Chống oan, sai: Phải có luật sư từ đầu!

Hôm nay (5-6), Quốc hội (QH) sẽ thảo luận về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã ký báo cáo kết quả giám sát về “tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” (thời gian từ ngày 1-10-2011 đến 30-9-2014).

Thẩm phán Bùi Thanh Thảo, Chánh án TAND huyện Chơn Thành, Bình Phước, công khai xin lỗi bà Ước năm 2009 vì đã kết án oan. Ảnh: T.GIANG

Có luật sư, ghi âm, ghi hình

Bản báo cáo trên có những nội dung đáng chú ý: Trong ba năm đã có 71 vụ án oan, chiếm tỉ lệ 0,02% trên tổng số vụ đã khởi tố, điều tra (219.506 vụ). Các địa phương để xảy ra nhiều án oan là Sóc Trăng (bảy người), Khánh Hòa (sáu người), Đắk Lắk (bốn người), Bình Phước (ba người)… VKS các cấp đã hủy bỏ 240 quyết định khởi tố vụ án, hủy bỏ 795 quyết định khởi tố bị can. Bức cung, dùng nhục hình còn xảy ra và trong một số trường hợp chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai. Đáng chú ý, đã xảy ra một số vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc dư luận...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang kỳ họp, đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Sơn (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH) nhận xét để giảm án oan, chống bức cung, nhục hình thì nhất thiết phải cho luật sư tham gia ngay từ đầu.

“Vừa rồi QH thảo luận, có nói đến vấn đề bức cung, nhục hình và đề nghị đưa ra nhiều quy định mới. Tôi rất ủng hộ việc có sự tham gia của luật sư ngay từ lúc bắt đầu quá trình điều tra, truy tố, xét xử để đảm bảo cho người bị bắt có quyền được bảo vệ. Khi có luật sư tham gia vào thì những chuyện bức cung, dùng nhục hình sẽ được hạn chế ngay” - ông Sơn khẳng định.

Theo báo cáo của UBTVQH, qua giám sát cho thấy nhiều trường hợp khi ra tòa, bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt thì mới được phát hiện. Ông Sơn nhận xét: “Đúng là những vụ bức cung, nhục hình được xác định không nhiều nhưng chúng ta lại luôn có cảm giác là nó nhiều. Có lẽ báo cáo chưa phản ánh hết thực tế”. Từ đó, theo ông Sơn, ngoài việc có luật sư ngay từ đầu thì cũng cần phải ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung người bị tình nghi phạm tội: “Làm như vậy chắc chắn sẽ hạn chế việc dùng nhục hình, mớm cung, ép cung của điều tra viên. Đây cũng là điều rất quan trọng để giảm án oan”.

Tranh tụng trong tất cả quá trình tố tụng

Kết quả giám sát cho thấy cơ quan điều tra quá tin vào lời nhận tội của bị can; chưa chú trọng phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ khác ngay từ đầu (lấy lời khai người làm chứng, nhận dạng, đối chất...) nên khi bị can phản cung hoặc bị hại thay đổi lời khai thì lúng túng, quá trình điều tra lại gặp nhiều khó khăn. Hồ sơ vụ án thể hiện nhiều thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số vụ oan, sai nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)...

Về tình hình cơ quan điều tra “trọng cung hơn trọng chứng” này, ĐB Trần Văn Độ (đoàn An Giang, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) cho rằng vật chứng, tài liệu, lời khai… tất cả đều là chứng cứ cả. “Đã thế thì không thể coi trọng cái này, bỏ qua cái kia mà chúng ta phải xem xét như nhau” - ông Độ nói.

Cũng theo ông Độ, xưa nay chúng ta vẫn quan tâm tới hồ sơ nhiều hơn là kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa và vì thế có thể dẫn đến oan, sai. “Hiến pháp 2013 ghi nhận tranh tụng sẽ là khâu đột phá. Đã tranh tụng thì không phải chỉ tại phiên tòa mà tranh tụng trong tất cả quá trình tố tụng. Muốn có sự khách quan thì phải có sự tranh luận giữa hai bên, một bên buộc tội và một bên gỡ tội. Có sự cọ xát giữa hai quan điểm thì tòa án mới xác định được sự thật xảy ra như thế nào” - ông Độ khẳng định.

Tình hình oan, sai rất đáng lo ngại!

Nếu căn cứ vào kết quả giám sát của UBTVQH thì chỉ có 71 trường hợp bị oan trong ba năm, chiếm tỉ lệ 0,02%. Nếu tỉ lệ này phản ảnh đúng thực trạng làm oan người vô tội thì đây là một tín hiệu đáng mừng vì so với các năm trước, án oan đã giảm rất nhiều.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đây mới chỉ là số liệu mà các cơ quan tố tụng báo cáo và kết quả giám sát của các đoàn giám sát, còn thực trạng oan sai có đúng như vậy không thì dư luận chưa yên tâm. Bởi thực tế có nhiều trường hợp có dấu hiệu oan rõ ràng nhưng các cơ quan tố tụng vẫn không thừa nhận. Tuy mới giám sát một số địa phương nhưng nhìn chung không có địa phương nào mà không có án oan. Nếu QH và các đoàn giám sát “tổng công kích” cả 63 tỉnh, thành thì số người bị oan chắc không dừng lại ở đó. Điều này cho thấy tình hình oan, sai là rất đáng lo ngại.

Kết quả giám sát cho thấy chất lượng điều tra của cơ quan điều tra có nhiều vấn đề phải chấn chỉnh, không chỉ do trình độ mà đó còn là tinh thần trách nhiệm đối với quyền công dân, quyền con người. Ai cũng biết hậu quả của việc bắt giam, truy tố, xét xử oan một con người không chỉ gây đau thương cho một cá nhân, một gia đình mà nó còn là niềm tin vào công lý của toàn xã hội đối với chế độ.

Đi tìm nguyên nhân dẫn đến việc làm oan một con người thì có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân khách quan nhưng dư luận cho rằng hình như những người tiến hành tố tụng “bảo thủ, không biết hổ thẹn trước việc làm của mình, chỉ vì bệnh thành tích, sợ trách nhiệm”.

Để hạn chế án oan, tôi nghĩ một trong những biện pháp cơ bản là phải đổi mới hoạt động tố tụng của các cơ quan tố tụng cả về tổ chức và con người; xây dựng một đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tố tụng “vừa hồng vừa chuyên”, dũng cảm, chống bệnh thành tích, dám chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Cạnh đó, cũng cần xây dựng đội ngũ luật sư có trình độ, có tâm, có đức, dám đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Các nhà làm luật cần nghiên cứu sửa BLTTHS theo hướng quy định “quyền im lặng” của bị can, bị cáo là nguyên tắc tố tụng hình sự; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong mọi giai đoạn tố tụng; thực hiện bằng được nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa… Đặc biệt, khi đã làm oan một người thì kịp thời chủ động tổ chức xin lỗi, bồi thường thiệt hại...

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm