Tăng lương sớm: Thử thách lớn với doanh nghiệp trong nước

Ngày 6-7, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp (DN), đại diện các sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các địa phương về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng sớm ba tháng so với lộ trình (dự kiến áp dụng từ ngày 1-10 năm nay thay vì 1-1-2012). Đa số ý kiến từ các DN và đại diện người lao động đồng tình với mức tăng lương do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất. Tuy nhiên, về thời điểm tăng và mức độ ảnh hưởng của DN lại có những ý kiến khác nhau.

Dệt may, da giày ảnh hưởng nặng nhất

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), phân tích: Theo phương án điều chỉnh lương được Bộ đề xuất, DN trong nước sẽ phải chi trả lương tối thiểu tăng thêm 530.000-570.000 đồng cho mỗi bậc lương. Trong khi đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) chỉ phải tăng lương 300.000-380.000 đồng/bậc lương. “Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, DN dệt may, giày da sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất của đợt tăng lương này với mức chi phí đầu vào tăng 1,8%-2%” - bà Minh cho biết.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân phân tích thêm: “Dệt may, da giày là nhóm ngành sử dụng nhiều lao động, lao động có trình độ thấp nên bậc lương chủ yếu bám vào mức lương tối thiểu. Nhóm các ngành thâm dụng lao động này sẽ chịu ảnh hưởng nhiều khi điều chỉnh lương tối thiểu nhưng về lâu dài, nước ta vẫn phải duy trì những ngành gia công như vậy để giải quyết tình trạng thất nghiệp”.

Ở góc độ người trong cuộc, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, trình bày: “Chúng tôi đang gặp khó khăn cả đầu ra lẫn đầu vào. Giá điện, giá xăng, giá vốn tăng. Đầu ra thì khó tiêu thụ sản phẩm vì kinh tế khó khăn, ai cũng thắt chặt hầu bao, ít chi cho may mặc. Chưa kể còn có khó khăn từ chính sách tỉ giá: DN dệt may là DN xuất khẩu nhưng hiện tại trên thế giới giá USD thấp, chính sách của nước ta cũng giữ tỉ giá thấp khiến DN xuất khẩu thiệt thòi hơn DN nhập khẩu”…

Tăng lương sớm: Thử thách lớn với doanh nghiệp trong nước ảnh 1

Dệt may, giày da sẽ là nhóm DN chịu ảnh hưởng mạnh nhất của đợt tăng lương này. Ảnh: CTV

Nhà nước cần hỗ trợ DN

Bà Dung và đại diện một số DN đề nghị trong hoàn cảnh khó khăn này, Nhà nước cần giảm lãi suất ngân hàng để giúp cho DN có thể hoạt động, đồng thời giãn thuế thu nhập DN. “Theo tôi, nên lùi thời hạn tăng lương đến giữa năm sau và tăng cường các giải pháp hỗ trợ DN trong nước” - bà Dung kiến nghị.

Tuy nhiên, ông Ngô Chí Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN-KCX Hà Nội, lại cho rằng tăng lương như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH là cần thiết và phải tăng càng sớm càng tốt. “Vừa rồi sự cố ở DN Giai Đức (bảo vệ tông xe vào công nhân đình công - NV) có nguyên nhân một phần do lương trả cho công nhân quá thấp, chỉ ở mức 1,420 triệu đồng/người/tháng, không có một hỗ trợ nào khác. DN Giai Đức vừa mới được điều chỉnh từ vùng III lên vùng II nên mới có mức lương ấy, chứ trước đó lương còn thấp hơn nữa. Công nhân làm tích cực lắm, tăng ca liên tục nhưng lương như thế thì không sống được!” - ông Hùng nói.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng trong kinh tế thị trường, lương là vấn đề của người lao động và người sử dụng lao động. Chính phủ chỉ quy định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận. “Hiện nay DN tự quyết mức lương. Lẽ ra công đoàn - cơ quan đại diện cho người lao động phải biết, bàn, quyết định, giám sát việc trả lương nhưng trên thực tế gần như không làm được. Nếu các bên thỏa thuận tốt thì việc điều chỉnh lương tối thiểu sẽ không bị sức ép như hiện nay” - ông Huân nói.

Quy định bắt buộc về tiền ăn giữa ca

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay Nhà nước không quy định DN phải hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế các DN đều hỗ trợ tiền ăn giữa ca với mức phổ biến 8.000-12.000 đồng/bữa/người. Trước tình hình giá cả tăng cao, dự kiến từ ngày 1-10 năm nay, Chính phủ sẽ quy định cứng một mức sàn tiền hỗ trợ ăn trưa là 15.000 đồng/bữa/người.

Trước thông tin này, đại diện các ban quản lý KCN-KCX nhiều địa phương đã bày tỏ sự đồng tình cao. Ông Ngô Chí Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN-KCX Hà Nội, cho biết ở Hà Nội có những DN FDI chỉ chi tiền ăn trưa cho công nhân 8.000 đồng/suất. Thậm chí có DN công nhân còn phải ăn suất cơm 6.000 đồng, suất ăn không có gì ngoài cơm. “Vừa rồi một công ty ở Hà Nội, bữa ăn giữa ca 12.000 đồng/suất, đạm bạc quá công nhân bỏ không ăn, ông chủ phải tăng suất ăn lên 15.000 đồng/suất” - ông Hùng cho biết.

Mức tăng lương phải cao hơn nữa

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, lương tối thiểu vùng cần tăng cao hơn so với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH mới đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Cụ thể, Tổng LĐLĐ đề xuất lương tối thiểu vùng như sau: Vùng I là 2,2 triệu đồng/tháng (mức đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH là 1,9 triệu đồng), vùng II là 2 triệu đồng/tháng (mức đề xuất: 1,73 triệu đồng), vùng III là 1,8 triệu đồng/tháng (mức đề xuất: 1,55 triệu đồng), vùng IV là 1,6 triệu đồng/tháng (mức đề xuất: 1,4 triệu đồng).

ÔngTRẦN VĂN TƯ, Trưởng phòng Cơ chế chính sách, Ban Chính sách Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam

DN chỉ bám vào khung lương tối thiểu

Tại Hà Nội có 34 vụ đình công trong sáu tháng đầu năm 2011. Đáng lưu ý là năm nay công nhân không đòi phụ cấp mà chủ yếu là đòi tăng lương. Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN-KCX Hà Nội, 257 DN có vốn nước ngoài trên địa bàn chỉ chấp hành đúng khung bậc lương tối thiểu do Nhà nước quy định, không thêm được là bao cho lao động.

Ông NGÔ CHÍ HÙNG, Phó Trưởng ban Quản lý các
KCN-KCX Hà Nội

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm