Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992: Đảm bảo thực thi quyền con người

Chiều 17-4, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp (HP) 1992 của Chính phủ (CP) đã tổ chức cuộc họp báo thông báo về kết quả tổng kết thi hành HP 1992 của CP. Người phát ngôn của ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã trả lời những câu hỏi của báo giới.

Ba quan điểm về sở hữu đất đai

. Một trong những vấn đề đặc biệt được quan tâm khi nghiên cứu sửa đổi HP 1992 lần này là quy định về chế độ sở hữu đất đai. Đề xuất của CP về vấn đề này như thế nào?     

+ Chế định sở hữu toàn dân đối với đất đai được quy định từ HP 1980. Thực tế, chúng ta đã triển khai một loạt luật và các văn bản pháp luật khác. Mặt được cũng rất nhiều, tuy nhiên cũng có một số bất cập nổi lên. Trong tổng kết, chúng tôi chưa nói rõ được vấn đề này do chưa làm rõ được hạn chế của HP là ở đâu hay là hạn chế của hệ thống pháp luật bảo đảm thực thi.

Hiện có ba quan điểm về vấn đề này. Phần lớn vẫn kiến nghị giữ nguyên chế định sở hữu toàn dân về đất đai, chú trọng hơn nữa quá trình thể chế hóa chế định này vào luật và các nghị định. Ý kiến thứ hai cho rằng quy định “sở hữu toàn dân” chưa rõ về mặt chủ sở hữu. Do vậy kiến nghị quy định rõ trong HP là sở hữu đất đai thuộc Nhà nước. Đề xuất thứ ba là trong tình hình hiện nay nên đặt vấn đề đa dạng hóa sở hữu về đất đai.

Cũng phải nói rằng đưa ra đề xuất thì dễ dàng nhưng để có những lập luận có đủ cơ sở lý luận cũng như thực tiễn đến mức thuyết phục thì tất cả kiến nghị trên đều chưa làm được.

Trưởng ban chỉ đạo tổng kết thi hành HP 1992 của CP yêu cầu giai đoạn 2 cần tiếp tục đi sâu khảo sát thực tiễn, tổ chức hội thảo để lập luận sâu sắc hơn và chính xác hơn một số vấn đề, trong đó có vấn đề về đất đai.

Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992: Đảm bảo thực thi quyền con người ảnh 1

Người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Xem xét sửa “đuôi” theo quy định của pháp luật

. Trong việc sửa đổi những nội dung liên quan đến quyền công dân, CP có những kiến nghị gì?

+ Cơ bản HP 1992 nói về quyền công dân là rất tốt. Tiến bộ của HP 1992 là nói đến quyền con người. Tuy nhiên, HP hiện hành chưa tách bạch rõ quyền con người và quyền công dân, lần này chúng ta phải tách ra. Mặt khác, rõ ràng trong điều kiện hội nhập hiện nay, vấn đề quyền con người và quyền công dân cần được đề cao và bảo đảm thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.

Lần này các đề nghị tập trung vào việc quy định rõ quyền con người và quyền công dân, cơ chế bảo đảm thực thi và đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền này.

Lâu nay chúng ta vẫn nói quyền a, quyền b được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chính cái “đuôi” này gây khó khăn cho chúng ta, đó cũng là thái độ đối xử chưa tương xứng với quyền con người, với ý nghĩa nó là quyền cơ bản được HP quy định. Lần này chúng tôi đề xuất theo hướng đã là quyền cơ bản của công dân thì phải được bảo đảm thực thi bằng luật và chỉ bị hạn chế bởi luật. Còn nếu chỉ quy định chung chung là “theo quy định của pháp luật” thì gồm cả luật do QH ban hành, nghị định của CP, thông tư của các bộ…

Về thực tế một số quyền chưa được thực hiện do chưa có luật, phải hiểu những quyền đó được ghi nhận trong HP thì Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền đó được thực thi. Lần này chúng ta phải làm thế nào để HP đã quy định thì Nhà nước phải bảo đảm thực thi, còn chưa được thực thi thì trách nhiệm thuộc về Nhà nước.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chúng ta đang ở giai đoạn chuyển đổi, đang vận động mạnh mẽ thì cũng phải ưu tiên thực hiện một số việc trước. Nhà nước không có đủ sức để thực hiện cùng lúc tất cả các vấn đề. Với điều kiện QH hoạt động một năm họp hai kỳ, trình độ, kinh nghiệm lập pháp như vậy… thì cũng phải hiểu rằng không phải do Nhà nước không muốn người dân thực hiện những quyền này mà trong điều kiện hiện nay phải có thứ tự ưu tiên…

Trao quyền tự chủ cho địa phương

. Qua thảo luận, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần có sự phân biệt chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Quan điểm của CP về vấn đề này?

+ Lần sửa đổi này đặt ra vấn đề tổ chức chính quyền ở các cấp khác nhau là khác nhau và giữa chính quyền đô thị khác chính quyền nông thôn. Chúng tôi muốn tổng kết thí điểm mô hình không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, làm cơ sở cho việc đề nghị chính thức hóa mô hình chúng ta đang thí điểm khi sửa đổi HP lần này.

Trong đề xuất của CP có ba hướng. Trước tiên, cần khẳng định chính quyền địa phương là cấp chủ yếu thực hiện các quyết định, văn bản của cơ quan cấp trên, tức là mang tính chấp hành rõ nét. Thứ hai, chính quyền địa phương có quyền tự chủ trong khuôn khổ phân quyền, phân cấp do luật định. Thứ ba, việc thành lập mới, chia tách, sáp nhập giữa các chính quyền địa phương diễn ra tương đối nhiều trong thời gian qua. TP.HCM có 3-4 nhà khoa học đưa ra số liệu chứng minh việc tách nhập tương đối nhiều. Lần này chúng tôi đề xuất thẩm quyền thành lập mới, hay chia tách vẫn quy định như HP 1992 nhưng tiêu chí, trình tự, thủ tục phải được quy định trong HP, trên cơ sở đó luật sẽ quy định cụ thể.

Phân công quyền lực rõ ràng, minh bạch

Theo báo cáo tổng kết của CP, một trong những bất cập của HP 1992 là chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp. Do vậy, các quy định về vị trí, chức năng và mối quan hệ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước cũng chưa thực sự rõ ràng, minh bạch.

Liên quan đến vị trí của CP, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết hiện có hai quan điểm. Thứ nhất, nếu vẫn khẳng định CP là cơ quan chấp hành thì nhiệm vụ của CP không có gì thay đổi. Thứ hai, nếu chấp nhận kiến nghị sửa đổi theo hướng CP là cơ quan thực hiện quyền hành pháp thì thế chủ động của CP sẽ khác và nội hàm của hành pháp khác chấp hành. Khi đó, CP sẽ giữ vai trò khởi xướng, hoạch định điều hành. CP là nơi khởi động các chính sách để đề xuất với QH. Tuy nhiên, khi CP có tính năng động như vậy thì đòi hỏi cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động của CP.

ĐỨC MINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm