Chủ rừng Sông Lũy vào cuộc

Ngày 8-7, một nguồn tin cho biết sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin về nạn phá rừng vẫn tiếp diễn ở Sông Lũy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy (BQL rừng Sông Lũy) đã đến tiểu khu 70 đánh dấu, kiểm đếm cây rừng bị triệt hạ.

Đây là một trong ba điểm phá rừng mới được PV vừa ghi nhận và thông tin đến các cơ quan chức năng của Bình Thuận.

Khởi tố ba vụ phá rừng

Ngày 6-7, PV cung cấp thông tin cho ông Lục Minh Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận, tại rừng phòng hộ Sông Lũy có thêm ba điểm phá rừng mới. Ông Hiếu cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra và xử lý.

Trước đó, ông Hiếu cũng cho biết kiểm lâm đã khởi tố ba vụ phá rừng mà Pháp Luật TP.HCM phát hiện, phản ảnh. Đó là các vụ triệt phá rừng xảy ra tại Sông Dú và đỉnh Sa Mai (thuộc hai tiểu khu 73A, 79), tại dốc Ho Lao (tiểu khu 70) và tại tiểu khu 73A. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình cũng chuyển sang cơ quan điều tra và tổ chức giám định thiệt hại trong bốn vụ phá rừng khác với trữ lượng gỗ bị thiệt hại lên đến hàng trăm m3 gỗ quý. Cả bảy địa điểm rừng bị triệt hạ này đều nằm trong phạm vi quản lý của BQL rừng Sông Lũy.

Riêng tại đỉnh Sa Mai (cao gần 1.000 m so với mực nước biển), lâm tặc từ Đức Trọng (Lâm Đồng) đã đưa hàng chục người với máy cưa vào rừng. Họ lập lán trại, tổ chức cưa xẻ gỗ tại chỗ và mở cả một nhánh đường rừng để chở gỗ đi. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, từ khi bảy điểm phá rừng trên được phát hiện Sở đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng huy động lực lượng kiểm lâm đến khu vực rừng giáp ranh. Ngoài ra Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận cũng cử lực lượng kiểm lâm cơ động đến lập chốt tại hiện trường. Do đó tình trạng triệt phá ở rừng phòng hộ Sông Lũy đã tạm thời yên ắng.

Lâm tặc chở máy cưa vào và chở gỗ ra khỏi rừng mà không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng (ảnh trái). Hiện trường vụ phá rừng dầu tại tiểu khu 70. Ảnh: PN

“Chạm” mặt lâm tặc

Cuối tháng 6-2015, PV trở lại đỉnh Sa Mai nơi rừng dầu, rừng bằng lăng dày thẳng tắp. K’Mang - người thanh niên dân tộc K’ho và T. tự nguyện dẫn đường.

Phương tiện đưa chúng tôi vào rừng là hai chiếc xe máy cũ đã tháo yên, bửng, bình xăng và được hàn thêm khung sắt vào thân xe, cải tạo phuộc nhún. T. đổ đầy xăng vào hai can nhựa treo lủng lẳng lên cổ xe vào rừng. Lúc này vào mùa mưa nên chúng tôi trang bị thêm đôi ủng phòng vắt bám. Chúng tôi không theo đường vượt dốc lên đỉnh Sa Mai nên đường đi tương đối thuận lợi. Tuy vậy, dù không dưới năm lần người ngồi sau phải nhảy xuống phụ đẩy xe qua những bãi sình lầy do xe chở gỗ của lâm tặc chở gỗ tạo ra.

Trên đường, chúng tôi bất ngờ chạm mặt một lâm tặc còn khá trẻ cũng đi xe máy “độ”, treo đến hai bình xăng lủng lẳng. Trên xe người này còn chở theo một máy cưa cầm tay. Người này không ngần ngại hỏi xin chúng tôi nước uống và cho biết mang máy cưa vào tiếp ứng cho một nhóm lâm tặc đang hoạt động trên đỉnh Sa Mai.

Theo K’Mang, nhóm lâm tặc này có gần 20 người. Họ thuộc rừng như lòng bàn tay và chuyên cưa hạ những cây có đường kính lớn từ 1 m trở lên.

Cây rừng phơi gốc

Băng qua Cà Loan, K’Mang đưa chúng tôi đến tiếp cận khu rừng dầu ở khu vực sông năm, sông sáu thuộc tiểu khu 70. Tại đây có không dưới 30 cây dầu có đường kính từ 60 đến 80 cm chỉ còn trơ gốc. Phần thân gỗ lâm tặc đã cưa xẻ tại chỗ và vận chuyển đi, hiện trường chỉ còn mạt cưa và ván bìa. Cách khu rừng dầu không xa nằm thuộc tiểu khu 72 có gần 30 cây sắn ổi to trơ gốc. Chúng tôi chia nhau ra đo thì đường kính gốc cây nhỏ nhất cũng là 80 cm và cây lớn có đường kính cả mét.

Tại tiểu khu 71 nằm là nơi tài nguyên rừng bị thiệt hại nặng nhất khi có không dưới 100 gốc bằng lăng, căm liên đường kính từ 50 đến 60 cm đã bị triệt hạ. Gỗ thành phẩm đều đã bị lâm tặc tẩu tán, chỉ còn cành, ngọn cây vương vãi khắp nơi.

Theo K’Mang, căn cứ vào cành ngọn, nhựa cây ứa ra từ gốc còn lại hiện trường thì cả ba điểm phá rừng này mới bị triệt hạ khoảng vài chục ngày nay. Theo quan sát và kinh nghiệm của chúng tôi, toàn bộ gốc cây ở ba tiểu khu nói trên đều chưa được đánh dấu, tức là chủ rừng vẫn chưa hay biết các vụ phá rừng này.

Chiều, trên đường quay trở về Phan Sơn (Bắc Bình) khi đến khu vực rừng le, chúng tôi còn phát hiện một xe cải tiến chở đầy gỗ đậu cạnh đường mòn. Lái xe không có trên xe nhưng máy thì nóng bỏng. T. khẳng định lái xe nghe tiếng xe máy của chúng tôi từ trong rừng ra tưởng kiểm lâm nên tạm lánh mặt. Nói rồi T. giục cả nhóm nhanh chóng đi tiếp. Tuy nhiên, mới ra tới cửa rừng, chúng tôi lại gặp tiếp một chiếc xe bò đôi đang chở bảy lóng gỗ tròn đã lột vỏ to dài khoảng 3,5 đến 5 m. Số gỗ quá nặng làm cong cả nhíp xe và hai con bò phải cất bước khó nhọc dưới làn roi lia lịa từ tay hai lâm tặc.

Gỗ to được bán như củi cong

Theo một nguồn tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đang lấy lời khai một số cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng để làm rõ gần 100 lóng gỗ tròn tập kết tại Trạm bảo vệ rừng Phan Sơn (thuộc BQL rừng Sông Lũy). Số gỗ này đã bị Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình bắt giữ và gửi tại đây.

Trước đó, đầu năm 2015, BQL rừng Sông Lũy thông báo việc cho một đơn vị ở huyện Bắc Bình được thu gom củi khô làm chất đốt. Theo đó, các cây gãy nằm dưới đất có hình dạng cong queo, sam bọng không tận dụng làm gỗ được và không được thuê mướn bên ngoài sẽ được thu gom. Nhưng thực tế, người đứng gom là một ông “trùm” gỗ và cái gọi là củi khô lại khá lớn, mặt cắt vẫn còn tươi rói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm