Góp ý sửa đổi Nghị quyết 35 của Quốc hội

Tín nhiệm thấp thì bỏ phiếu ngay

Như Pháp Luật TP.HCM(22-2) đã thông tin, mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp lần thứ 7 tới đây (dự kiến khai mạc vào tháng 5) theo thông báo của Bộ Chính trị để tổng kết và nghiên cứu sửa đổi Nghị quyết 35 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều ý kiến chuyên gia và đại biểu (ĐB) QH cho rằng việc sửa đổi Nghị quyết 35 tới đây cần nhanh chóng, phù hợp và đáp ứng yêu cầu, sự mong đợi của người dân hơn.

Chỉ lấy phiếu tín nhiệm khối hành pháp

Theo ĐBQH Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp thứ 7 tới đây là hoàn toàn phù hợp. Lý giải cho việc này ông Kiêm nói: “Ngay sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, trong cử tri và ĐB đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng một số quy định tại Nghị quyết 35 là không phù hợp, cần phải điều chỉnh lại”. Đơn cử như việc lấy phiếu đối với tất cả chức danh do QH, HĐND bầu và phê chuẩn là quá rộng. Lẽ ra QH chỉ nên lấy phiếu đối với cơ quan hành pháp, cơ quan điều hành chứ không nên lấy đối với các chức danh dân cử, các thành viên ủy ban của QH… Về định hướng sửa đổi, theo ông Kiêm chỉ nên quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với cơ quan điều hành, tức là đối với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ… chứ không lấy khối dân cử nữa.

Theo ĐBQH Lê Như Tiến, những người có mức tín nhiệm thấp trên 50% thì nên đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm luôn. Trong ảnh: Các ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Đồng tình về vấn đề này, GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học và Giáo dục - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng cho rằng các quy định trong Nghị quyết 35 có quá nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm có khi còn mang tính chủ quan, cảm tính. Theo GS Dũng, việc đưa cả khối dân cử như chủ tịch, phó chủ tịch QH, chủ nhiệm các ủy ban ra lấy phiếu tín nhiệm chung với khối cơ quan hành pháp, tư pháp là không phản ánh đúng thực tế. “Khối dân cử đâu phải là chế độ thủ trưởng để ban hành ra các quyết định, chính sách gì nên đâu có đụng chạm, va chạm với dân. Hơn nữa khi lấy phiếu thì tâm lý chung là chẳng ai lại đi bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho những người cùng ủy ban, cùng QH mà mình đang tham gia” - GS Dũng lý giải và cho rằng chính điều này dẫn đến kết quả là người có số phiếu tín nhiệm cao nhất trong lần bỏ phiếu đầu tiên lại là một chủ nhiệm ủy ban của QH. “Thống kê cũng cho thấy tất cả người thuộc nhóm có số phiếu tín nhiệm cao đều rơi vào khối dân cử, còn khối hành pháp do va chạm thường xuyên, hằng ngày nên phiếu tín nhiệm cao lại thấp hơn rất nhiều” - GS Dũng nói.

Mạnh dạn bỏ phiếu tín nhiệm

Ở một khía cạnh liên quan khác, ĐBQH Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho rằng khi lấy phiếu chỉ nên quy định ở hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm chứ không nên chia làm ba mức tín nhiệm thấp, tín nhiệm và tín nhiệm cao như hiện nay. Đồng thời, những người có mức tín nhiệm thấp trên 50% thì phải đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm luôn chứ không nhất thiết phải đợi đến hai lần lấy phiếu tín nhiệm liên tiếp hoặc phải có 2/3 số ĐB không tín nhiệm thì mới bị bỏ phiếu như quy định hiện hành.

Trong khi đó, GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị: “Nếu mạnh dạn hơn nữa chỉ quy định hình thức bỏ phiếu tín nhiệm thôi”. Theo đó những bộ trưởng, trưởng ngành để xảy ra nhiều sai phạm, nhiều vấn đề gây bức xúc trong lĩnh vực mà mình được giao quản lý thì các ĐBQH, các ủy ban hoặc UBTVQH có thể đề nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm luôn chứ không cần phải lấy phiếu thăm dò nữa. “Có như thế mới đảm bảo tính kịp thời” - GS Dũng nói.

Tán đồng đề nghị này, ĐB Lê Như Tiến phân tích: Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định QH bỏ phiếu tín nhiệm chứ không quy định lấy phiếu tín nhiệm. Do đó theo ĐB Tiến, trong bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 35 lần này, nếu mạnh dạn và thấy phù hợp thì chỉ nên quy định một hình thức là bỏ phiếu tín nhiệm chứ không quy định hình thức lấy phiếu tín nhiệm nữa. Theo đó, khi một lĩnh vực, ngành nào đó để xảy ra nhiều sai phạm, nhiều vấn đề gây bức xúc trong cử tri và nhân dân thì các ủy ban hoặc UBTVQH có thể tổ chức một phiên điều trần đối với bộ trưởng hoặc người đứng đầu ngành đó. Căn cứ vào phiên điều trần đó, các ĐB hoặc các ủy ban có thể kiến nghị QH tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay đối với người đứng đầu cơ quan đó luôn chứ không cần phải trải qua hình thức lấy phiếu tín nhiệm. “Như thế vừa bảo đảm tính kịp thời, vừa đáp ứng được yêu cầu cũng như đòi hỏi của cử tri, nhân dân và ĐBQH” - ông Tiến nói.

THÀNH VĂN

 

Cần gấp rút sửa đổi và thông qua nghị quyết mới

Nên tiếp tục duy trì hình thức lấy phiếu một lần/năm để các ĐB giám sát và cử tri đánh giá. Bởi thực tế sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành có số phiếu thấp đã ý thức được điều đó và đã có những điều chỉnh, giúp hoạt động của bộ, ngành đó ngày một tốt hơn…

Và để đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của cử tri cả nước thì trong kỳ họp tới QH phải xem xét, sửa đổi và thông qua ngay nghị quyết mới. Đồng thời, tới kỳ họp cuối năm chúng ta có thể thực hiện được ngay việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chứ không thể để lâu được.

ĐBQH CAO SỸ KIÊM, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Điểm khác nhau giữa lấy và bỏ phiểu tín nhiệm

- Lấy phiếu tín nhiệm là việc QH, HĐND thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

 - Bỏ phiếu tín nhiệm là việc QH, HĐND thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được QH, HĐND tín nhiệm.

- Hệ quả: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH, Thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

(Trích Nghị quyết 35 của QH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm