Thêm ba tàu cá Việt Nam bị uy hiếp

Sáng 2-6, Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết đã tiếp nhận báo cáo vụ ba tàu cá của ngư dân tỉnh này bị một tàu vũ trang và máy bay nước ngoài uy hiếp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Bị máy bay uy hiếp

Sáng cùng ngày, ông Trần Văn Hoàng (ở phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên), thuyền trưởng tàu PY-90972, đại diện ba tàu cá trên đã đến Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng thuộc Đồn Biên phòng 352 Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên báo cáo sự việc. Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Đội phó Đội Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng, người tiếp nhận thông tin trên, cho biết tàu của ông Hoàng cập cảng cá phường 6 ngày 31-5 và bị lỗ nặng vì suốt hơn một tháng hầu như không đánh bắt được gì. Cùng nhóm đánh bắt với tàu ông Hoàng còn có hai tàu cá khác là PY-92999TS và PY-90297, tổng cộng ba tàu này có 30 ngư dân.

Lúc 16 giờ chiều 16-5, trong khi ba tàu cá trên đang đánh bắt ở vùng biển cách đảo Song Tử Tây thuộc huyện Trường Sa (Khánh Hòa) gần 40 hải lý thì bất ngờ một tàu vũ trang cùng một chiếc trực thăng lạ xuất hiện. Ông Hoàng kể: “Chiếc tàu vũ trang tiến sát gần chúng tôi với tốc độ rất nhanh. Chúng tôi chưa kịp phản ứng thì một chiếc trực thăng liên lục lượn vòng trên đầu, gầm rú rất ghê rợn. Chúng tôi vừa nằm rạp xuống để tránh bị gió quạt rơi khỏi tàu thì bất ngờ một chiếc phản lực khác bay vút đến ngay trước mũi tàu cá chúng tôi. Nhiều lúc chúng tôi phải ôm đầu, bịt tai vì chịu không nổi tiếng gầm rú ầm ầm của máy bay ngay trên đầu mình!”. Suốt ba ngày sau đó, chiếc tàu quân sự cùng chiếc trực thăng nói trên không rời khỏi tàu cá của ông Hoàng. Riêng chiếc trực thăng cứ liên tục quần đảo, cứ lượn một vòng rồi dừng lại ngay trên đầu tàu cá.

Ông Đỗ Văn Chung, thuyền trưởng tàu PY-90297, cũng vừa trở về từ sau chuyến đánh bắt đầy bất an trên, bày tỏ sự phẫn nộ: “Tiếng máy bay tra tấn chúng tôi suốt ba ngày, làm sao đánh bắt được?”.

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền cho biết: “Lâu nay đã xảy ra nhiều trường hợp tàu cá của ngư dân Việt Nam bị các tàu vũ trang nước ngoài uy hiếp. Song những vụ gần đây cho thấy mức độ khá nguy hiểm. Đó là vụ các tàu cá của ngư dân Phú Yên bị tàu hải quân Trung Quốc có trang bị nhiều vũ khí nổ súng uy hiếp, xua đuổi ngay trên vùng biển của Việt Nam và vụ dùng máy bay áp đảo ngư dân mà chúng tôi vừa nhận được thông tin. Chúng tôi đang tiếp tục nắm tình hình và vẫn giữ liên lạc thường xuyên với ngư dân để hỗ trợ bà con biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn trong quá trình đánh bắt và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.

Thêm ba tàu cá Việt Nam bị uy hiếp ảnh 1

Ông Trần Văn Hoàng, thuyền trưởng tàu PY-90972, chỉ chiếc tàu của mình bị máy bay quần đảo, uy hiếp. Ảnh: TẤN LỘC

Yên tâm hơn vì có hải quân Việt Nam

Sau khi bị máy bay nước ngoài liên tục uy hiếp, hai chiếc tàu cá của ông Hoàng và ông Chung vẫn tiếp tục đánh bắt ở gần đảo Đá Nam. Ông Hoàng nói: “Đánh bắt ở gần các đảo có lực lượng hải quân Việt Nam canh giữ, chúng tôi yên tâm lắm. Suốt những ngày sau đó, tàu chúng tôi không bị quấy nhiễu hay uy hiếp nữa”.

Chiều 2-6, với sự hỗ trợ của thuyền trưởng Lê Văn Quang, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc được với ông Lê Văn Giúp, thuyền trưởng tàu cá PY-92305TS vừa bị ba tàu vũ trang Trung Quốc nổ súng bắn đuổi vào ngày 31-5. Với giọng nói đã tự tin hơn, thuyền trưởng Giúp cho biết: “Sau khi bị tàu hải quân 998 của Trung Quốc nổ súng uy hiếp, rượt đuổi, chúng tôi vào đảo Đá Đông để ký xác nhận chuyến biển. Nhờ anh em hải quân Việt Nam hỗ trợ, tụi tui đã vững tâm lại. Hiện tụi tui tiếp tục câu cá ngừ đại dương ở gần đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có lực lượng hải quân Việt Nam canh giữ”.

Trung Quốc đang đe dọa sử dụng vũ lực

Trung Quốc hiện đang sử dụng cả hai biện pháp để lấn chiếm khu vực biển Đông: Một là nói sẵn sàng đàm phán, thứ hai là vẫn thực hiện những biện pháp xâm lấn trên thực địa. Đó là họ cố tình đánh lừa dư luận rằng “tôi vẫn sẵn sàng đàm phán” nhưng trên thực tế họ đang đe dọa sử dụng vũ lực. Đó là luận điệu quen thuộc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Chúng ta cần bác bỏ luận điệu này...

Việt Nam - Trung Quốc đang tiến hành đàm phán về Thỏa thuận nguyên tắc về vấn đề trên biển, việc đàm phán này cũng trên tinh thần tôn trọng Công ước Luật Biển năm 1982. Trong khi đàm phán, hai bên không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình. Do vậy, việc Trung Quốc đơn phương cắt cáp của Việt Nam là hành động sử dụng vũ lực có tính chất răn đe là không thể chấp nhận được, trên quan điểm là hai nước bình đẳng có chủ quyền.

PGS-TS NGUYỄN HỒNG THAO, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia (Theo baodatviet.vn ngày 2-6)

Phản đối hải quân Trung Quốc

Ngày 2-6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam khi ngư dân đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.

Nên sớm thành lập lực lượng kiểm ngư chuyên trách

Trong tình hình ngày càng có nhiều tàu vũ trang, tàu cá Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng tôi đề nghị Nhà nước nên sớm thành lập lực lượng kiểm ngư chuyên trách với nhân lực đủ mạnh, trang thiết bị, phương tiện hiện đại, đảm bảo cơ động trên toàn vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để vừa bảo vệ tài nguyên vừa hỗ trợ ngư dân đánh bắt. Đồng thời, đề nghị Nhà nước tiếp tục tăng cường lực lượng, trang thiết bị, phương tiện hiện đại cho lực lượng bộ đội biên phòng đảm bảo yêu cầu tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng lãnh hải của Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN TRỌNG HUYỀN, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm