Vốn cho KH&CN: Quá tù mù

Ngày 25-4, phiên họp toàn thể thứ năm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội (QH) diễn ra tại TP Đà Nẵng. Nội dung phiên họp xoay quanh tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách KH, CN và bảo vệ môi trường năm 2012 và tình hình triển khai những tháng đầu năm 2013.

Chi chưa đúng mục đích

Ông Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ KH&CN, cho biết năm 2012 cả nước có hơn 580 tổ chức KH&CN công lập, trong số đó hiện đã có gần 270 tổ chức được phê duyệt chuyển đổi. Cả nước còn có khoảng 4,28 triệu người có trình độ từ CĐ, ĐH trở lên. So với năm 1996, đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ đã tăng hơn 4,6 lần. Để phát triển KH&CN, năm 2012, tổng đầu tư ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này gần 13.170 tỉ đồng (tương đương 2% tổng chi ngân sách). Năm 2013, đầu tư cho KH&CN trên 14.140 tỉ đồng.

Vốn cho KH&CN: Quá tù mù ảnh 1

Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ủy ban KH, CN&MT. Ảnh: LÊ PHI

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay hằng năm Chính phủ dành 2% ngân sách để chi cho KH&CN nhưng năm nào cũng chi không hết. Còn ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm UB KH, CN&MT, cho rằng thực tế 2% ngân sách hằng năm chi cho KH&CN đang chi chưa và không đúng mục đích. Bộ KH&CN cũng không biết rõ số vốn này sử dụng như thế nào. “Hiện có tới 70% trung tâm KH&CN không thể tự chủ được nguồn vốn. Trong khi đó, vốn đầu tư cho KH&CN chưa đúng mục đích nên tiềm lực KH&CN chưa có điều kiện phát triển. Các tỉnh có đề tài khoa học nghiệm thu là xuất sắc nhưng lại không có nguồn lực để triển khai tiếp nên không ứng dụng được vào thực tế. Ngay ở cả các đề tài trung ương cũng vậy” - ông Nhân nói.

"Trồng mà không thấy quả!"

Theo các đại biểu, đang có những công trình vài ba tỉ nhưng chỉ nghiệm thu qua loa cho xong. Có tới 585 trung tâm KH, CN nhưng chưa đánh giá được các trung tâm này đã làm được bao nhiêu đề tài, bao nhiêu ứng dụng. Hiện có quá nhiều tiến sĩ, nhà khoa học được đưa đi đào tạo nhưng Nhà nước chưa gặt hái được thành quả mang lại. Bộ KH&CN phải chịu trách nhiệm trước QH về vấn đề sử dụng kinh phí chứ không thể để như hiện nay được “Đào tạo xong, liệu họ có nghiên cứu khoa học được không? Đề tài nghiên cứu như thế nào, ứng dụng được không? Cái này lại vẫn chưa được đánh giá” - một đại biểu băn khoăn.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Bộ KH&CN không được đưa các đề tài của các nhà khoa học ra đấu thầu vì như thế là vi phạm bản quyền. Nguồn nhân lực tăng 4,6 lần nhưng chưa thấy kết quả nghiên cứu, hiệu quả của đề tài KH&CN có tăng hay không. Có quá ít đề tài ứng dụng trong thực tiễn hay mang tầm thế giới. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch QH, đề nghị: “KH&CN phải xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm. Vấn đề sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, bảo vệ nòi giống… đang rất được cử tri và Nhà nước quan tâm”.

Ưu tiên năng lượng nguyên tử

Theo Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải, hiện hạ tầng pháp lý phục vụ ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an ninh hạt nhân đang được Chính phủ chú trọng tạo lập và hoàn thiện. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển KT-XH tiếp tục được triển khai.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Bắc Việt, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Cử tri Ninh Thuận rất quan tâm tới hai dự án nhà máy điện hạt nhân đang chuẩn bị triển khai. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền về an ninh hạt nhân và kế hoạch xây dựng để định hướng cho người dân yên tâm. Mặt khác, phải sớm nắm bắt các diễn biến của tình hình hạt nhân thế giới”.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm