Sửa đổi Hiến pháp 1992 - yêu cầu cấp bách

Tập thể Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chính thức kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình cấp có thẩm quyền cho bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ hiện hành (2007-2011) nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước: Vướng hiến pháp

Kiến nghị được nêu trong buổi họp Thường vụ Quốc hội hôm qua (18-4), liên quan đến việc thẩm tra đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Chương trình này được tổng hợp từ các đề xuất lập pháp của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao và cả các cơ quan của Quốc hội. Theo đó, hàng loạt luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về bầu cử có nhu cầu cấp thiết phải sửa đổi: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức TAND, Luật Bầu cử đại biểu HĐND cần được nghiên cứu, sửa đổi ngay từ năm sau.

Theo Ủy ban Pháp luật, việc sửa đổi các luật này phải thể hiện được những chủ trương, đường lối mới đã được Đảng khẳng định, như xây dựng cơ chế bảo vệ hiến pháp; luật hóa cơ cấu tổ chức Chính phủ; giao thêm Thủ tướng quyền điều động bổ nhiệm chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp trên điều động bổ nhiệm chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; xem xét lại vai trò của HĐND huyện, quận, phường; tổ chức lại hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; nghiên cứu chuyển VKS thành viện công tố...

“Đây là những định hướng lớn liên quan đến các quy định tương ứng trong hiến pháp, nếu không sửa đổi hiến pháp thì khó có thể sửa đổi các đạo luật nói trên như đề nghị của Chính phủ và các cơ quan liên quan” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phát biểu.

Ông Thuận đề xuất là ngay từ giờ cần có chủ trương nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp 1992 để ban soạn thảo các luật tổ chức bộ máy nhà nước bám theo, nắm bắt tinh thần, chủ động hướng xây dựng dự luật của mình.

Cải cách tư pháp, đụng tới hiến pháp là tránh?

Đề nghị của Ủy ban Pháp luật không mới, bởi từ kỳ họp đầu Quốc hội khóa XII đến nay, gần như lần nào bàn tới các cuộc thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường, mở rộng quyền dân chủ để dân trực tiếp bầu chủ tịch xã... nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến là nên sớm sửa đổi Hiến pháp 1992. Và đến nay, khi đụng trực tiếp tới những luật cơ bản về tổ chức bộ máy, về quyền bầu cử, vấn đề sửa hiến pháp càng trở nên cấp bách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thu Ba, người theo dõi hoạt động các cơ quan tư pháp rất thấm thía điều đó. “Chúng ta đang triển khai xây dựng các đề án đổi mới về tổ chức, hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp. Nhưng các đề án ấy toàn theo tinh thần giải quyết vấn đề trước mắt, còn đụng tới sửa hiến pháp, các cơ quan tư pháp đều tránh hết. Giờ mà cứ kiên quyết chưa sửa hiến pháp thì rồi đến khi sửa các luật tổ chức, luật tố tụng sẽ không có định hướng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, ông Lê Quang Bình cũng chia sẻ nỗi băn khoăn này. Vì nếu muốn có đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước ngay đầu khóa Quốc hội sau thì kỳ họp giữa năm 2011, Quốc hội phải có sẵn các luật tổ chức bộ máy mới làm cơ sở bầu, phê chuẩn nhân sự nội các mới. Muốn vậy, ngay từ giờ phải bắt tay nghiên cứu sửa Hiến pháp 1992.

Không khởi động ngay sẽ muộn

Đáng chú ý, trong buổi họp này, kiến nghị của Ủy ban Pháp luật cũng như ý kiến của các ủy viên Thường vụ Quốc hội cũng được đại diện của Chính phủ ủng hộ. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, người thừa ủy quyền Thủ tướng trình Thường vụ chương trình xây dựng luật 2010, nói: “Việc Ủy ban Pháp luật đề nghị Thường vụ, Đảng đoàn Quốc hội có ý kiến với Bộ Chính trị về chủ trương sửa hiến pháp, tôi đồng tình cao”.

Theo ông Cường, lần sửa đổi hiến pháp năm 2001 cơ bản vẫn giữ nguyên mô hình tổ chức bộ máy như trước, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội sau 20 năm đổi mới. Bản thân Chính phủ khi chuẩn bị các dự án luật cũng đã bị “đụng trần” nhiều lần. Chẳng hạn, vấn đề đổi mới vị trí, vai trò của Ngân hàng nhà nước, Bộ Chính trị từng ra kết luận là từ 2010 phải chuyển đổi sang mô hình Ngân hàng trung ương, nằm ngoài Chính phủ, độc lập quyết định chính sách tiền tệ giống như các nước theo thể chế kinh tế thị trường trên thế giới. Chủ trương này vượt ra khỏi quy định hiến pháp hiện hành (Chính phủ quyết định chính sách tiền tệ, thống đốc Ngân hàng nhà nước là thành viên nội các...), khiến cho Ngân hàng nhà nước chỉ có thể đưa ra các dự thảo sửa đổi Luật Ngân hàng nhà nước “mang tính chất cải lương”.

Là thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, ông Cường còn nhắc lại rằng chính đại diện TAND tối cao trong buổi họp mới đây với Quốc hội cũng đã trình bày rõ việc tổ chức lại ngành tòa án, theo tinh thần tòa phải đổi mới trước tùy thuộc rất nhiều vào việc sửa đổi hiến pháp hiện hành. “Vì vậy, đã đến lúc phải báo cáo vấn đề của hiến pháp mà trước nhất là các vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy. Mà muốn sửa vào năm 2011-2012 thì bắt đầu nghiên cứu ngay từ giờ có khi đã là muộn”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Sửa hiến pháp, có gì mà sợ!

Đầu nhiệm kỳ Quốc hội, Đảng đoàn đã có tờ trình với Bộ Chính trị về vấn đề sửa hiến pháp. Tháng 2-2008, Bộ Chính trị đã làm việc với Đảng đoàn Quốc hội và trả lời là phải thông qua cương lĩnh mới. Sửa hiến pháp cái gì thì phải khớp với cương lĩnh. Cho nên mới thôi không đặt vấn đề nữa. Tôi biết quan điểm của Bộ Chính trị là sửa hiến pháp, cương lĩnh không phải là sửa vặt, vài ba năm sửa vài điều ít nước làm lắm. 30-40 năm sửa một lần.

Giờ có vấn đề gì cấp bách thì các cơ quan chủ trì các dự án luật nghiên cứu, đề xuất, trình xin. Thực tiễn có những thứ vượt qua rồi thì phải điều chỉnh. “Nhà nước pháp quyền XHCN”, “Kinh tế thị trường XHCN”, Cương lĩnh 1991 có nói đâu mà trung ương vẫn làm. Hiến pháp cũng vậy thôi.

Ai hạn chế sửa hiến pháp đâu! Có gì mà sợ! Nhân chương trình xây dựng luật, pháp lệnh này, các ban soạn thảo nghiên cứu xem đụng cụ thể vấn đề gì của hiến pháp thì tổng hợp lại để trình. Nhưng sửa tổng thể, toàn diện thì trước mắt là chưa.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm