Tránh việc thu hồi đất vì lợi ích nhóm

Ngày 8-3, HĐND TP Đà Nẵng đã tổ chức kỳ họp chuyên đề lấy ý kiến góp ý của các đại biểu (ĐB) HĐND cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tránh việc thu hồi đất phục vụ lợi ích nhóm

Góp ý Điều 58 dự thảo sửa đổi HP, ĐB Lương Nguyệt Thu nêu ý kiến: “Các dự án phát triển kinh tế-xã hội không phải do Nhà nước làm chủ đầu tư thì không nên coi đó là một trong những trường hợp thật cần thiết phải thu hồi đất. Điều này sẽ tránh được tình trạng tùy tiện, lợi dụng việc nhân danh Nhà nước thu hồi để trục lợi, phục vụ cho lợi ích nhóm”.

Góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi), tại Điều 75 và 76, ĐB Phan Thị Thùy Linh nói: “Đề nghị nghiên cứu chế độ khác nhau về bồi thường đối với đất nông nghiệp theo lợi thế vị trí địa lý, khả năng sản xuất nông nghiệp của diện tích bị thu hồi. Càng có lợi thế, càng có vị trí thuận lợi càng phải bồi thường lớn để hạn chế thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất nông nghiệp. Ngoài ra, trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp nhất thiết phải đảm bảo đời sống, sinh kế và các điều kiện bền vững đối với người bị thu hồi”.

Tránh việc thu hồi đất vì lợi ích nhóm ảnh 1

Nếu sau ba năm dự án không triển khai, người dân có quyền lấy lại đất mà không cần chờ đến khi có quyết định của Nhà nước. Ảnh: LÊ PHI

Đồng tình với việc dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thu hồi các dự án “treo”, dự án chậm triển khai trong thời gian ba năm, ĐB Lê Văn Quang đề xuất thêm: “Tôi đề nghị nên thêm vào trong luật là nếu sau ba năm dự án không triển khai, người dân có quyền lấy lại đất mà không cần chờ đến khi có quyết định của Nhà nước. Đồng thời, người dân có quyền buộc chủ dự án phải bồi thường cho khoảng thời gian đất đai của họ không thể sản xuất sinh lợi và phải hỗ trợ để họ tái lập cuộc sống”.

Địa phương phải có nguồn thu riêng

Góp ý cho Chương Chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi HP, ĐB Tạ Tự Bình cho hay do không cân đối được ngân sách nên nhiều địa phương phải phụ thuộc vào trung ương dẫn đến điều hành, quản lý thụ động, bất cập. Ông Bình đề nghị trong phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương cần làm rõ vấn đề nào chỉ trung ương mới có quyền quyết định, vấn đề nào là của địa phương. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng ôm đồm, giải quyết sự vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành trung ương; đồng thời chấm dứt cơ chế xin-cho cũng như tình trạng thụ động, ỷ lại hoặc xé rào của các địa phương.

Cũng theo ông Bình, để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, của HĐND, HP cần quy định rõ hơn về ngân sách vì đã trao quyền thì cần phải trao công cụ để thực hiện các thẩm quyền đó. “Nếu trao cho địa phương thẩm quyền giải quyết các công việc cụ thể trong khi ngân sách vẫn lệ thuộc vào cấp trên thì không thể tự chủ, tự chịu trách nhiệm được. Đề nghị bổ sung quy định địa phương được quyền có nguồn thu riêng để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ quản lý riêng biệt của mình” - ông Bình góp ý.

Gửi dự thảo HP đến từng nhà

Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân TP.HCM về Dự thảo sửa đổi HP 1992 (Ban Chỉ đạo - BCĐ) vừa có thư ngỏ gửi nhân dân TP, trong đó cho biết: Để thu thập được đầy đủ ý kiến của nhân dân TP, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, thể hiện sâu sắc ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong sửa đổi HP, BCĐ trân trọng gửi đến từng hộ nhân dân “Phiếu lấy ý kiến Nhân dân TP.HCM về Dự thảo sửa đổi HP 1992”, kèm theo bản so sánh giữa HP 1992 với Dự thảo sửa đổi HP 1992 để từng hộ nhân dân có thêm điều kiện nghiên cứu và đóng góp ý kiến. Ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ được tập hợp, tổng hợp đầy đủ và chính xác để gửi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP 1992.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 8-3, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng BCĐ, cho biết BCĐ đã in các tài liệu trên và gửi về các phường, xã. Các tổ trưởng dân phố đã bắt đầu phát tài liệu đến từng hộ dân từ chiều 7-3 và dự kiến sẽ hoàn tất vào hôm nay, 9-3.

BM

Trung thành với Tổ quốc, nhân dân, Đảng

Ngày 8-3, tại Hội nghị góp ý cho Dự thảo sửa đổi HP năm 1992 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng quy định tại Điều 70 của dự thảo là phù hợp. Theo đó, Điều 70 quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

“Khi dự thảo đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng với nhà nước và xã hội thì việc khẳng định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng, bảo vệ Đảng như Điều 70 là đúng” - ông Lương Anh Tế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương, nói. Tuy nhiên, để phù hợp hơn, ông Võ Lê Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Long An đề xuất: Dự thảo nên sắp xếp lại theo thứ tự “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng...”.

THÀNH VĂN

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm