Đã nghe đã thấy: Không chỉ bằng tiền có ĐH Y, không chỉ với tiền ra bằng BS

Cạnh đó là hệ thống đào tạo chín năm mới có thể làm bác sĩ đa khoa. 11 năm mới ra chuyên khoa. Phương tiện đầy đủ, điều kiện thực tập “như mơ”.

Họ theo hệ thống viện-trường, mỗi đại học (ĐH) y khoa có nhiều bệnh viện (BV) chuyên khoa đi kèm.

ĐH y tư cũng có khá nhiều mô hình nhưng chuẩn chất đâu ra đó và phi lợi nhuận, có bề dày nghiên cứu, thực hành, đào tạo cả trăm năm. Chẳng hạn ĐH Stanford (Mỹ), họ có quỹ tài trợ của các tỉ phú (đặc sản Mỹ trong đào tạo ĐH), có cả Foundation làm chỗ dựa.

Còn mô hình cử tuyển (đặc sản Việt) đã không giống ai, nay lại thêm trường kinh doanh mở khoa y lấy đầu vào với điểm số 20 mà được coi là “được rồi”!

BS Dương Quang Trung theo dõi một ca nội soi.

Tôi muốn nói thêm về vai trò y sĩ đoàn ở các nước phát triển: Họ là tổ chức duy trì và củng cố chuẩn chất nghề nghiệp trước công chúng và xã hội. Anh đào tạo cứ làm việc của anh, còn chuyện được tổ chức y sĩ đoàn công nhận để hành nghề không lại là vấn đề khác.

Đa dạng hóa loại hình đào tạo trong một bối cảnh giám sát xã hội-nghề nghiệp chặt chẽ, minh bạch như thế mới đúng là đa dạng hóa.

Còn, thiếu những điều kiện giám sát độc lập, khách quan như thế mà lo đa dạng hóa thì rất... rất dễ đi đến kết quả tiền tệ hóa. Và như thế thì hệ quả sẽ là: Có tiền, không cần giỏi, cứ tìm đến loại trường y chỉ cần chi tiền cũng trở thành bác sĩ, vài năm sau kiếm chỗ nào đào tạo chuyên khoa dễ dãi vào để... rửa nguồn gốc bằng cấp. Vậy là xong!!!

BS Đào Yến Phi trong một comment trên Facebook nói: “Phải thẩm tra về khả năng đào tạo trước khi cấp phép, đằng này các bác toàn cấp phép trước rồi chắp vá tiêu chuẩn sau! Buồn cho đào tạo y khoa quá! Ảnh hưởng nghiêm trọng lắm!”.

Hơn 10 năm trước, TS-VS Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP.HCM, nói với tôi: Thành lập một ĐH y không khó, khó nhất là cơ sở thực tập. Không thể vay mượn, nhờ vả.
Và để chuẩn bị cho một ĐH y của TP.HCM, ngay từ thời mới lên làm giám đốc Sở, ông đã tham mưu cho Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt lần lượt cho ra đời hàng loạt trung tâm chuyên khoa: Tai mũi họng, răng hàm mặt, chấn thương chỉnh hình, mắt, ung bướu... bên cạnh các BV có sẵn ở TP như Bình Dân, Từ Dũ, Nguyễn Văn Học (Nhân dân), Nhi đồng... Xin Hiệp hội Carpentier giúp tặng Viện Tim.
Bước chuẩn bị này lúc đó còn có tác dụng tức thì là tập hợp được đội ngũ y, bác sĩ tài năng từ nhiều nguồn đào tạo chất lượng cùng cộng lực với đội ngũ bác sĩ từ chiến khu và chi viện của miền Bắc. Nhờ tầm nhìn xa và cách làm đúng đắn đó mà chúng ta có một hệ thống BV chuyên khoa hôm nay làm bệ đỡ cho ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, cung cấp nguồn chăm sóc sức khỏe không chỉ cho nhân dân TP.HCM mà cả miền Nam. Và từ đội ngũ đó, một tập thể cán bộ giảng dạy giàu kinh nghiệm được hình thành và bổ sung theo năm tháng, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch cũng như các ĐH y lớn của cả nước có một lực lượng giảng dạy cơ hữu vững vàng.

Xem lời trình bày của người xin lập khoa y trong Trường Kinh doanh và Công nghệ các báo đăng tải hôm nay. Cái nổi bật là: “Chúng tôi đã đầu tư 80 tỉ đồng cho cơ sở vật chất”. Còn cái thiếu là: Lực lượng giảng dạy cơ hữu còn rất khiêm tốn, cơ sở thực tập thì hợp đồng, điểm tuyển sinh đầu vào thì “được rồi” trong khi theo đa số chuyên gia và kinh nghiệm đào tạo bác sĩ của nhiều nước trên thế giới thì như thế là không được rồi.

Sinh mạng và sức khỏe của cộng đồng đâu thể đem ra thí nghiệm! Phải xem xét nữa, thật thấu đáo.

Không đơn giản chỉ bằng tiền là có ĐH y và chỉ có tiền là có bằng bác sĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm