Tư pháp hội nhập

Án chung thân cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, người nhận hối lộ của PCI, dù chậm nhưng cũng đã được tuyên nhưng những nghi can nhận tiền của Securency và Nexus thì vẫn… trong bóng tối. Dù trong cả hai việc này cơ quan điều tra và tòa án nước ngoài đã hành động nhưng theo lời ông Vượng thì hiện Việt Nam chưa có bằng chứng để khởi tố điều tra đối với các cá nhân cụ thể.

Không phải ngẫu nhiên mà trong báo cáo thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng 2010 của Ủy ban Tư pháp vừa gửi đến đại biểu Quốc hội lại “rung chuông” mạnh mẽ về khâu phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Có nhiều vụ việc dấu hiệu tội phạm đã rành rành mà cơ quan này “ém”, cơ quan kia “bênh” khiến hành vi phạm tội được kéo dài, đến khi vỡ lở thì hậu quả đã vô cùng nghiêm trọng.

Người ta có quyền lo ngại khi mà một “cơ chế” chủ động phát hiện, xử lý tội phạm có yếu tố nước ngoài, tương trợ tư pháp, chuyển hóa chứng cứ với những nước có quan hệ kinh tế sâu với Việt Nam vẫn chưa định hình.

Hơn 20 năm đổi mới thể chế kinh tế và hội nhập, hơn ba năm là thành viên đầy đủ của WTO, Việt Nam đã có quan hệ thương mại - đầu tư sâu rộng với nhiều nền kinh tế khác nhau trên thế giới với “lưu lượng” chuyển tiền hàng chục tỉ USD/năm. Thậm chí sự chủ động hội nhập kinh tế còn thể hiện ở chỗ vừa qua Việt Nam đã đâm đơn kiện Mỹ ra WTO về việc áp thuế không công bằng với con tôm xuất khẩu của mình. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã phải theo hầu khá nhiều vụ việc đối tác nước ngoài đưa đơn kiện lên tòa án hoặc trọng tài thương mại quốc tế.

Bối cảnh và điều kiện đó cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam không thể “một mình một chợ” chạy bên lề những đòi hỏi của cuộc sống cũng như “luật chơi” toàn cầu. Sau kinh tế, sự chủ động hội nhập sâu hơn của hệ thống lập pháp, tư pháp sẽ đưa đến những giá trị mới, lợi ích mới không chỉ là đo đếm được.

BẰNG LĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm