Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm về Vinashin!

Thời gian hai tiếng rưỡi quá ngắn, 19 vị đăng ký, chỉ chín người được trực tiếp hỏi-đáp với Thủ tướng.

Vấn đề Vinashin (VNS) được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ động trình bày trong bản báo cáo chuẩn bị trước gửi tới từng đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Thủ tướng đánh giá phần tài sản VNS ghi trên sổ sách hơn 104.000 tỉ đồng nhưng ra thực tế, giá trị mỗi tài sản có thể cao hoặc thấp hơn. Để làm rõ hơn các chỉ số này, hiện Thanh tra Chính phủ đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra và kiểm toán độc lập đang kiểm toán kết quả kinh doanh 2010.

Về giải pháp xử lý VNS cũng như chấn chỉnh hoạt động các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng cho biết sẽ hoàn thiện thể chế để giám sát, kiểm tra mạnh mẽ hơn, chặt chẽ trong đánh giá cán bộ nhưng vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thủ tướng cũng cho hay sẽ tổng kết thí điểm mô hình tập đoàn, sớm trình QH dự luật về sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh.

Về nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm nhất là xác định trách nhiệm cá nhân trước những sai phạm xảy ra tại VNS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém…”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm về Vinashin! ảnh 1

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng nên bắt buộc tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn phải công bố thông tin để tạo điều kiện cho người dân giám sát. Ảnh: HLS

ĐB hỏi quyết liệt

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn: “Không biết là VNS sẽ tự vay, tự trả bằng cách nào khi lãi phải trả từ 86.000 tỉ đồng vay nợ tới 15.000 tỉ đồng/năm và sau năm năm lãi mẹ đẻ lãi con, tổng số tiền VNS phải trả có thể tới 170.000 tỉ đồng. Trong khi doanh thu khả năng 2010 chỉ 13.5000 tỉ đồng và lỗ đã là 1.100 tỉ đồng. Tôi cho rằng kể cả tái cơ cấu, VNS cũng không thể tự trả nợ được, ngoại trừ bơm vốn từ ngoài hoặc được bán bất động sản đất đai trả nợ. Chính phủ xử lý thế nào? Nếu khoanh nợ không tính lãi thì số thua thiệt 15.000 tỉ đồng mỗi năm ảnh hưởng thế nào đến hệ thống tài chính?”.

Từ chuyện VNS, bà Loan hỏi Thủ tướng có kế hoạch tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty khác không, nhất là Tập đoàn Dầu khí PVN. Theo bà, PVN cũng đang đầu tư dàn trải sang bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, bất động sản, khách sạn, thậm chí taxi…

Quyết liệt hơn, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng việc Thủ tướng ký quyết định để ông Phạm Thanh Bình là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VNS là vi phạm Điều 33 Luật Doanh nghiệp nhà nước. “Tôi biết Thủ tướng, các phó thủ tướng và các thành viên Chính phủ đang kiểm điểm trước Ủy ban Kiểm tra trung ương. Nhưng đây là QH, là trả lời trực tiếp trước dân, chúng tôi mong đợi sự tự phê bình mạnh mẽ hơn của Chính phủ”.

ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định) bày tỏ lo ngại việc kiểm điểm trách nhiệm trong vụ VNS của lãnh đạo và các thành viên Chính phủ, được Bộ Chính trị yêu cầu hoàn tất trước Hội nghị Trung ương 14, thời gian không còn nhiều. Đây là thời điểm nhạy cảm, nếu làm qua loa thì e sự việc sẽ phức tạp hơn. “Chính phủ đã ra nghị quyết về việc này, vậy Thủ tướng chỉ đạo thực hiện thế nào?”.

Thủ tướng đáp thẳng thắn

ĐB Nguyễn Minh Thuyết chất vấn Thủ tướng về việc website Chính phủ vừa rồi đăng tải một số bài mà ông cho rằng “công kích, chụp mũ ĐBQH”. Ai chỉ đạo đăng? Là cơ quan chấp hành của QH, Chính phủ để xảy ra như vậy có khiến dân thắc mắc về thái độ tự phê bình của Chính phủ?

Thủ tướng trả lời không chỉ đạo trực tiếp, quản lý trực tiếp tờ báo nào. Còn website Chính phủ là báo điện tử thuộc Văn phòng Chính phủ, do chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo. Giống như mọi tờ báo khác, nếu đăng tải sai pháp luật, sai chủ trương của Đảng thì phải chịu trách nhiệm về việc đăng tải của mình…

Trả lời các chất vấn trên, Thủ tướng nói rằng thực hiện đề án tái cơ cấu VNS là việc rất khó khăn nhưng đồng thời khẳng định VNS có triển vọng và đề án có khả thi. “Ở đây, tôi không thể trình bày cụ thể làm chiếc tàu nào, lãi bao nhiêu, trả nợ năm nào, bao nhiêu. Còn nội dung cụ thể, Ban chỉ đạo tái cơ cấu, HĐQT VNS sẽ sẵn sàng trình bày để ĐB Loan góp ý kiến”.

Về trường hợp ông Phạm Thanh Bình, Thủ tướng giải trình: Năm 1996, khi VNS còn là Tổng Công ty 91, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã bổ nhiệm ông Bình làm tổng giám đốc. Đến năm 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định ông Bình đồng thời làm chủ tịch HĐQT… Lúc ấy, lãnh đạo Chính phủ cũng nhận thức được vấn đề này và có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng và VNS, dự kiến thực hiện cơ chế tổng giám đốc thuê, để bổ nhiệm theo đúng quy định. Nhưng rồi đến khi thí điểm nâng VNS lên tập đoàn vẫn chưa tìm được người nên phải tiếp tục để ông Bình kiêm hai chức. Đây là một nguyên nhân dẫn tới chuyên quyền, độc đoán, mất kiểm soát ở VNS và lãnh đạo Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.

Với câu hỏi từ bài học VNS, có đặt vấn đề tái cơ cấu các tập đoàn khác không, Thủ tướng nói không dùng từ “tái cơ cấu”. Thay vào đó sẽ rà soát lại các tập đoàn, tổng công ty, phát huy mặt mạnh và khắc phục yếu kém. Riêng trường hợp PVN, báo cáo của Bộ Tài chính và các bộ chức năng khẳng định đang hoạt động hiệu quả.

Với các câu hỏi về trách nhiệm cá nhân và các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hiện đang kiểm điểm theo yêu cầu của Bộ Chính trị, tinh thần là làm nghiêm túc, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước. Kết quả kiểm điểm sẽ báo cáo với Hội nghị Trung ương 14 và sẽ công khai.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm về Vinashin! ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm về Vinashin! ảnh 3

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm