Xóa xin cho, “hành chính hóa”

Hôm qua (10-1), hội thảo “Cải cách thể chế và vai trò của cơ quan lập pháp” tiếp tục làm việc. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến xoay quanh tác động của cải cách thể chế với môi trường kinh doanh.

Theo PGS-TS Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, hai nhân tố để cải cách thể chế thành công là hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đội ngũ cán bộ, bộ máy quản lý nhà nước thực sự vì dân. Nhưng cả hai nhân tố này hiện chưa đạt yêu cầu. Vì vậy cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, tiếp tục giảm mạnh cơ chế xin cho, loại bỏ những quy định can thiệp hành chính không cần thiết đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Trao đổi với Pháp luật TP.HCM bên lề hội thảo, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: “Chỉ một thay đổi tích cực nhỏ trong các quy định pháp luật cũng có tác động lớn đến môi trường kinh doanh. Nhưng có những khiếm khuyết nhỏ, những trì trệ trong cải cách thể chế cũng khiến môi trường kinh doanh không được cải thiện và xấu đi”.

Nghị định 07 của Chính phủ năm 1997 về thi hành luật khuyến khích đầu tư trong nước là một đổi mới tích cực, giúp doanh nghiệp trong nước hoạt động. Vì trước đó, chúng ta ban hành Luật Đầu tư nước ngoài trước khi có luật cho doanh nghiệp trong nước, đã tạo độ vênh quá xa cho hoạt động giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hay như Nghị định 57 của Chính phủ năm 1998 mở rộng quyền kinh doanh xuất khẩu cho doanh nghiệp khu vực tư nhân, bỏ nhiều quy định cứng về vốn, nhân sự, vật tư trong gia công, cho phép các nhà sản xuất trực tiếp xuất khẩu. Nhờ vậy, hoạt động xuất khẩu phát triển mạnh, góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế.

Một trong những cải cách thể chế có tác động mạnh đến môi trường kinh doanh là việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận và công bố bảo vệ quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản của doanh nghiệp và công dân. Trên tinh thần này, Luật Doanh nghiệp được ra đời năm 1999 và hàng loạt luật khác về thuế, thương mại... đã hỗ trợ cho doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân để có thể hoạt động trong xã hội.

Tuy nhiên, cũng có những quy định tác động không tốt đến môi trường kinh doanh. Luật Đất đai năm 1993 là một ví dụ. Luật này thiếu minh bạch và văn bản hướng dẫn thi hành không tạo đủ năm quyền cơ bản về sử dụng đất, làm thị trường tắc nghẽn, mất cơ hội phát triển nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp bị sụp đổ. Hay như các quy định về doanh nghiệp nhà nước sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều sơ hở, không triệt để. Điều này gây lãng phí, mất mát tài sản công và cản trở khu vực kinh tế tư nhân, hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.

Theo bà Lan, có ba nút cổ chai khiến các doanh nghiệp lo sợ: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính. Để đầu tư và hoạt động, có được mặt bằng xây dựng cơ sở vật chất là cả một vấn đề. Nhưng đất đâu có sẵn để thực hiện. Nhà đầu tư phải có giấy phép thì mới tiếp cận được đất. Hiện các chính sách về đất đai của chúng ta rất phức tạp nên việc đầu tư sẽ bị kéo dài. Hệ thống thủ tục hành chính hiện cũng không đơn giản. Đâu chỉ cấp phép đầu tư là xong mà muốn hoạt động phải trải qua bao nhiêu là giấy phép khác.

Vì vậy, việc cải cách thể chế để cải thiện môi trường kinh doanh là công việc quan trọng hàng đầu. Nó quyết định sự cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam với các nước. Chỉ cần những thay đổi nhỏ tích cực của thể chế cũng làm chuyển biến rất lớn đến môi trường kinh doanh.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm