QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Tách bạch quyền con người với quyền công dân

Chiều 15-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 với nhiều ý kiến xung quanh những quy định về địa vị pháp lý của chính quyền địa phương, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Theo đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), dự thảo sửa đổi HP về chương “Chính quyền địa phương” chỉ mới sửa câu chữ mà chưa thể hiện rõ mô hình bộ máy chính quyền địa phương, thẩm quyền của UBND và HĐND theo hướng đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Tranh luận về quyền lực của HĐND

Đi vào góp ý cụ thể, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng HP không nên quy định “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương” vì dễ dẫn đến cách hiểu về sự phân tán quyền lực, không phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước thống nhất quyền lực từ trung ương đến địa phương. Do đó, chỉ  nên quy định thẩm quyền, địa vị pháp lý theo hướng “HĐND quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành HP, pháp luật và các vấn đề quan trọng của địa phương; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương”.

Không đồng tình với quan điểm trên, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng không thể nói HĐND có quyền lực nhà nước ở địa phương thì sẽ phân tán quyền lực. Cần khẳng định “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương” bởi đó là điều kiện đảm bảo cho người dân và cộng đồng dân cư ở địa phương thực hiện quyền lực của mình theo pháp luật. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc ở đâu có đơn vị hành chính lãnh thổ thì ở đó phải có cơ quan đại diện của nhân dân để bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Tách bạch quyền con người với quyền công dân ảnh 1

Đại biểu Phùng Đức Tiến phát biểu ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: TTXVN

Tách quyền con người và quyền công dân

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị phân biệt chế độ pháp lý đối với quyền con người và quyền công dân. Quyền con người rất rộng nhưng trở thành quyền công dân nhiều ít tùy thuộc vào thể chế, mức độ bảo vệ của nhà nước đó. Các quyền con người thì được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ nhưng còn quyền công dân đòi hỏi Nhà nước phải bảo đảm thực hiện được. “Chẳng hạn, quyền phụ nữ được có con bất kể trong hay ngoài giá thú là quyền con người, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ còn thực hiện hay không là quyền của người phụ nữ, Nhà nước không đảm bảo thực hiện. Nhưng quyền bầu cử thì Nhà nước phải đảm bảo cho công dân thực hiện” - ông Châu ví dụ.

Do đó, theo ông Châu, không thể thiết kế chế độ pháp lý chung cho quyền con người và quyền công dân như dự thảo bởi như vậy sẽ dẫn đến có nhiều quyền trong dự thảo khó đảm bảo việc thực hiện. Cụ thể, quyền khiếu nại phải tách hẳn đó là quyền công dân thì mới bảo đảm thực hiện được. “Không thể quy định hết quyền con người nhập vào quyền công dân. Quyền công dân còn phải gắn với nghĩa vụ công dân nên Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo thực hiện cao hơn” - ông Châu nói.

Làm rõ vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang  

Đề nghị dự thảo sửa đổi HP cần bổ sung rõ nội hàm về vai trò của Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Bởi lẽ, có người cho rằng có sự mâu thuẫn, phân chia quyền lực. Hiện nay Đảng lãnh đạo quân đội trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt, Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương. Còn với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch nước phải chăng có nhiệm vụ tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng, thế trận quốc phòng để khi có chiến tranh thì chuyển sang thế trận chiến tranh và huy động sức mạnh toàn dân tham gia? Nếu chỉ quy định vai trò Chủ tịch nước công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, tổng động viên hoặc công bố tình trạng khẩn cấp... thì chưa đầy đủ.

ĐB BẾ XUÂN TRƯỜNG (Bắc Kạn)

Không nên truy cứu phát ngôn của đại biểu

Đề nghị bổ sung thêm quy định mới trong dự thảo sửa đổi HP lần này về “việc phát ngôn và biểu quyết của ĐBQH trong tất cả hội nghị đều không bị xem xét trách nhiệm”. Thực tế trong QH khóa XII, một số ĐB đã bị một số cơ quan chính quyền cấp tỉnh đề nghị xem xét trách nhiệm khi phát biểu tại nghị trường, tạo dư luận không hay và băn khoăn cho nhiều ĐBQH. Hơn nữa, quy định trên cũng là nguyên tắc hiến định trong HP của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm