THI TUYỂN LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ

Sửa quy định để tránh việc dồn phiếu cho ‘người nhà’

Cuộc thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp phòng đầu tiên tại TP.HCM với hai chức danh phó chánh văn phòng và phó trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật được tổ chức tại Sở Tư pháp TP.HCM vừa kết thúc. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh - Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn và Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ Lê Hoài Trung - Phó Chủ tịch hội đồng về một số vấn đề nảy sinh cần phải sửa đổi các quy định liên quan từ sau cuộc thi này.

Quy trình thi tuyển có thể bị vô hiệu hóa

. Phóng viên: Xin ông chia sẻ thêm một số kinh nghiệm qua kỳ thi này?

+ Ông Huỳnh Văn Hạnh: Trong phần thi tuyển chọn chức danh phó chánh văn phòng, số phiếu của tập thể công chức - viên chức (CCVC) phòng đồng ý với chương trình hành động của ứng viên “trong nhà” chênh lệch nhiều so với ứng viên “bên ngoài” - phòng khác đăng ký thi tuyển vào. Trong khi theo quy định hiện nay ứng viên phải đạt trên 50% số phiếu đồng ý thì mới được Hội đồng tuyển chọn xem xét tiếp. Qua đó cho thấy có kẽ hở trong quy định về quy trình thi tuyển.

Nếu vì tình cảm cá nhân, anh em trong phòng dồn phiếu cho “người nhà” mà không bỏ phiếu cho “người ngoài” đạt trên 50% thì mặc nhiên ứng viên “người ngoài” đó sẽ bị loại. Trong trường hợp này, Hội đồng tuyển chọn bị tước quyền quyết định cho dù ứng viên có điểm thi tốt thế nào chăng nữa. Cho nên vô hình trung toàn bộ quy trình thi tuyển có thể bị vô hiệu hóa bởi quyết định của lá phiếu tập thể CCVC phòng.

. Như vậy quy định chương trình hành động của ứng viên phải đạt trên 50% phiếu đồng ý của CCVC đơn vị tổ chức tuyển chọn thì mới được Hội đồng tuyển chọn xem xét tiếp là không phù hợp, thưa ông?

+ Với chủ trương mở rộng thi tuyển lãnh đạo, thu hút ứng viên bên ngoài tham gia để chọn người giỏi, chống lợi ích cục bộ thì quy định trên là không phù hợp. Theo tôi, phải sửa đổi, trao quyền quyết định cho hội đồng chọn người trúng tuyển là người có tổng điểm cao nhất trong kỳ thi tổ chức công khai thì mới công bằng.

. Có quy định phải liệt kê cả về mức cân nặng, độ cao của ứng viên, ông thấy sao?

+ Chỉ nên quy định “ứng viên đạt sức khỏe bình thường” là đủ, không nên liệt kê cụ thể đến mức về cân nặng, độ cao… vì vô nghĩa quá, không liên quan đến thi tuyển năng lực lãnh đạo. Không lẽ thí sinh nặng hơn, cao hơn thì cho điểm sức khỏe nhiều hơn.

Ứng viên thuyết trình, bảo vệ chương trình hành động trước Hội đồng tuyển chọn. Ảnh: BÌNH MINH

Bổ nhiệm nhân sự “ngoài”: Không nên bỏ phiếu

. Về những băn khoăn, rút kinh nghiệm và kiến nghị của Sở Tư pháp đề nghị sửa đổi quy định về thi tuyển lãnh đạo, nhất là liên quan đến quy định “chương trình hành động của ứng viên phải đạt trên 50% phiếu đồng ý của CCVC đơn vị tổ chức tuyển chọn thì mới được Hội đồng tuyển chọn xem xét tiếp”, ông nghĩ thế nào, thưa ông?

+ Ông Lê Hoài Trung: Trước đây, sở dĩ có quy định để tập thể CCVC trong phòng bỏ phiếu kín đánh giá chương trình hành động của ứng viên là nhằm tăng cường dân chủ cơ sở, tạo cơ hội để CCVC góp phần trực tiếp tuyển chọn lãnh đạo của mình, tăng cường đoàn kết nội bộ, nhất trí, đồng thuận cao trong quản lý điều hành. Nhưng thực tế, nếu như có lá phiếu cảm tính, chưa công tâm gây cản trở quá trình tuyển chọn lãnh đạo công bằng khách quan thì phải sửa quy định này theo hướng “kết quả bỏ phiếu của tập thể CCVC phòng chỉ mang tính tham khảo” không mang tính quyết định. Điều này cũng phù hợp với quy trình bổ nhiệm nhân sự hiện nay: Trường hợp bổ nhiệm nhân sự tại chỗ thì phải lấy phiếu tín nhiệm nội bộ đơn vị nhưng nếu bổ nhiệm nhân sự từ nơi khác về thì không làm bước này.

. Xin cám ơn hai ông.

Hỏi “xoáy” và sốc

Các ứng viên bước vào vòng thi thuyết trình và bảo vệ chương trình hành động diễn ra trong hai ngày 15 và 16-5 khá căng thẳng với những câu hỏi xoáy từ Hội đồng tuyển chọn.

Chương trình hành động “tăng cường phổ biến pháp luật” của ứng viên Vũ Thị Tố Chinh (phòng Phổ biến giáo dục pháp luật) nhận nhiều câu hỏi khó: Phương thức tuyên truyền mời bà con lại để phổ biến pháp luật cũ rồi, có giải pháp nào tốt hơn không?

Chị Chinh mạnh dạn khẳng định: Chương trình hành động của tôi hướng tới mở rộng khai thác việc phổ biến pháp luật qua báo, đài và mạng Internet, kết hợp xã hội hóa kêu gọi nhà tài trợ giải thưởng, tổ chức sân khấu ca hát rồi lồng vào tuyên truyền pháp luật. Phổ biến pháp luật cũng không thể một chiều, người dân phản ứng thì phải tổng hợp lại để kiến nghị xem xét thay đổi vì có thể quy định đó không phù hợp…

Hay như sau khi trình bày hàng loạt giải pháp bài bản chống nạn “cò lảng vảng” ở trụ sở: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục; công khai thủ tục, quy trình và tiến độ giải quyết hồ sơ qua mạng; công bố số điện thoại đường dây nóng và của lãnh đạo để người dân phản ánh hành vi sách nhiễu, tiêu cực… ứng viên Trần Quốc Tú nhận câu hỏi “xoáy”: Làm hết những giải pháp đó mà vẫn còn nạn “cò” thì tính sao? Anh Tú thẳng thắn nhìn nhận “cò” xen vào khoảng trống giữa quan hệ nhà nước và người dân nên chủ yếu phải tăng cường tương tác điện tử nhằm thu hẹp mảnh đất phát sinh “cò”, còn tình trạng “cò” không thể chấm dứt 100%.

. Phóng viên: Đại diện cho Sở Nội vụ chuyên trách công tác tổ chức cán bộ, ông nhận xét thế nào về kỳ thi này?

+ Ông Lê Hoài Trung: Rất nghiêm túc. Có cạnh tranh, không phải thi hình thức để đối phó với dư luận. Thực ra thi tuyển công khai trước tập thể đông đảo, các ứng viên đều nỗ lực hết mình thể hiện năng lực, so kè quyết liệt, ai cũng thấy được diễn biến cuộc thi rõ ràng, rất thuyết phục. Dàn xếp tiêu cực thì ứng viên khác sẽ phản ứng “tố” ngay. Có chương trình hành động khá chuyên sâu mà tôi tin có thể nâng tầm triển khai thành đề án hiệu quả sau này. Ứng viên trúng tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý chắc chắn sẽ cảm thấy vinh dự, xứng đáng và tạo niềm tin, động lực cho các cán bộ, công chức trẻ phấn đấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm