Việt Nam - Campuchia thông đường cùng phát triển

Từ ngày 30-9 đến 5-10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính (GTCC) Campuchia tổ chức chính thức thông xe ba cặp cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh - Trapeing Phlong, tỉnh Kampong Cham; Tịnh Biên, tỉnh An Giang - Phnom Den, tỉnh Takeo và Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang - Prek Chak, tỉnh Lork Kam Pot. Như vậy, đến nay trên tuyến biên giới dài hơn 1.130 km của hai nước có bốn cặp cửa khẩu quốc tế chính thức thông xe vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Bước nhảy ngoạn mục của hai nước

Năm 1998, hai nước Việt Nam và Campuchia ký hiệp định vận tải đường bộ nhưng phải đến năm 2005, nghị định thư về thực hiện hiệp định trên mới được ký kết. Đến năm 2006, hai bên mới chỉ thông xe khách tại cặp cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh - Bavet, tỉnh Svay Rieng và đến đầu tháng 5-2009 mới thông xe tải qua cặp cửa khẩu này.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, việc liên tiếp thông cả xe khách và xe tải qua ba cặp cửa khẩu nêu trên trong tuần qua là một bước nhảy ngoạn mục. “Hơn bốn năm qua, ta và bạn chỉ thông xe khách rồi xe tải qua lại một cặp cửa khẩu Mộc Bài - Bavet. Do đó, sự phát triển kinh tế, xã hội, giao thông và vận tải của các tỉnh đông nam Campuchia và tây nam Việt Nam, cũng như của các tỉnh có biên giới chung có bị hạn chế. Nay hai nước thông cùng lúc ba cặp cửa khẩu là cột mốc lớn đánh dấu sự phát triển giao thông, vận tải của cả hai” - ông Thanh nói.

Theo Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ GTCC Campuchia, ông Tauch Chan Kosol, việc thông xe liên tiếp ba cặp cửa khẩu lần này là cơ sở để nước bạn thực hiện chiến lược tứ giác phát triển Campuchia - Việt Nam - Lào - Thái Lan. Tại các buổi thông xe cặp cửa khẩu Tịnh Biên và Hà Tiên, hai phó tỉnh trưởng Takeo và Lork Kam Pot cùng cho rằng ngoài việc giao thương hàng hóa, du lịch sẽ gia tăng trong thời gian tới. Người dân nước bạn từ các vùng sát biên giới còn có điều kiện thuận lợi qua các tỉnh An Giang và Kiên Giang hoặc các nơi khác để khám chữa bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GTVT, đến nay Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ hai ở Campuchia và bạn là bạn hàng lớn thứ 16 của ta. Với việc khai thông ba cặp cửa khẩu quốc tế mới, hai bên phấn đấu đến năm 2010 đưa kim ngạch buôn bán hai chiều đạt trên hai tỷ USD/năm.

Đà phát triển du lịch

Từ nay hàng hóa, khách du lịch từ Việt Nam vào thị trường Campuchia sẽ rút ngắn được hành trình. Ông Lê Văn Tới, Giám đốc Sapaco (thuộc Công ty Xe khách Sài Gòn - Saigon Bus), dẫn chứng xe khách liên vận và xe khách du lịch từ TP.HCM đi thẳng Siem Reap (nơi có đền Angkor Wat) qua cửa khẩu Xa Mát chỉ còn 500 km, rút ngắn được hơn 100 km nếu đi theo cửa khẩu Mộc Bài qua Phnom Penh rồi ngược lên Siem Reap.

Chuyến tải hàng hóa cuối cùng diễn ra tại cặp cửa khẩu Hà Tiên – Prek Chak lúc 9 giờ sáng 5-10. Ảnh: LĐ
Chuyến tải hàng hóa cuối cùng diễn ra tại cặp cửa khẩu Hà Tiên – Prek Chak lúc 9 giờ sáng 5-10. Ảnh: LĐ

Ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Mai Linh Express, cho biết tới đây, doanh nghiệp sẽ khảo sát mở tuyến xe khách liên vận, du lịch qua cặp cửa khẩu Xa Mát - Trapeang Phlong và Hà Tiên - Prek Chak. Ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoàng Hà, cũng khẳng định đây là điều kiện rất thuận lợi cho ngành du lịch lữ hành của cả hai nước. Vì lẽ cho đến trước ngày 5-10, khách du lịch trong và ngoài nước từ Việt Nam sang Campuchia bằng đường bộ chủ yếu qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Tại đây, trừ một số xe được cấp phép đi vào địa phận Campuchia, khách phải đi bộ qua cửa khẩu làm thủ tục và chuyển tiếp lên xe của đối tác Campuchia để tiếp tục tour nên rất bất tiện.

Đối với các tỉnh miền Tây, cơ hội cho ngành du lịch cũng đã đến. Theo ông Lê Việt Bắc, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, trước đây khách muốn đi du lịch Campuchia phải lên TP.HCM để đi các tour qua cửa khẩu Mộc Bài hoặc đi bộ qua cửa khẩu Hà Tiên - Prek Chak. “Nay bảy xe đã được cấp quota của các doanh nghiệp du lịch ở Kiên Giang đã lên các tour đi Campuchia từ Rạch Giá hoặc Hà Tiên thẳng qua cặp cửa khẩu Hà Tiên - Prek Chak, nhanh và tiện lắm!” - ông Bắc nói.

Việt Nam - Campuchia thông đường cùng phát triển ảnh 2Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam:

Sẽ sớm đồng bộ về cầu, đường

Cầu, đường ở phía Việt Nam hiện chưa có sự đồng bộ. Chẳng hạn, quốc lộ 91 từ Cần Thơ lên Châu Đốc đã đạt ba, bốn làn xe (rộng từ 12 đến 16 m) nhưng đoạn từ Châu Đốc lên cửa khẩu Tịnh Biên chỉ rộng chưa tới 7 m nên hai xe đi ngược chiều rất khó tránh nhau. Về cầu cũng chưa đạt đồng bộ. Trên quốc lộ 91 nhiều cầu đã đạt tải trọng 30 tấn nhưng đoạn sau thì chưa đồng bộ, như cầu Vĩnh Tế chỉ đạt 8 tấn. Vì vậy, mở rộng đường, xây cầu mới để đạt đồng bộ về tải trọng là việc lớn mà Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới. Về phía nước bạn, sẽ đầu tư nâng cấp đoạn đường từ cửa khẩu Prek Chak lên đến Kompong Trach, dài trên 10 km, từ cấp phối sỏi đỏ lên thành bê-tông nhựa nóng. Làm được vậy sẽ đồng bộ với quốc lộ 80 của ta từ Hà Tiên về Rạch Giá.

Ông Hồ Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam:  Việt Nam - Campuchia thông đường cùng phát triển ảnh 3

Cần nối mạng các cửa khẩu

Việc hành khách hoặc xe chở hàng vẫn phải “đi cửa khẩu nào, về cửa khẩu đó” đã hạn chế sự phát triển của ngành du lịch và lưu thông hàng hóa của cả hai nước. Vì vậy, thời gian tới giữa ta và bạn cần có sự phối hợp, nối mạng giữa các cặp cửa khẩu và hai bên cùng gỡ bỏ cơ chế “đi về một cửa” nêu trên.

LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm