Tăng quyền quyết định nhân sự cho bộ trưởng

Dự thảo gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương cho thấy các quy trình nhân sự vẫn được thực hiện trên nguyên tắc tập thể với sự tham gia sát sao của cấp ủy Đảng. Tuy nhiên, người đứng đầu có thêm khá nhiều quyền với lá phiếu nặng ký hơn.

Chẳng hạn, với cán bộ thuộc quyền quyết định của Thủ tướng, quy trình như sau. Trước tiên, bộ trưởng và tập thể ban cán sự đề xuất phương án nhân sự căn cứ vào nguồn quy hoạch cùng đánh giá của cán bộ, công chức trong đơn vị. Sau đó phải lấy ý kiến tín nhiệm của cán bộ chủ chốt, rồi cấp ủy cơ quan tham gia ý kiến. Tiếp đó, ban cán sự biểu quyết đề cử ứng viên chính thức để trình lên Thủ tướng quyết định. Nếu số phiếu các ứng viên ngang nhau thì lấy theo ý kiến của bộ trưởng. Trường hợp bộ trưởng đứng bên thiểu số thì báo cáo xin chỉ đạo của Thủ tướng.

Cũng theo dự thảo, nhân sự dự kiến giới thiệu để bầu làm chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp tỉnh đều phải qua Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Tổ chức trung ương. Riêng đối với TP.HCM và Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ phải trình Bộ Chính trị phương án nhân sự. Chức danh phó chủ tịch của hai thành phố trên và chủ tịch các tỉnh, thành khác thì chỉ trình lên Ban Bí thư quyết định. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư trung ương, HĐND địa phương mới bầu theo giới thiệu này.

Dự thảo quy định khá chặt chẽ nguyên tắc cán bộ đến tuổi nghỉ hưu là phải nghỉ. Theo đó, công chức lãnh đạo sau khi hết nhiệm kỳ, tuổi chỉ còn từ đủ ba năm đến dưới năm năm công tác, nếu cho tái bổ nhiệm cũng chỉ tính thời hạn đến đủ tuổi nghỉ hưu.

Về thủ tục từ chức, miễn nhiệm, dự thảo quy định: Công chức lãnh đạo tự xét thấy không đủ sức khỏe, năng lực để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, hoặc có lý do cá nhân thì có thể làm đơn xin từ chức. Trong thời hạn một tháng sau khi nhận đơn, người đứng đầu đơn vị cùng tập thể cấp ủy, tập thể cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ phải xem xét quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Khi đơn từ chức chưa được cấp có thẩm quyền chuẩn y thì người đó vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đáng chú ý, quy chế là văn bản công khai song nhân sự cụ thể đang được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, giới thiệu ứng cử, phê chuẩn... chỉ được đưa tin trên báo chí khi quyết định nhân sự đã được công bố.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm