Thiếu chế tài hành vi cản trở hoạt động báo chí

Tại buổi hội thảo Góp ý xây dựng Luật Báo chí dành cho các cơ quan báo chí phía Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 28-5, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí có chung đề xuất: Để những quy định của luật phát huy hiệu quả cần phải có chế tài đối với các hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động báo chí.

Gỡ vướng để báo chí hoạt động tốt hơn

Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông đề xuất: Trong điều kiện hội nhập, nên chăng cần tính đến việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên báo chí của người nước ngoài cư trú, làm ăn sinh sống ở Việt Nam, chẳng hạn tạo điều kiện, cho phép họ phát ngôn về những vấn đề nhiều người quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh… Ông Thông cũng quan tâm đến những nhà báo chưa có thẻ. Số này chưa được cấp thẻ do chưa đủ niên hạn theo quy định nhưng họ cũng đang hoạt động báo chí như nhà báo. Ông Thông đề nghị bổ sung các quy định quản lý đối với đối tượng này.

Tổng biên tập báo Người Lao Động Đỗ Danh Phương nêu vướng mắc trong việc bảo vệ nguồn tin. Bảo vệ nguồn tin là quyền và nghĩa vụ của cơ quan báo chí, nhà báo theo luật định nhưng không ít trường hợp các cơ quan chức năng không có thẩm quyền vẫn cứ truy hỏi nguồn tin. Gặp các trường hợp như vậy có thể từ chối nhưng rất áy náy và mất lòng. Ông Phương đề nghị quy định rõ trong luật: Nghiêm cấm cá nhân, cơ quan, tổ chức không có thẩm quyền truy hỏi nguồn tin.

Đại diện Đài PT-TH Vĩnh Long đề nghị cần quy định thoáng hơn về liên kết trong hoạt động báo chí. Tổng Biên tập tạp chí Khám Phá Lương Thị Bích Ngọc nêu băn khoăn về việc khống chế số lượng cập nhật thông tin trên tạp chí điện tử…

Luật báo chí mới góp phần tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Ảnh: HTD

Đổi mới mô hình tổ chức hoạt dộng báo chí

Dự thảo lần này xác định mô hình người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc; dưới tổng giám đốc có một hoặc nhiều tổng biên tập, những người trực tiếp thực hiện công việc xuất bản báo chí. Quy định như vậy để phù hợp với thực tế hiện nhiều cơ quan báo chí có nhiều ấn bản, nhiều loại hình. Tuy nhiên, dự thảo luật yêu cầu về tiêu chuẩn, tổng giám đốc, giám đốc và cấp phó chỉ cần có trình độ đại học nói chung mà không cần đại học báo chí hay chuyên ngành như đối với tổng biên tập, phó tổng biên tập. Tổng Biên tập Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Trần Thị Ngọc Huệ nêu băn khoăn: Như thế liệu có “ưu ái” đối với chức danh tổng giám đốc, giám đốc?

Cũng từ ý kiến của bà Huệ, Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng xác định rõ: Cơ quan báo chí có thể tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Theo mô hình nào là do cơ quan báo chí lựa chọn.

Trong phần giới thiệu dự thảo, Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng cho biết: Dự thảo đã tiếp thu nhiều điều từ kiến nghị, góp ý của các cơ quan báo chí và làm rõ nhiều quy định. Chẳng hạn dự thảo lần này quy định theo hướng chỉ cần có thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu là đủ điều kiện để tác nghiệp chứ không bắt buộc phải có cả hai; việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động báo chí được quy định phù hợp với các quy định về tố tụng. theo đó, khởi kiện là quyền đương nhiên của các cá nhân, tổ chức, họ có quyền kiện thẳng ra tòa mà không phải qua bước khiếu nại với cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản…

Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Hoàng Chương tâm đắc với những điều này và góp ý thêm: Nên chăng quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục, quy trình giải quyết khiếu nại trong hoạt động báo chí để thực hiện thống nhất. Bởi khiếu nại trong lĩnh vực báo chí có đặc thù riêng, việc giải quyết không hoàn toàn theo Luật Khiếu nại và cũng không theo thủ tục tố tụng hành chính. Về cải chính, trong các thành phần đứng tên cải chính, xin lỗi liệu có cần thiết bổ sung vai trò trách nhiệm của biên tập viên. Bởi nhiều trường hợp PV không sai nhưng biên tập viên - người đứng sau, người không đứng tên tác giả biến “trâu lành thành trâu què”, khi cải chính bắt PV nhận lỗi, xin lỗi còn biên tập viên “né” trách nhiệm là không công bằng!

Ban soạn thảo, Ban biên tập dự án Luật Báo chí mới cho biết sẽ tiếp tục đón nhận các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo luật này.

Theo dự thảo, trưởng, phó trưởng văn phòng đại diện và PV thường trú bắt buộc phải có thẻ nhà báo được cấp tại cơ quan báo chí có văn phòng đại diện, cử PV thường trú. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Võ Văn Long cho rằng đòi hỏi như vậy là quá cao, rất khó thực hiện. Thực tiễn, nhiều cơ quan báo chí nhận người từ cơ quan báo chí khác về và bổ nhiệm làm trưởng, phó văn phòng đại diện cử PV thường trú. Họ đã có thẻ nhà báo của cơ quan cũ thì hoàn toàn có đủ điều kiện để làm trưởng, phó văn phòng đại diện cử PV thường trú. Quy định họ phải có thẻ nhà báo của cơ quan báo chí có văn phòng đại diện sẽ gây khó khăn cho hoạt động chung vì việc cấp thẻ nhà báo phải có đợt chứ không thể muốn xin cấp lúc nào cũng được.

Phản hồi ý kiến, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn giải thích quy định như vậy nhằm mang tính chính danh. Không thể một người được cấp thẻ nhà báo ở cơ quan báo chí này lại đi làm trưởng, phó văn phòng đại diện, PV thường trú của cơ quan báo chí khác. Nếu thẻ không phải của cơ quan báo chí có văn phòng đại diện, cử PV thường trú thì phải đổi thẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm