TP.HCM: Siết đầu tư, giảm chi công…

Sáng 6-3, lãnh đạo UBND, HĐND TP và các nhà kinh tế đã có buổi đối thoại, bàn và thông tin về các giải pháp kinh tế mà TP.HCM đã và đang triển khai thực hiện để kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Buổi đối thoại do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức trong chuyên mục “Nói và Làm”.

Giảm chi tiêu công, không ăn theo việc tăng giá

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng thông tin: Ngày 24-2, Chính phủ ra Nghị quyết 11/CP về những giải pháp kiềm chế lạm phát thì chưa đầy một tuần UBND TP đã ban hành Chỉ thị 08 triển khai nghị quyết. Theo đó, TP kiên quyết không sử dụng ngân sách để trang bị mới xe ôtô, máy điều hòa nhiệt độ, trang thiết bị văn phòng, phương tiện tài sản có giá trị lớn; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu...; không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách; tiết giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác. TP sẽ rà soát việc chi ngân sách năm 2011, phấn đấu tiết kiệm thêm 10% chi phí thường xuyên của chín tháng còn lại. TP cũng triển khai kế hoạch thanh tra ngân sách năm 2011, tập trung vào giám sát, kiểm soát các khoản chi tiêu ngân sách và mua sắm, quản lý tài sản công của các cơ quan, đơn vị và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

Chủ tịch HĐQT SaiGon Co.op Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho biết doanh nghiệp ông cũng đang rà soát để tiết giảm tối đa chi phí. “Lợi dụng xăng dầu tăng giá, nhiều đơn vị cung ứng hàng cũng đòi tăng 20% chi phí vận chuyển. Chúng tôi không chấp nhận vì giá xăng dầu chỉ là một phần trong cấu thành chi phí vận chuyển nên đã ngồi lại với các nhà cung cấp. Kết quả là giá thành vận chuyển chỉ tăng 10%-12% (xe đông lạnh chở thực phẩm tươi sống phải tăng 15%). Năm 2011, Co.op Mart theo đuổi mục tiêu “đồng hành và chia sẻ” với khách hàng trong giai đoạn kinh tế khó khăn nên không “ăn theo” tăng giá. HĐQT Co.op Mart đã quyết định giảm 20% lợi nhuận trong năm nay để chia sẻ với khách hàng” - ông Hòa khẳng định.

TP.HCM: Siết đầu tư, giảm chi công… ảnh 1

Các dự án đầu tư xây dựng kém hiệu quả, dàn trải sẽ được ngưng lại để kiềm chế lạm phát. Ảnh minh họa: HTD

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng không thể cứ mặt hàng xăng dầu, điện… tăng giá thì các mặt hàng khác tăng theo mà phải có giải trình hợp lý…

Đưa thuốc chữa bệnh vào diện bình ổn giá

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng còn cho biết năm 2011 TP đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Công Thương xây dựng kế hoạch triển khai chương trình bình ổn giá đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh (sản xuất trong nước). Sau đó, Sở Công Thương sẽ bổ sung vào Chương trình bình ổn giá năm 2011, trình UBND TP trong tháng 3-2011.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Ngọc Đào cho biết nơi này đang phối hợp Sở Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch trên. “Cạnh đó, Sở cũng xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách hằng tháng họp với doanh nghiệp để phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn nhằm ổn định nguồn hàng hóa và kiềm chế lạm phát. Chúng tôi khẳng định hàng bình ổn giá phải đến tận tay người tiêu dùng” - bà Đào khẳng định.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Trọng Sang cũng cho biết ngay trong tháng 3 này, những hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tiền điện 30.000 đồng/hộ/tháng. “Cạnh đó, TP đã quán triệt cho các chủ nhà trọ giãn việc tăng giá thuê nhà để tránh ảnh hưởng xấu đến khoảng 3,2 triệu công nhân đang ở trọ” - ông Sang khẳng định.

Tổng Công ty Điện lực TP (EVN HCMC) cũng thông tin những hộ trong diện nghèo chỉ cần đến đăng ký tại các công ty điện lực địa phương để được hưởng chính sách hỗ trợ. Việc cắt điện cũng sẽ công bằng, minh bạch, cắt điện không quá 5 giờ/ngày và không quá ba lần/tuần, trước khi cắt điện sẽ công bố cho dân biết.

Dừng đầu tư công trình kém hiệu quả

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng, TP sẽ lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, rà soát tiến độ thi công, giải ngân của các dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách và có tính chất ngân sách trên địa bàn thành phố. “Kiên quyết dừng các công trình đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, chưa cần thiết để tập trung vốn cho các dự án chuyển tiếp, các công trình trọng điểm nhằm hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011 để phát huy hiệu quả đầu tư và hiệu quả xã hội, góp phần tích cực trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố” - bà Hồng nói.

Phó ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP Trương Trọng Nghĩa cho rằng muốn chống lạm phát thì về lâu dài TP phải giải quyết những nguyên nhân sâu xa. Bài toán phù hợp là TP phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khắc phục cho được chuyện đầu tư công kém hiệu quả, dàn trải.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cũng cho rằng vấn đề ổn định sản xuất, đầu tư hiệu quả mới là bài toán căn bản. Đây là vấn đề cần phải đặt trọng tâm khi giải quyết bài toán kiềm chế lạm phát. Ví dụ, ngành xây dựng chỉ cần kéo dài thời gian thi công thì xã hội sẽ gánh những hậu quả lớn. TP cần chọn công trình điểm làm trước, chốt thời gian cụ thể và buộc các bên phải hoàn thành đúng hạn để rút kinh nghiệm. Ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng đồng tình với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP từ chiều rộng sang chiều sâu nhưng ông cho rằng phải có lộ trình 3-5 năm.

Cuối buổi đối thoại, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nhận định Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 08 của TP đã “kê đúng thuốc, đủ liều”, TP phải triển khai bằng được Nghị quyết 11 và tập trung chỉ đạo để chống đầu cơ hàng hóa, tiết kiệm chi tiêu công. HĐND TP sẽ giám sát chặt việc thực hiện nghị quyết trên.

TRỌNG MẠNH

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.