Tinh thần dân tộc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội.

Cho đến nay, rất nhiều học giả cũng như những nhân chứng còn lại trong cuộc đời Hồ Chủ tịch đều đã khẳng định Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo vĩ đại với tinh thần dân tộc và lòng yêu nước vĩ đại.

Nhìn nhận lại đời hoạt động của Người, có thể tinh thần dân tộc đã theo suốt Người ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, khi Người còn là một thành viên trẻ tuổi trong Quốc tế Cộng sản. Chính tinh thần dân tộc ấy đã làm nên tư tưởng Hồ Chí Minh.

Những tài liệu trong kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản, được bạch hóa sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, đã hé lộ vô số chi tiết, câu chuyện thú vị về chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh (khi ấy có tên là Lin), người luôn chủ trương phải “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản”.

Tự do, độc lập cho dân tộc phải đặt lên hàng đầu

Tháng 3-1935, một bức thư báo cáo về tình hình cách mạng vô sản ở Đông Dương gửi cho Quốc tế Cộng sản đã chỉ trích gay gắt Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh), trong đó đề cập đến “tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm của đảng của các đồng chí Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc” (1). Bức thư nêu rõ: “Những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản. Cuộc tranh đấu không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của Đảng Thanh niên là rất cần thiết (…) (2). Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin viết một cuốn sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua”.

Tinh thần dân tộc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1

Bìa tạp chí Time 12-5-1975: Người chiến thắng

Sở dĩ Quốc tế Cộng sản chỉ trích Nguyễn Ái Quốc như vậy, theo một nhà nghiên cứu thời nay - GS-TS sử học Mạch Quang Thắng, là do bản thân Quốc tế Cộng sản có những quan điểm tả khuynh, sai lầm, ít nhất cũng không phù hợp với thực tiễn ở các xứ thuộc địa. Cụ thể, đó là quan điểm nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, đấu tranh với tất cả các lực lượng phi vô sản. “Chống đế quốc, chống phong kiến, chống tư sản, chống tôn giáo, chống lực lượng xã hội dân chủ. Chống tất cả, chỉ độc có công nông là cách mạng mà thôi (…). Quốc tế Cộng sản hừng hực khí thế xông lên, tưởng là cách mạng nhưng kỳ thực không phải vậy” - ông Thắng nhận xét về Quốc tế Cộng sản tả khuynh thời ấy.

Trong khi đó, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh lại có những chủ kiến hoàn toàn khác.

Ngay từ năm 1924, trong bản Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ viết tại Matxcơva gửi Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã cho rằng cuộc đấu tranh giai cấp ở Việt Nam không giống như ở phương Tây. Người chỉ ra đặc điểm của từng giai cấp ở Việt Nam với một cái nhìn nhân bản và sâu sát thực tế: “Những địa chủ ở đây chỉ là những tên lùn tịt bên cạnh những người trùng tên với họ ở châu Âu và châu Mỹ (…). Không có vốn liếng gì lớn…, đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa”, “An Nam chưa bao giờ có tăng lữ…”.

Và Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người culi biết phản đối, nó làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1917” (3). Từ đó, Người đưa ra chủ trương “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản”.

Bảo vệ tư sản dân tộc, tập hợp toàn dân

Sáu năm sau bản báo cáo đề cao chủ nghĩa dân tộc không được đồng tình, năm 1930, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức đảng cộng sản ở Việt Nam. Mặc dù là phái viên của Quốc tế Cộng sản ở Đông Dương nhưng vị đại diện của Quốc tế Cộng sản tuyên bố: “Tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được”, “Đảng tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung”. Với các giai cấp phi vô sản khác mà theo Quốc tế Cộng sản là phải chống tất, Hồ Chí Minh cho rằng: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức…”.

Tinh thần dân tộc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 2

Time chọn Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.

Cần hiểu rằng những nhận định sai lệch của Quốc tế Cộng sản về cách mạng ở Đông Dương xuất phát từ sự xa rời thực tiễn của họ. Điều này nói lên rằng ngay cả những nhà cách mạng cùng thời có khi cũng không có được những nhận định sâu sát với thực tiễn như Hồ Chí Minh. Sau này, khi Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt toàn dân tộc qua những cuộc cách mạng lớn của thế kỷ 20, những lúc tinh thần dân tộc - hạt nhân của tư tưởng Hồ Chí Minh - tỏa sáng cũng là những thời điểm cách mạng thành công rực rỡ hoặc ít nhất cũng tránh được tổn thất không đáng có, đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia khác.

Chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh - giá trị toàn cầu

Nhưng Hồ Chí Minh không phải là một nhà dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, cực đoan, bởi nếu không, Người đã chẳng được bạn bè quốc tế yêu mến, đánh giá cao đến thế. GS-TS Ahn Kyong Hwan (ĐH Chosun, Hàn Quốc) từng phát biểu tại hội thảo quốc tế về “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” như sau: “Hồ Chí Minh có thể khác về mặt tư tưởng hay tôn giáo so với các vĩ nhân khác trên thế giới nhưng nhân cách của Người thì đáng để mọi người trên thế giới tôn kính…. Những nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới phải noi gương tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, yêu đồng bào vĩ đại của Người”.

Và ông Ahn Kyong Hwan cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, cho dù thế gian có xoay chuyển thế nào thì cũng chỉ làm nổi bật thêm con đường đúng đắn của những vĩ nhân như Hồ Chí Minh: Con đường vì Tổ quốc, vì dân tộc.

Trong số các chính khách của thế kỷ 20, Hồ Chí Minh là nhân vật nổi bật về tính bền bỉ dẻo dai và lòng kiên nhẫn trong việc tìm kiếm mục tiêu độc lập cho Việt Nam và về sự thành công trong việc dung hòa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc.

New York Time 4-9-1969

Năm 1965, Tổng thống Mỹ lúc đó là L. Giôn-xơn đã nói trước Quốc hội rằng : "Ông già Hồ không thể làm được gì tôi cả". Thế nhưng ông Hồ đã làm được. Mọi giải pháp mà ông triển khai đều có ý nghĩa để thực hiện giấc mơ của ông là thống nhất đất nước Việt Nam.

Time 13-9-1998

Người đã trở thành biểu tượng anh hùng và cách mạng trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta.

Le Monde 20-9-1969

HOÀNG THƯ

(1) Hồ Chí Minh - Con người của Sự sống, GS-TS Mạch Quang Thắng,  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.

(2) Trích lại của GS-TS Mạch Quang Thắng, sđd.

(3) Trích lại của GS-TS Mạch Quang Thắng, sđd.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm