Đổi màu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Theo mẫu phân tích do Xí nghiệp Trạm bơm nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị) công bố ngày 3-4, chất lượng nước trên tuyến kênh này đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, dòng kênh này vẫn chưa trong xanh như mong đợi.

Ô nhiễm giảm, tảo gia tăng

Ông Nguyễn Hữu Long Giao, Giám đốc Xí nghiệp Trạm bơm nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho hay: Theo kết quả phân tích, khi nước thải vẫn còn đổ vào kênh thì nhiều chỉ tiêu về chất rắn lơ lửng, độ pH, oxy trong nước… của các mẫu nước lấy ở đoạn hợp lưu giữa đường Lê Bình - Út Tịch (thượng nguồn) và đoạn giữa kênh thường vượt quá chỉ tiêu theo tiêu chuẩn loại B. Nhưng sau khi toàn bộ lượng nước thải trên lưu vực được thu gom, dẫn về trạm bơm thì các chỉ tiêu trên đã giảm đáng kể.

Đổi màu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ảnh 1

Người dân TP.HCM đang trông chờ tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ xanh, sạch và không còn những hình ảnh như thế này. Ảnh: MP

“Không những lúc triều cường cao, nước từ sông Sài Gòn chảy vào, pha loãng nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà khi triều thấp, nhiều chỉ tiêu cũng đã thay đổi theo hướng tích cực. Tuy vậy, nước kênh này hiện vẫn đang bị ô nhiễm amoni (NH4+) do chỉ tiêu này nhiều lúc vẫn còn cao hơn cột B” - ông Giao nói.

Liên quan đến tình trạng nước xanh như pha màu (xảy ra trước tết Nguyên đán) và chuyển sang đen như mực (hiện đang xảy ra, nhất là đoạn từ cầu đoạn thượng nguồn đến cầu đường sắt), ông Giao vẫn nghi ngờ nhiều khả năng do tảo gây ra. GS-TSKH Lê Huy Bá đồng tình với nhận định trên. Ông Bá cho rằng mức độ ô nhiễm trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được cải thiện và hiện tượng phú dưỡng hóa đã xảy ra khiến tảo phát triển. Theo chu kỳ phát triển tự nhiên, ban đầu tảo phát triển sẽ làm nước trong, xanh nhưng khi tảo chết nước sẽ đen như mực.

Bơm, rút làm trong nước kênh

GS Bá cũng cho rằng hiện tượng nước xanh - đen sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi nước trong kênh bớt ô nhiễm. Nhưng điều nhiều người dân TP.HCM quan tâm là khi nào nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ trong xanh. Ông Giao cho rằng điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi phú dưỡng hóa là một hiện tượng tự nhiên, có thể can thiệp bằng việc sử dụng hóa chất hoặc thả lục bình… nhưng sẽ gây ra những hệ lụy không tốt về môi trường. Do vậy, hiện xí nghiệp vẫn cố gắng thau rửa, thu gom lượng nước nằm ở đáy kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Theo ông Giao, TP.HCM bị ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều (một ngày có hai lần triều lên và hai lần triều xuống). Nhưng tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè quá dài nên khi triều xuống, nước trong kênh đoạn từ cầu Công Lý đến thượng nguồn chưa kịp chảy ra sông Sài Gòn đã gặp pha triều khác dâng lên, đẩy ngược trở vào kênh. Điều này là nguyên nhân tạo ra một đoạn kênh “chết”, từ cầu Công Lý đến đoạn hợp lưu giữa Lê Bình - Út Tịch.

Để làm đổi màu nước của đoạn kênh “chết” trên, xí nghiệp trạm bơm nước thải đã lắp đặt hai cửa thu gom nước với kích cỡ 1,5 x 1,5 m dưới đáy kênh để thu nước ở đoạn bị tù. Khi đó, nước sông Sài Gòn sẽ tự bù vào làm giảm dần ô nhiễm. Nhưng hiện còn khoảng bốn điểm nước thải vẫn còn đổ trực tiếp vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Theo ông Nguyễn Hữu Long Giao, việc bít các vị trí xả thải trên đang được xí nghiệp khẩn trương xử lý.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm