Sửa luật để bầu cử “hai trong một”

Để có thể thực hiện cuộc bầu cử “hai trong một” này, yêu cầu đầu tiên là phải sửa hai luật liên quan đến bầu cử là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND.

Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Luật Bầu cử ĐB HĐND (gọi tắt là Luật sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ 8 tới đây (dự kiến khai mạc vào ngày 20-10).

Hai quan điểm sửa luật

Việc sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐB HĐND được thực hiện theo kỹ thuật một luật sửa nhiều luật. Theo ban soạn thảo Luật sửa đổi, hai luật về bầu cử ĐB QH và HĐND hiện có những quy định khác nhau về chỉ đạo bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử, số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện các bước trong quy trình bầu cử. Với các quy định khác nhau như vậy, nếu vẫn tiến hành quy trình bầu cử độc lập theo từng luật thì sẽ rất phức tạp trong chỉ đạo bầu cử chung, gây lãng phí về thời gian, tiền của và công sức. Vì vậy, xây dựng Luật sửa đổi là nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt khi tiến hành hai cuộc bầu cử chung một ngày và trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại một số địa phương.

Cũng theo tờ trình thì hiện có hai loại ý kiến khác nhau về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật. Luồng ý kiến thứ nhất tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật. Theo đó, chỉ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung ĐBQH và ĐB HĐND trong cùng một ngày. Luồng ý kiến thứ hai đề nghị sửa đổi cơ bản Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐB HĐND nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác bầu cử.

Sửa luật để bầu cử “hai trong một” ảnh 1

Thực hiện cuộc bầu cử chung cả đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí. Ảnh: HTD

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, Ủy ban Pháp luật nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng trong lần sửa đổi này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thật sự cần thiết nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi tiến hành bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trong cùng một ngày. Đây cũng là vấn đề đã được báo cáo QH tại kỳ họp trước và đã được QH đồng ý khi bổ sung dự án luật này để trình QH xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Quy định cụ thể về tự ứng cử

Ban soạn thảo cho biết có ý kiến cho rằng những vấn đề hạn chế khi thực hiện các luật bầu cử như quyền bầu cử, ứng cử của công dân Việt Nam ở nước ngoài, điều kiện, tiêu chuẩn đại biểu, điều kiện tự ứng cử, số đại biểu được bầu tại mỗi đơn vị bầu cử, các bước của quy trình hiệp thương… cần phải được sửa đổi ngay trong dự luật lần này. Tuy nhiên, theo quan điểm ban soạn thảo thì những vấn đề trên cần được nghiên cứu sâu sắc, toàn diện để sửa đổi một cách cơ bản và đồng bộ các luật về bầu cử và các văn bản quy phạm pháp luật khác về tổ chức bộ máy nhà nước.

Trong khi đó, Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự luật - cũng cho hay một số ý kiến tuy tán thành với những sửa đổi, bổ sung của dự luật nhưng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để có thể sửa đổi thêm một số vấn đề khác. Chẳng hạn, tăng số lượng ĐB HĐND cho TP Hà Nội do vừa mở rộng địa giới hành chính; trường hợp quyết định không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì cũng cần tăng số lượng ĐB HĐND cấp tỉnh. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hơn về các tiêu chuẩn ĐBQH, ĐB HĐND như quy định việc công khai tài sản, sự tín nhiệm của cử tri ở nơi cư trú đối với các ứng cử viên. Điều kiện, quy trình tự ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND cũng phải được quy định cụ thể hơn trong Luật sửa đổi để công dân dễ dàng thực hiện.

Một số nội dung sửa đổi

Hội đồng bầu cử ở trung ương bên cạnh một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng đối với bầu cử ĐBQH thì còn có các nhiệm vụ, quyền hạn chung như: lãnh đạo việc tổ chức bầu cử trong cả nước; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quy định của pháp luật về bầu cử; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử, công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử.

Thành lập Ủy ban Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh để thay thế và thực hiện chung nhiệm vụ, quyền hạn của cả Ủy ban Bầu cử ĐBQH và Hội đồng Bầu cử ĐB HĐND cấp tỉnh.

Thống nhất quy định về mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu. Theo đó, Hội đồng Bầu cử quy định mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu của cả ĐBQH và ĐB HĐND.

Về số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử ĐBQH: Số người trong danh sách ứng cử ĐBQH ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số ĐB được bầu ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử đó được bầu ba ĐB thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số ĐB được bầu ít nhất là hai người.

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm