Trí thức: Xin làm đi!

Xã hội cần tiếng nói phản biện của trí thức

Ông Tuyển nêu vấn đề: "Gần đây, người ta vẫn nói trí thức là những người không bao giờ bằng lòng với thực tiễn, với trật tự, là người luôn luôn thúc đẩy cho sự đổi mới. Thời đại dịch chuyển nhanh. Cần mở rộng hơn nữa hệ tư tưởng, đặt đúng vai trò của trí thức".

GS Đào Nguyên Cát dẫn ra con số của Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội chỉ 37% trí thức hài lòng với thể chế hiện nay: "Hiện một bộ phận trí thức còn e ngại, thiếu tự tin, sợ bị quy kết về quan điểm nên né tránh nhiều vấn đề".

GS Việt kiều Hà Tôn Vinh, GĐ chương trình quản trị và kinh doanh ĐH Hawaii "phản biện": "Nói là đóng góp ý kiến song phần lớn chính sách nhà nước ban hành về Việt kiều nhưng Việt kiều lại ít có cơ hội góp ý, phản biện và góp ý. Mà nếu có, cũng là đóng góp mang tính tượng trưng".

GS Việt kiều này kiến nghị: "Những sự đối xử với người có trí tuệ cần phải thay đổi và có bước tiến dài hơn nữa".

Nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận TƯ, nguyên Bí thư TƯ Đảng Hồng Hà cho rằng: "Một trong những hạn chế hiện nay là môi trường hoạt động của trí thức chưa được đảm bảo. Ngoài đãi ngộ vật chất, trí thức cần một môi trường để họ phát huy hết trí tuệ. Có những vị lãnh đạo hay nghi kỵ, ngại tiếp xúc, không tin tưởng và không thích trí thức phản biện chủ trương họ đưa ra. Môi trường với trí thức còn là thái độ đối xử thân ái, chân tình, trân trọng và chân thành, tin tưởng lẫn nhau".

Ông Hà nói thêm, không thể lấy tiêu chuẩn "đại học" để định nghĩa về trí thức. Vì trí thức bao gồm cả những người được đào tạo và những người tự học, trong và ngoài nước, Đảng viên hoặc không. "Trí thức VN là ai? Là những người có trình độ học vấn từ ĐH trở lên, có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, yêu nước, tinh thần phát triển XH và nhân cách. Đặc điểm của trí thức VN là yêu nước và có nhân cách VN".

Nhà nghiên cứu Việt Phương chia sẻ: "Sẽ còn tranh luận nhiều về trí thức như mở rộng dân chủ, trao quyền đích đáng, tạo điều kiện để được trau dồi, học tập và vươn lên. Khẩu hiệu đã nêu từ lâu nhưng nay cần làm cụ thể. Tránh việc chỉ tranh luận đưa ra nghị quyết. Làm sao nghị quyết đi rất sát, thẳng vào thực tế".

Ông Phương cũng nói: "Có rất nhiều bức xúc và đòi hỏi. Tuy nhiên, ai làm gì, làm như thế nào, những hiểu biết và cố gắng như hiện nay là chưa đủ. Tiếp tục nêu thẳng và nói sát hơn nữa vào những việc cần làm, làm thiết thực".

Khẩu hiệu: "Xin làm đi" của ông Việt Phương đã nhận được sự tán thưởng của đa số đại biểu.

Không thể tách doanh nhân khỏi trí thức

Chủ tịch HĐQT tập đoàn Tân Tạo, bà Đặng Hoàng Yến chia sẻ: "Trước đây, doanh nhân gần như là công dân hạng hai. Nay đã có ngày DN nhưng làm sao cho chúng tôi thấy được đây là mái nhà chung để cảm giác sự tham gia của mình có ý nghĩa hơn?".

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đặt vấn đề: "Đâu là vị trí doanh nhân trong hệ thống giai tầng xã hội? Không hiểu Hội nghị BCH TƯ 7 sẽ xếp doanh nhân vào ô nào? Vì nếu không xếp được, khó có cơ chế".

Theo ông Khoan, có hai việc lớn mà Đảng, Nhà nước nên chăm lo cho đội ngũ này. Thứ nhất, xác định vị thế doanh nhân trong xã hội đương đại và thứ hai, tạo thuận lợi cho DN có tri thức cần thiết trong thời đại ngày nay.

Ông Vũ Khoan nói thêm, doanh nhân cần 4 loại tri thức: "Phải hiểu rõ thể chế và quy luật vận hành của cơ chế thị trường, kiến thức về thế giới, tri thức về luật pháp, tri thức về trí thức".

Khẳng định "không thể tách rời đội ngũ doanh nhân và trí thức. Nếu không có trí thức, đội ngũ doanh nhân phát triển không bền vững và không lớn mạnh, còn nếu không có doanh nhân thì cũng không có động lực cho phát triển kinh tế", GS Hà Tôn Vinh cho hay: "Trí thức ở Hoa Kỳ phần lớn đều là doanh nhân. Vì họ không thể nghiên cứu nếu không có tiềm lực tài chính".

Ông Vinh cũng "than": "Nhưng kể từ khi tôi đăng ký lập doanh nghiệp ở VN, tôi mới biết thế nào là nỗi khổ của doanh nhân VN. Chưa Việt kiều nào dám nói mình thành công ở VN. Nguyên việc chọn tên, tôi đã mất 3 tháng, chưa kể những thủ tục khác".

Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Phùng Hữu Phú cho biết, xây dựng đội ngũ trí thức sẽ là một trong những nội dung quan trọng mà HN TƯ 7 khóa X khai mạc ngày 9/7 sẽ bàn.

"Hiện các cơ quan Đảng, nhà KH, trí thức đã bắt đầu nghiên cứu bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, nghiên cứu để góp ý với Đảng về soạn thảo các văn kiện ĐH XI. Vì vậy vai trò của trí thức là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu lâu dài", ông Phú nói.

7% doanh nhân là trí thức

Khảo sát 1.012 DN xuất khẩu vừa và nhỏ cho thấy, 89% giám đốc có trình độ ĐH. Mỗi DN trung bình có 7 cán bộ quản lý, chiếm 14% lao động. Trí thức chiếm 7% trong tổng số doanh nhân.

VN có khoảng 2,6 triệu người có trình độ ĐH trở lên, chiếm 4,5% lực lượng lao động. Trong đó, có 16.000 tiến sĩ và TSKH. Trên 6.000 GS, PGS.

Trí thức trong khu vực sự nghiệp chiếm 71%, khu vực hành chính gần 22% và khu vực kinh doanh 7%. Trí thức nước ngoài khoảng 400.000 người, chiếm hơn 10%.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10/2007).

Theo VietNamNet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm