QUẢN LÝ ĐÔ THỊ TRƯỚC SỨC ÉP DÂN NHẬP CƯ:

Sửa luật không nhằm hạn chế nhập cư

Tuy nhiên, đánh giá một cách chính xác những khe hở pháp luật về cư trú cũng như khắc phục vướng mắc, bất cập là cần thiết.

Sau hơn hai năm thực hiện Luật Cư trú, gần như hầu hết 63 tỉnh, thành trên cả nước đều đánh giá cao hiệu quả của đạo luật quan trọng này. Chỉ có Hà Nội và TP.HCM là tỏ ra băn khoăn, kiến nghị sửa luật để siết chặt hơn việc quản lý cư trú.

Xuất hiện sơ hở

Để có đánh giá toàn diện pháp luật về cư trú, Bộ Công an đã lập một ban nghiên cứu đi khảo sát ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM. Kết quả cho thấy quy định thông thoáng trong Luật Cư trú là đang sống ở nhà cho mượn, cho thuê, ở nhờ cũng có thể đăng ký thường trú được đã bị một số người dân đang có nhà, hộ khẩu thành phố lợi dụng để trục lợi với người có nhu cầu xin hộ khẩu thường trú. Trong khi đó, luật lại không quy định cấm việc cho mượn nhà để trục lợi này nên địa phương có phát hiện cũng không chế tài được.

Luật Cư trú cũng thiếu quy định cụ thể diện tích tối thiểu/đầu người với nhà cho thuê, mượn, ở nhờ nên xảy ra việc nhiều người nhập khẩu một hộ nhưng thực tế chật chội lại phải sống nơi khác, khó quản. Tương tự, điều kiện việc làm trong các quy định cũ là phải có biên chế hoặc hợp đồng dài hạn trong doanh nghiệp nhà nước, tới Luật Cư trú được nới lỏng chỉ cần hợp đồng không xác định thời hạn với bất cứ doanh nghiệp nào. Quy định thoáng nhưng lại thiếu cơ chế ngăn ngừa ký hợp đồng không xác định thời hạn giả để đăng ký thường trú.

Sửa luật không nhằm hạn chế nhập cư ảnh 1

Theo đề xuất của Bộ công an, diện tích tối thiểu nhà ở thuê của người nhập cư như thế này phải là 5 m2 trên đầu người khi nhập hộ khẩu. Ảnh: HTD

Thủ tục xóa đăng ký thường trú cũng có khe hở. Chẳng hạn, chuyển nhà nơi khác 24 tháng mới bị cắt hộ khẩu chỗ ở cũ dẫn tới tình trạng thường trú ảo, một người cùng lúc có hộ khẩu thường trú hai nơi. Hay không có quy định xóa đăng ký tạm trú nên nhiều trường hợp di chuyển chỗ ở tạm nhiều lần và cùng lúc có nhiều sổ tạm trú, gây khó khăn cho quản lý dân cư.

Sửa để quản tốt hơn

Từ kết quả khảo sát cũng như kiến nghị của Hà Nội, TP.HCM, ban nghiên cứu của Bộ Công an cho rằng Luật Cư trú tuy bộc lộ một số bất cập song nếu có sửa đổi, bổ sung thì nên nghiên cứu toàn diện để đưa vào chương trình lập pháp Quốc hội khóa sau. Mặt khác, những hạn chế này vẫn có thể được khắc phục bằng sửa nghị định hướng dẫn (Nghị định 107). Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý với đề xuất này và nhấn mạnh việc sửa nghị định là để quản lý dân cư, quản lý đô thị tốt hơn, “không nhằm hạn chế việc nhập cư”.

Theo đó, Bộ Công an đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 107 với một số điểm chính. Một là bổ sung hai điều cấm: “Cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu của mình để trục lợi hoặc cho nhiều người nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở nhưng không đảm bảo diện tích tối thiểu”; “ký hợp đồng không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp mình để nhập hộ khẩu”.

Hai là quy định rõ hơn về “chỗ ở hợp pháp”: Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống. Chỗ ở hợp pháp có thể là nơi thuê, mượn, hoặc được ở nhờ nhưng phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định. Giấy tờ chứng minh việc cho thuê, mượn, cho ở nhờ (hợp đồng) phải ghi rõ diện tích cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ. Nếu nhập vào sổ hộ khẩu của chủ hộ thì phải ghi rõ số nhân khẩu và diện tích sử dụng của nhà ở.

Ba là điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương được quy định rõ hơn: Tạm trú liên tục một năm trở lên tại một chỗ ở và nơi đăng ký thường trú là nơi đang tạm trú (khắc phục tình trạng cộng dồn thời gian tạm trú ở nhiều nơi trong thành phố cho đủ điều kiện đăng ký thường trú).

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm