Sửa đổi Bộ luật Lao động : Vợ sinh, chồng được nghỉ?

Sáng 23-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Nhiều đại biểu (ĐB) cùng cho rằng cần quy định mức thưởng cho người lao động (NLĐ) vào luật nhằm tránh tình trạng DN viện hết cớ này đến cớ khác để “xù” hoặc chỉ thưởng tết vài chục ngàn đồng như thời gian qua.

Đưa “lương tháng thứ 13” vào luật

Theo ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM), từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 43 vụ đình công và hầu hết đều liên quan đến thang bảng lương, việc nâng lương định kỳ cho NLĐ. “Tôi đề nghị phải bổ sung thêm quy định buộc cơ quan quản lý lao động phải thẩm tra về tính đúng đắn, tính hợp pháp thang bảng lương của các DN. Đồng thời, cần phải quy định về chế độ tiền thưởng, nhất là tiền thưởng cuối năm dành cho NLĐ” - ông Hải nói.

Đồng tình, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng vấn đề tiền thưởng cũng cần được quy định ngay trong luật, bởi nếu không thì sẽ tạo kẽ hở để DN vin vào cớ DN thu nhập thấp, bị lỡ công việc không thưởng cho NLĐ.

Sửa đổi Bộ luật Lao động : Vợ sinh, chồng được nghỉ? ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng (ĐB Đồng Nai) cũng tán thành ý kiến phải quy định việc trả thưởng cho NLĐ trong một năm. “Từ trước đến giờ theo thông lệ cứ một năm sau khi làm việc, NLĐ được hưởng một tháng lương (tháng lương thứ 13 - PV). Nhưng nếu không quy định thì các DN, đặc biệt là các DN FDI họ chuyển giá nên năm nào họ cũng lỗ rồi thưởng cho NLĐ rất ít nên NLĐ rất thiệt thòi, rất tội nghiệp. Cho nên chúng tôi đề nghị cần phải đưa vào luật quy định về mức thưởng này” - ông Tùng nói.

Được nghỉ hộ sản sáu tháng

Về chế độ nghỉ thai sản đối với lao động nữ, có hai phương án được đưa ra là NLĐ nữ được nghỉ trước và sau khi sinh sáu tháng hoặc năm tháng và được nghỉ thêm một tháng trong trường hợp đặc biệt.

Hầu hết các ĐB đều tán thành với phương án nghỉ sáu tháng vì đây là quy định tiến bộ, hướng đến mục tiêu bảo vệ tương lai và chất lượng giống nòi. Cạnh đó, một số ý kiến cho rằng nên có quy định cho lao động nam nghỉ việc trong trường hợp người vợ bị chết trong hoặc ngay sau khi sinh con. Thậm chí có thể cho lao động nam nghỉ việc một thời gian ngắn để chăm sóc vợ sau khi sinh.

Đặc biệt, ĐB Siu Hương (Gia Lai) còn đề xuất nên cho người lao động nữ nghỉ việc trong trường hợp bị sẩy thai vì việc này ảnh hưởng rất nặng nề đến cả thể chất lẫn tinh thần của họ. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa (Chủ tịch Hội LHPN VN) đề nghị nên có chế độ thai sản cho phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, phụ nữ thất nghiệp, không có bảo hiểm xã hội… Đồng tình ý kiến này, ĐB Nguyễn Văn Vẻ (Thái Bình) đề xuất nên trợ cấp cho những sản phụ là lao động tự do không có bảo hiểm xã hội, có thể là một tháng lương cơ bản.

5 là tổng số ngày NLĐ được nghỉ tết Nguyên đán theo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, tăng một ngày so với quy định hiện hành.

Cho về hưu sớm là lãng phí vàng ròng

Hiện nay, đội ngũ lao động nữ rất lớn, để những phụ nữ đạt được trình độ quản lý, lãnh đạo, khoa học, kỹ thuật, bác sĩ, dược sĩ, công nhân lành nghề là rất khó khăn. Do đó, để lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 là rất lãng phí, trong khi ai cũng biết tuổi thọ của nữ giới thường cao hơn nam giới.

Hiện tượng quá tải trong ngành y tế có một phần do không đủ nguồn lực. Bây giờ rất nhiều bác sĩ, y sĩ, dược sĩ từ tuổi 55-60 về nghỉ, trong khi đấy là vàng ròng của ngành y tế. Cũng tương tự như thế ở ngành giáo dục. Cho họ về hưu trong khi vẫn còn sức là quá lãng phí vì không phải ai về hưu cũng có tiền mở phòng khám tư, xưởng chế thuốc tư hoặc trường tư thục. Do đó, tôi tha thiết mong QH, Chính phủ xem lại chuyện này để có bình đẳng giới thực sự.

ĐB BÙI THỊ AN (Hà Nội)

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm