Sự bảo vệ tốt nhất

Có trường hợp nguy hiểm đến không phải từ người bị tố cáo mà từ phía người có quan hệ tình cảm hoặc quyền lợi với người bị tố. Việc một cán bộ Thảo Cầm Viên Sài Gòn bị giết chết là một ví dụ. Người tình của vị giám đốc bị tố cáo đã thuê côn đồ hạ sát anh để trả thù.

Lại cũng có những trường hợp người tố giác bị trù dập bằng những hình thức tinh vi. Lấy lý do “nhu cầu công tác”, người ta giao cho họ những nhiệm vụ bất khả thi, không phù hợp với sở trường, chuyên môn, nguyện vọng khiến người tố cáo không hoàn thành tốt nhiệm vụ, sau đó lại lấy lý do ấy để điều chuyển, cho thôi việc…

Đó là khi người tố cáo là cán bộ, công chức, còn nếu họ là dân?

Việc người tố cáo sau đó bị ghim gút, làm khó trong chứng thực giấy tờ, xin giấy xác nhận để thực hiện các giao dịch; bị gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh… xảy ra liên miên. Mới đây, một doanh nghiệp đã than phiền bởi sau khi góp ý về lối làm việc của cán bộ thuế, họ đã bị hànhlên bờ xuống ruộng.

Ở nhiều nơi, người tố cáo còn bị cô lập. Những quần chúng khác dù cảm thông, chia sẻ nhưng không dám công khai, sợ bị liệt vào danh sách chống đối. Lâu dần, việc né tránh đấu tranh trở thành triết lý sống “biết người biết ta”. Khi đó cái xấu, sự sai phạm càng có điều kiện hoành hành.

Pháp luật không thể dự liệu hết những tình huống nảy sinh mà chỉ có thể tiệm cận với thực tiễn đời sống. Chắc chắn sẽ luôn có những kẽ hở cho người vi phạm bưng bít thông tin, trù dập, trả thù người tố cáo. Vì thế, phải có một môi trường để những người tố cáo tiêu cực, tham nhũng không lẻ loi. Ấy là phát huy dân chủ, là công khai, minh bạch để quần chúng có thể giám sát cả việc xử lý thông tin tố giác và những hành xử sau đó của người có chức quyền đối với người đã tố giác mình. Những quyết định thuyên chuyển, điều động bất thường cần phải được phản biện để làm lộ ra những động cơ bất minh nếu có.

Khi biết hành vi trả đũa, trù dập sẽ bị dư luận phát hiện, chắc chắn người bị tố cáo sẽ không dám làm. Và chỉ khi biết mình không lẻ loi, mình được an toàn, người ta mới mạnh dạn tố cáo tham nhũng, tiêu cực.

Pháp luật và dư luận xã hội luôn cổ súy, tôn vinh những người dũng cảm, xả thân. Nhưng sẽ tốt hơn nếu mọi người đều có thể xem việc tố cáo cái xấu, vì lợi ích chung là bình thường, là một thứ nghĩa vụ mà không cần phải xả thân.

Một môi trường dân chủ, minh bạch vì thế là sự bảo vệ tốt nhất với người tố giác tham nhũng!

ĐỨC HIỂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm