Tuyên ngôn độc lập và giá trị nhân quyền

Lấp lánh và xuyên suốt bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch là vấn đề về nhân quyền, cao hơn cả quyền được sống, nhân quyền bao gồm cả quyền tự do.

Chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền

Theo Giáo sư sử học Lê Mậu Hãn, có tới ba bản tuyên ngôn độc lập khác nhau ở một số từ ngữ. Tuy nhiên, nhìn chung đó chỉ là những tiểu tiết, không ảnh hưởng đến tinh thần và nội dung cơ bản của tuyên ngôn. Tác phẩm chỉ có khoảng 1.010 từ, 49 câu nhưng đã vạch ra đầy đủ tội ác của thực dân Pháp, tổng kết một cách tuyệt vời cuộc cách mạng của Việt Nam và long trọng tuyên bố quyền tự do của người dân, quyền độc lập của đất nước. Đây được coi như tuyên ngôn độc lập thứ ba của Việt Nam sau Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. So với hai tác phẩm trước, bản tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tuyên ngôn đầu tiên nêu ra những giá trị về nhân quyền - một khái niệm có lẽ hoàn toàn xa lạ với dân chúng vào thời điểm ấy.

Nhìn ngược trở lại quá trình hoạt động cách mạng của Người trước 2-9-1945, các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng Hồ Chí Minh đã luôn là một “chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền”. Ngay từ những năm 1920, trong các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương, Người đã tố cáo một cách gay gắt tội ác vi phạm nhân quyền: “Chưa có bao giờ ở một thời đại nào, ở một nước nào, người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách độc ác trơ tráo đến thế”. Tình trạng nhân quyền ở xứ thuộc địa thảm hại đến nỗi Hồ Chí Minh ví thân phận con người ở đây với thân phận súc vật: “Tuy thịt loài vật này không ăn được vì không ướp lạnh được nhưng máu và mồ hôi của nó lại đã trở thành những thứ không thể thiếu để làm béo những cái máy làm dồi thịt”.

Tuyên ngôn độc lập và giá trị nhân quyền ảnh 1

Trên lễ đài ngày Quốc khánh 2-9-1945 tại Ba Đình, Hà Nội.

Hai thập niên sau, với bản Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, Hồ Chí Minh đã đưa ra những tuyên bố ngắn gọn nhưng rõ ràng và đầy đủ về nhân quyền cho người dân Việt Nam.

Nhân quyền gắn với tự do

Cho đến nay, tuy các nhà nghiên cứu và hoạt động chính trị-xã hội chưa hoàn toàn thống nhất với nhau về việc con người có những quyền gì, có bao nhiêu quyền nhưng họ đều gặp nhau ở một điểm chung: Quyền trước tiên của con người là quyền được sống. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 đặt lên hàng đầu và theo thứ tự ba quyền căn bản nhất: “Tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Tuyên ngôn độc lập 2-9 đã mở đầu với việc viện dẫn những quyền cơ bản của con người mà “tạo hóa cho” và “không ai có thể xâm phạm được”, đã được thể chế hóa trong hiến pháp của hai nước tư bản lớn ở phương Tây là Mỹ và Pháp. Ở điểm này, các nhà phân tích cho rằng tư duy pháp lý của Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam là thống nhất và liền mạch với tư duy pháp lý của nhân loại tiến bộ, với những chân lý phổ biến đã được coi là thành quả văn minh của loài người.

Tư tưởng đề cao tự do của Hồ Chí Minh luôn nhất quán trong suốt cuộc đời làm cách mạng. Hai tiếng “tự do” được Người nhắc tới 10 lần trong bản tuyên ngôn 1945. Sau khi nước nhà giành độc lập, Người cũng nhấn mạnh: “Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Năm 1966, từ thủ đô Hà Nội, Hồ Chủ tịch tuyên bố một câu bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. “Tự do” luôn gắn chặt với “độc lập” - Hồ Chí Minh không bao giờ quên hai chữ thiêng liêng ấy, Người coi đó là điều quý giá nhất trên đời.

Tự do cá nhân gắn với tự do dân tộc

Nghiên cứu về “Hồ Chí Minh với quyền con người”, Thạc sĩ Lý Việt Quang (Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Với bản Tuyên ngôn độc lập 2-9, Hồ Chủ tịch đã phát triển lên một bước mới những tư tưởng nhân quyền trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp. Cụ thể, “Hồ Chí Minh nâng các quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người thành quyền của một dân tộc được sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc”. Tư tưởng ấy được diễn đạt một cách ngắn gọn là: Dân tộc nô lệ không thể có con người tự do. Tự do không thể có được nếu không có độc lập dân tộc. Độc lập dân tộc, do vậy, là điều kiện phải có để bảo đảm tự do cho mỗi cá nhân và cho mọi người dân. Đấu tranh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ trước tiên để bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Dân tộc đi áp bức và dân tộc bị áp bức đều là các dân tộc không có tự do, không bình đẳng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc đề ra các quyền cơ bản của các dân tộc và gắn chặt quyền con người với độc lập dân tộc, quyền tự quyết dân tộc là cống hiến lý luận to lớn của Hồ Chí Minh vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại. Mãi đến năm 1966, nghĩa là hơn 20 năm sau, quyền dân tộc tự quyết, quyền dân tộc độc lập mới được quy định trong Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Nhiều nước Á-Phi đã thừa nhận đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc xác lập một nền công pháp quốc tế mới, bình đẳng và bảo vệ quyền tự do của con người, quyền tự quyết của mỗi dân tộc hơn.

Với bản Tuyên ngôn độc lập 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đại học Patgiagiaran ở TP Bandung của Indonesia trao bằng Tiến sĩ luật khoa danh dự vào năm 1959. Tại lễ trao bằng, vị giám đốc trường này đánh giá về Tuyên ngôn độc lập: “Đó là một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức”.

Tuyên ngôn độc lập và giá trị nhân quyền ảnh 2

Lễ trao bằng Tiến sĩ luật khoa danh dự cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại học Patgiagiaran (Indonesia) năm 1959.

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm