Tòa sẽ quyết định việc đưa người đi giáo dục

Trong hai ngày 29 và 30-8, Bộ Tư pháp và UNDP Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện nội dung các biện pháp xử lý hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC).

Dự án Luật Xử lý VPHC dự kiến chuyển giao cho tòa án xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục theo thủ tục tư pháp. Theo nhóm soạn thảo, đây là một chủ trương đúng đắn nhưng phương án này đang đặt ra nhiều vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn “cần xác định rõ”.

Cụ thể, nếu gắn trình tự, thủ tục xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính với các thủ tục tố tụng hiện nay (hình sự, dân sự, hành chính) thì sẽ bị “vênh” về quy trình tố tụng. Chẳng hạn, nếu giao thêm thẩm quyền này cho tòa hình sự thì khi đó tòa hình sự sẽ phải thực hiện cả hai vai: xét xử cả vụ án hình sự gây hậu quả nghiêm trọng và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp tư pháp đối với các vụ VPHC chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Hay nếu giao cho tòa dân sự sẽ lại mâu thuẫn về tính chất giữa hai vụ việc xử lý hành chính và vụ việc dân sự…

Tòa sẽ quyết định việc đưa người đi giáo dục ảnh 1

Theo dự án Luật Xử lý VPHC, tòa án sẽ xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục như thế này theo thủ tục tư pháp. Ảnh: HTD

Những lý do này đòi hỏi phải xây dựng một trình tự, thủ tục tố tụng riêng để tòa án xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. “Phạm vi của dự án Luật Xử lý VPHC sẽ không quy định thủ tục tố tụng nên thủ tục này sẽ được quy định tại một văn bản quy phạm khác như Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” - nhóm soạn thảo cho biết.

Thậm chí ngay cả khi đó, một phiền toái khác là khi dự án Luật Xử lý VPHC được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính vẫn phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý VPHC cho đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về trình tự, thủ tục nói trên. Mặt khác, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án cũng đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND…

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đặt ra hiện nay của “phương pháp tư pháp hóa”, chuyển giao thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp hành chính cho tòa án cấp huyện lại là vấn đề “con người”. Thực hiện thẩm quyền xét xử theo quy định của Luật Tổ chức tòa án hiện nay, bản thân các tòa án cấp huyện đã gặp khó khăn về số lượng công việc phải cáng đáng. Cộng thêm việc từ ngày 1-7-2011 (ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực), dự kiến tòa án sẽ phải xét xử gần 60.000 vụ việc hành chính bị khiếu kiện. Nếu tiếp tục giao cho tòa án xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thì sẽ có khoảng hơn 25.000 đối tượng/năm và đang có xu hướng tăng thêm qua các năm.

Do đó, để thực hiện phương án như dự thảo nêu, Bộ Tư pháp đề nghị Quốc hội lùi thời gian luật có hiệu lực từ 18 đến 24 tháng kể từ khi Quốc hội thông qua luật này. Theo chương trình xây dựng luật và Pháp lệnh năm 2012, dự án Luật Xử lý VPHC sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba (giữa năm 2012).

ĐỨC MINH - GIA NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm