân tích nợ công của Nhật đã cho thấy có sự khác biệt khá lớn giữa nợ công của nước này với nợ công của nhiều nước, thể hiện ở chỗ 95% trái phiếu chính phủ của Nhật do người dân nước này nắm giữ, trong khi nợ chính phủ của nhiều nước do nước ngoài nắm giữ. Nói điều này để thấy rằng giải quyết nợ công cần sự đồng lòng của người dân. Chính phủ cũng phải có những kế hoạch cụ thể để khuyến khích DN đầu tư, tạo việc làm, hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp.

Sức ép thứ hai ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam là tham nhũng và lãng phí. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp để “tiêu diệt” tham nhũng và lãng phí nhưng rõ ràng mục tiêu đề ra đã không đạt được. Một khi đất nước còn nạn tham nhũng và lãng phí thì sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.

Sức ép thứ ba là sự công bằng và an sinh xã hội. Hiện nay còn tình trạng khá phổ biến là người đáng được hưởng thì không được hưởng còn người không đáng được hưởng lại được hưởng, việc này tác động lớn đến đạo đức, văn hóa và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Thứ tư là sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta đang nằm trong những nước kém phát triển, kể cả trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn ở trong nhóm bốn nước kém phát triển nhất gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar.

Bốn sức ép đó đòi hỏi những người lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ mới phải có bản lĩnh và thật sự tâm huyết để chèo lái đất nước vượt qua khó khăn và thách thức.

Đảm bảo công bằng, an sinh xã hội

. Các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước đã nhận định rằng nền kinh tế đang có một số điểm nghẽn. Chúng ta phải tháo gỡ những điểm nghẽn này như thế nào, thưa ông?

+ Tôi muốn nói đến hai yếu tố là thể chế và nguồn nhân lực. Thế giới có nhiều mô hình kinh tế khác nhau như mô hình kinh tế thị trường tự do của Mỹ, nền kinh tế thị trường xã hội của Đức và Thụy Điển, nền kinh tế thị trường kế hoạch của Nhật, nền kinh tế thị trường tập trung của Trung Quốc và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chúng ta đã chọn nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm bảo đảm dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Về nguồn nhân lực, chúng ta phải cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương và đãi ngộ theo hướng chú trọng chất lượng của giá trị chuyên môn, của sáng tạo chứ không phải chỉ theo chức vụ, làm mất sự công bằng, triệt tiêu giá trị sáng tạo và cống hiến.

. Vậy thưa ông, giải pháp nào để đất nước phát triển nhanh và bền vững?

+ Thứ nhất phải tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng phát triển nông nghiệp, gắn với quốc phòng.

Tiếp nữa, chúng ta cũng phải chủ động hội nhập sâu và rộng, đồng thời phải đảm bảo công bằng và an sinh xã hội... 

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm