Thanh tra nhân dân còn thiếu điều kiện phát huy

Số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh thực trạng hoạt động èo uột, hình thức, thiếu hiệu quả của thanh tra nhân dân (TTND). Trong khi đó, TTND luôn được xem là mạng lưới tai mắt của nhân dân trong thế trận phòng, chống tham nhũng. Vậy phải làm gì để lực lượng này hoạt động thực chất hơn, góp phần hữu hiệu vào công cuộc chống tham nhũng?

NGUYỄN THỊ NGỌC NGA, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM:

Thay đổi nhận thức của chính quyền

TTND có lực lượng đông đảo, gắn bó sâu rộng với địa bàn sẽ là đội ngũ nòng cốt tiếp nhận thông tin ban đầu về sai phạm, tiêu cực và kiến nghị với chính quyền địa phương. Từ những kiến nghị đó, thanh tra nhà nước, công an, viện kiểm sát, tòa án sẽ vào cuộc theo trình tự, thẩm quyền để đấu tranh trực tiếp với tội phạm tham nhũng. Các cơ quan chức năng dù có thể triệt phá một số vụ án tham nhũng lớn nhưng sẽ khó đạt hiệu quả đấu tranh với nạn tham nhũng nếu đơn độc, thiếu vắng mạng lưới tai mắt người dân.

Tham nhũng khó dám hoành hành khi biết mạng lưới giám sát của nhân dân trải rộng khắp địa bàn cơ sở. Cán bộ, viên chức cũng khó dám lạm quyền, gây khó, nhũng nhiễu người dân khi thực thi công vụ. Công trình công cộng cũng không còn cảnh bị bỏ mặc cho thi công kém chất lượng “cha chung không ai khóc”… bởi tất cả được giám sát thường xuyên từ mạng lưới người dân.

Thanh tra nhân dân còn thiếu điều kiện phát huy ảnh 1

Tham nhũng khó dám hoành hành khi biết mạng lưới giám sát tích cực của nhân dân trong những công trình của địa phương. Ảnh: HTD

Thanh tra TP.HCM cũng đang triển khai chương trình hành động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban TTND. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức của chính TTND, đồng thời bồi dưỡng thêm kiến thức pháp luật và kỹ năng giám sát ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Nhưng quan trọng nhất chính là phải thay đổi được nhận thức của các cơ quan nhà nước, người lãnh đạo, công chức, đảng viên về vai trò TTND để chính quyền cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức này hoạt động.

Kiến nghị của TTND phải được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trả lời để thông tin cho người dân rõ. Kết quả xử lý sai phạm cần thông báo rộng rãi để củng cố niềm tin, khuyến khích người dân cung cấp thông tin sai phạm. Kết quả xác minh một số thông tin phản ánh sai lệch do động cơ cá nhân, hiểu sai sự việc cũng phải được công bố, giải thích rõ ràng để tránh việc khiếu tố sai, kéo dài, mất đoàn kết.

Thanh tra TP cũng đề nghị hỗ trợ kinh phí cho những ban TTND hoạt động hiệu quả cao, phát hiện nhiều vụ việc tiêu cực và khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, đơn vị có đóng góp quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ông LÊ HIẾU ĐẰNG, Phó Chủ nhiệm Hội đồngTư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam):

Phát huy dân chủ cơ sở

Ở một số nơi, hoạt động Ban TTND trầm lắng đến mức gần như “ẩn mình” chờ… hết nhiệm kỳ. Luật Thanh tra quy định quyền và trách nhiệm của TTND rất rộng nhưng thực tế còn nhiều rào cản và cũng chưa có quy định chế tài cụ thể những hành vi cản trở tiếp cận giám sát, chậm hoặc không trả lời kiến nghị, không làm rõ kiến nghị để sai phạm kéo dài…

Vấn đề cốt lõi chính là dân chủ cơ sở đã thực sự ngấm và được thực hiện đến đâu? Chính quyền cấp cơ sở phải nhận thức đúng và đầy đủ quyền giám sát cơ quan nhà nước, giám sát cán bộ là quyền của dân, quyền của những người chủ đất nước. Chỉ có dân chủ thật sự mới phát huy sức mạnh của toàn dân trên mặt trận chống tham nhũng. Để phát huy dân chủ cơ sở thì phải công khai minh bạch chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của công chức, cơ quan chức năng đó để người dân thuận tiện kiểm tra, giám sát, thực hiện quyền làm chủ của mình. Kiến nghị của TTND phải làm rõ, trả lời công khai sự việc có hay không có sai phạm. Xử lý sai phạm của cán bộ, đảng viên cũng phải công khai để răn đe và củng cố niềm tin trong nhân dân.

Thí điểm Ban TTND kiểu mẫu

“Nâng cao nhận thức và hoạt động của Ban TTND trong phòng, chống tham nhũng (PCTN)” của Thanh tra TP.HCM là một trong những đề án đạt giải chương trình “Sáng kiến PCTN Việt Nam năm 2011” và đang được triển khai tại một số nơi ở TP.HCM.

Cụ thể, đề án này tổng hợp các quy định pháp luật về PCTN để cấp phát tài liệu, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho TTND; thí điểm xây dựng ở quận 10 và huyện Củ Chi hai ban TTND kiểu mẫu am hiểu nghiệp vụ, dám nói, dám đấu tranh. Sau khi sơ kết hiệu quả của mô hình sẽ mở rộng phạm vi áp dụng ở một số phường, xã khác.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm