Thảm đỏ nào cho trí thức ngoài Đảng? - Bài 3: Nỗ lực gắn kết

Bài 1: Chuyện của “chú Kiệm” - thợ làm nhà cho Bác

Bài 2: Thăng trầm lịch sử

Sau 1954 thể hiện rõ xu hướng tăng cường đảng viên nắm giữ các vị trí quản lý. Theo chiều dài tiến trình xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, có một thời kỳ lại xuất hiện khuynh hướng nhấn mạnh tiêu chuẩn đảng viên lâu năm, có thành tích, từ đó làm căn cứ đưa sang lãnh đạo chính quyền.

Chưa có một công bố chính thức nào về tỷ lệ người ngoài Đảng Cộng sản tham gia các cấp chính quyền. Tuy nhiên, điểm lại danh sách thành viên Chính phủ từng khóa, có thể thấy số nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng tham gia Chính phủ khá nhiều cho đến năm 1960. Đến nhiệm kỳ 1976-1981, trong Chính phủ chỉ còn một bộ trưởng không phải đảng viên.

Tăng cường đảng viên làm quản lý

Từ sau 1954, lớp cán bộ-đảng viên mới dần dần hình thành. Một phần từ quân ngũ chuyển sang, phần khác là trí thức trẻ được đào tạo trong chế độ mới hoặc được cử đi học ở Trung Quốc, Liên Xô về. Theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, từ sau hòa bình lập lại, Đảng có chủ trương nắm chặt công tác cán bộ, tăng cường đưa đảng viên vào nắm giữ vị trí quản lý.

Mặt khác, lối quản lý bao cấp thời chiến cũng khiến cho người ta ai ai cũng phải tìm cách “có chân trong tổ chức”, xin vào làm cho nhà nước, tham gia các tổ chức đảng, đoàn. Ông Túc, người từng làm thư ký cho ông Hoàng Quốc Việt, ông Lê Quang Đạo - hai lãnh đạo cao cấp của Đảng, kể: “Thời đó, cha mẹ không tham gia hợp tác xã thì con cái có vào quân đội thì cũng khó được đề bạt. Học sinh không phải đoàn viên thì không được vào đại học; không phải đảng viên thì khó đi nghiên cứu sinh...”.

Các yếu tố trên cùng với những quan điểm đôi lúc cực đoan, cứng nhắc về đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, về tổ chức chính quyền cách mạng... dẫn tới tỷ lệ đảng viên nắm giữ các vị trí lãnh đạo của bộ máy quản lý nhà nước ngày càng cao...

Từ đó, xuất hiện khuynh hướng nhấn mạnh tiêu chuẩn đảng viên lâu năm, có thành tích để làm căn cứ đưa sang lãnh đạo chính quyền. Vai trò của người tài ngoài Đảng phần nào bị xem nhẹ. Tỷ lệ đảng viên nắm giữ các vị trí lãnh đạo của bộ máy quản lý nhà nước ngày càng cao. Cơ cấu nhân sự đó kéo dài cho tới “đêm trước đổi mới”.

Giáo sư Tôn Thất Bách trong hội nghị trao đổi khoa học-y học Việt Nam -Canada 1997
Giáo sư Tôn Thất Bách trong hội nghị trao đổi khoa học-y học Việt Nam -Canada 1997

Nhìn thẳng sự thật

Đại hội VI diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước lâm vào thế trì trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, đại hội chỉ ra một số sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện... Văn kiện đại hội nêu rõ: “Những sai lầm đó bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng...”.

Tham gia Ban Chấp hành Trung ương từ những năm đầu đổi mới, nguyên Bộ trưởng Nội vụ, Phó Ban Tổ chức trung ương Đỗ Quang Trung kể: “Đại hội VI đã thổi “luồng gió mới” vào kỳ bầu cử Quốc hội khóa VIII tổ chức sau đó. Nhiều trí thức có uy tín trúng cử và nắm chức vụ cao. Chẳng hạn, luật gia Ngô Bá Thành đắc cử chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; TS Nguyễn Xuân Oánh - cựu phó thủ tướng chính quyền Sài Gòn tham gia Ủy ban Kinh tế-Ngân sách. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - trí thức chế độ Sài Gòn đắc cử phó chủ tịch Quốc hội...”.

Chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh họp với các ủy viên trung ương tham gia Quốc hội và các trưởng đoàn đại biểu giải thích rõ yêu cầu đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, về tính đại diện, tính đại biểu trong cơ cấu lãnh đạo. Lúc đó, nhiều người phân vân rằng ông Oánh từng tham gia ngụy quyền; bà Phượng thì chưa phải là ủy viên trung ương, chồng lại sang Mỹ... Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phải kiên trì thuyết phục rằng những nhân sĩ, trí thức đó sẽ là ngọn cờ tập hợp lực lượng, là biểu hiện sinh động của chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Ông Trung nói: “Sau này, khi làm công tác tổ chức Chính phủ, Quốc hội và HĐND, tôi nhớ mãi hình ảnh đó và liên tưởng tới tư tưởng của Hồ Chủ tịch ngày lập nước. Đó là việc bố trí rất tinh tế giữa người trong Đảng và nhân sĩ ngoài Đảng, tập hợp được lực lượng rất thực chất. Điều này thể hiện tư duy lãnh đạo công tác cán bộ rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng, người trí thức chế độ Sài gòn đắc cử Phó chủ tịch, quốc hội trong những năm đầu đổi mới.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng, người trí thức chế độ Sài gòn đắc cử Phó chủ tịch, quốc hội trong những năm đầu đổi mới.

Nỗ lực tìm hiền tài

Sau Đại hội VI, việc đưa ra chỉ tiêu cơ cấu người ngoài Đảng trong Quốc hội trở thành việc làm thường xuyên. Đảng cũng tính tới việc xác lập cơ chế để người không phải đảng viên mà có năng lực quản lý có thể tham gia các vị trí lãnh đạo bộ, ngành trung ương.

Tuy nhiên, có trường hợp chính quy trình cán bộ đã vô hiệu hóa sự lựa chọn của Đảng. Ông Đỗ Quang Trung cho biết: “Tôi tham gia làm tổ chức Chính phủ mấy khóa, cũng có gợi ý một số đồng chí không phải đảng viên làm thứ trưởng, bộ trưởng. Nhưng rồi ta cứ làm bằng quy trình nhân sự thông thường - lấy tín nhiệm từ cấp này tới cấp khác nên người được đề xuất không “vô” được...”.

Bác sĩ Tôn Thất Bách là trường hợp điển hình. Ông Nguyễn Túc kể: Chuẩn bị nhân sự Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007, các đồng chí lãnh đạo cấp cao quyết tâm mời bác sĩ Bách làm bộ trưởng Bộ Y tế. Vậy nhưng cấp ủy ở nơi ông Bách công tác không thông với dự kiến của trung ương. Tại Trường đại học Y Hà Nội, trong một cuộc họp đã có người chất vấn tại sao Hiệu trưởng Tôn Thất Bách chưa vào Đảng. Còn tại Bệnh viện Việt-Đức, có vị trong cấp ủy còn viết đơn gửi lên trung ương phản ứng tại sao một người chưa phải đảng viên lại được bổ nhiệm làm giám đốc. Vì vậy, tới khâu lấy phiếu tín nhiệm nơi công tác thì bác sĩ Bách không đạt. Sau đó, ông Bách được Quốc hội tín nhiệm bầu làm phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội chứ không tham gia bộ máy chính quyền.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm