Thường vụ Quốc hội mổ xẻ việc thiếu điện

Đó là những vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đặt ra khi mổ xẻ tình trạng thiếu điện tại phiên họp ngày 7-5 về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách năm 2009 và những tháng đầu năm 2010.

Có phải do độc quyền?

Tình trạng thiếu điện trầm trọng những tháng vừa qua được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn đặc biệt quan tâm. “Các địa phương phản ánh chưa năm nào bị cắt điện nhiều như năm nay. Doanh nghiệp kêu trời, nhân công mất việc làm, rất gay go” - ông phản ánh. Theo ông Trần Đình Đàn, tình trạng thiếu điện nói đã nhiều năm chứ không phải “một sớm, một chiều” nhưng vẫn không khắc phục được. “Có phải tại độc quyền của ngành điện gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhân dân? Nhà nước có đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp bị cắt điện? Đề nghị các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành nghiên cứu, nên có giải thích minh bạch với dân” - ông kiến nghị.

Chuyển tải ý kiến của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng cho biết: “Người dân đặt câu hỏi nhà nước phát triển thủy điện nhiều nhưng tại sao điện thiếu hơn trước, có phải do xuất khẩu điện sang Campuchia, Lào… Tôi thực sự lo lắng khi nền kinh tế mới ổn định lại đối mặt thiếu điện…”.

Thường vụ Quốc hội mổ xẻ việc thiếu điện ảnh 1

Nhiều ý kiến cử tri thắc mắc thủy điện được phát triển nhiều nhưng tại sao điện lại thiếu hơn trước? Ảnh: HTD

Cơ bản không thiếu mà chỉ khó khăn

Ông Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, phân trần: Về cơ bản, chúng ta không thiếu điện. Tuy nhiên, chúng ta có khó khăn tạm thời về điện do kinh tế phục hồi, nhu cầu điện tăng cao trong khi hạn hán ở Việt Nam và bên Trung Quốc làm lưu lượng nước hồ chỉ đạt 60%-70% so với bình thường. Thủ tướng đã ra chỉ thị tăng cường biện pháp giải quyết điện cho mùa khô, tiếp đó Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục có chỉ thị yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp cung ứng điện tối đa, kể cả mua điện các nguồn giá cao… “Có tin mừng là từ tháng 4 tới giờ tình hình thủy văn đã khá hơn, nước về các hồ thủy điện khá tốt, chúng tôi cố gắng đảm bảo được mỗi ngày bình quân sẽ là 280 triệu kWh. Như vậy lượng điện trong tháng 5 sẽ khá hơn và trong tháng 6 sẽ khá hơn nữa” - ông Hải cho biết.

Về chuyện doanh nghiệp bị cắt điện, ông Hải cho rằng “đây là khó khăn khách quan” và hứa với lãnh đạo Quốc hội sẽ làm việc lại với các tập đoàn cung ứng điện. Nhưng ông cũng giãi bày, cơ quan quản lý khó can thiệp vì nhiều doanh nghiệp điện đã cổ phần hóa, đứng ra tự chủ kinh doanh. “Không biết có cơ chế nào để bộ trực tiếp hơn nữa để điều hành sâu hơn, đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng điện của người dân?” - ông tự đặt câu hỏi.

Dự báo dư nợ quốc gia: 44,6%

Trình bày báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế-xã hội năm 2010, triển khai kế hoạch năm 2010 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định: Các chi tiêu về dư nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn cho phép. Tính đến ngày 31-12-2009, dư nợ Chính phủ bằng khoảng 41,9% GDP, dư nợ ngoài nước bằng 38,9% GDP.

Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cảnh báo: Do điều chỉnh bội chi ngân sách đột biến lên trên 5% GDP, cùng với tăng phát hành trái phiếu Chính phủ đã đẩy dư nợ Chính phủ tăng cao, dự kiến chiếm 44,6% GDP vào cuối năm 2010 (năm 2007 là 33,8% GDP, năm 2008 tăng lên 36,2% và 2009 là 41,9%). Dự báo năm 2010 mức dư nợ quốc gia sẽ là 44,6%.

Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế thì tỉ lệ hợp lý với trường hợp các nước đang phát triển nên ở mức dưới 50% GDP.

“Mức dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia tăng sát mức an toàn cho phép. Vay nợ trong nước và nước ngoài gặp khó khăn, phải vay với lãi suất cao, dẫn đến việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia đứng trước những khó khăn cho nhiều năm sau” - Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận định.

Lại than thở câu chuyện dự báo

Mặc dù đã đề cập nhiều lần ở diễn đàn Quốc hội, xung quanh các chỉ tiêu kinh tế-xã hội và ngân sách, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét: “Chính phủ đã cam kết với Quốc hội sai số càng giảm đi nhưng tôi thấy sai số lớn hơn, chênh lệch kết quả cuối cùng với ước đoán rất lớn”. Ông dẫn chứng: Qua giám sát Chương trình 135 về xóa đói giảm nghèo, cùng một xã có tới ba con số tỉ lệ nghèo khác nhau, không biết con số nào là chính xác nhất?!

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cung cấp: Các số liệu giữa dự báo và thực tế chênh lệch quá lớn. Năm 2009, một số địa phương như Quảng Bình có khoản chi vượt đến 840,9% so với dự toán. Đặc biệt, theo ông Vượng, công tác dự báo “có vấn đề”, khi ban hành chính sách mới chưa tính đến. Chẳng hạn, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2009 tăng tiền đền bù đất đai 1,5-5 lần, lãnh đạo địa phương rất lúng túng, không biết xoay tiền thế nào. Dự án lớn hàng trăm hecta có khi phải bỏ vì ngân sách địa phương không chịu nổi.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết các dự toán thu chi ngân sách không phải là số liệu thống kê mà là của ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ…

Cử tri huyện Bình Chánh (TP.HCM) than phiền về môi trường

(PL) Ngày 7-5, tổ đại biểu Quốc hội gồm ông Huỳnh Thành Lập, Phó Chủ tịch HĐND TP và ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.

“Môi trường ở Bình Chánh ngày càng ô nhiễm. Rạch cầu Ông Thoòng không còn con gì sống nổi, hôi thối không chịu được” - cử tri Nguyễn Thanh Nhã nói. Cử tri cũng phản ánh nước thải từ Khu công nghiệp Lê Minh Xuân làm ô nhiễm kênh A và B; một số ấp trong xã Lê Minh Xuân chưa có nước sạch để sử dụng. Các cử tri quận Bình Tân cũng phản ánh kênh Ruột Ngựa bị ô nhiễm…

Cử tri cũng phản ánh khu tái định cư số 3 (ấp 2, xã Bình Hưng) thường xuyên bị triều cường gây ngập nhà dân, học sinh đi học phải lội nước tới đầu gối… Với thông tin này, ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết ngay trong ngày 7-5, huyện sẽ họp để nghe phương án chống ngập…

NHẪN NAM

VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm